"...Lúc ấy, tôi là cán bộ thông tin kiêm phụ trách khối đoàn viên thanh niên địa phương nên không khỏi lo lắng hồi hộp” - ông Ngô Mạnh Quyền, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì - Hà Nội) nhớ lại.
Nhớ vụ xuân 1958
Khi đến tàu tát của cụ Lan, Bác Hồ có nói: “Tôi tuy xa công việc nhà nông mấy chục năm nay nhưng tát nước thì vẫn nhớ”. Bác đã đề nghị một đồng chí lãnh đạo của tỉnh Hà Đông có mặt lúc ấy tát cùng. Thấy vị lãnh đạo có vẻ lóng ngóng, Bác hướng dẫn: “Phải kéo bằng dây trên, đổ bằng dây dưới”, ông Ngô Mạnh Quyền kể lại.
Tả Thanh Oai, cái tên gợi cho người ta nhớ đến nhiều sự kiện lịch sử. Xưa, tổng Thanh Oai là một nơi có tiếng, được vua chúa nhiều triều ban sắc phong vì những công trạng cũng như là nơi xuất thân của nhiều hiền tài như cha con danh sĩ Ngô Thì Sĩ - Ngô Thì Nhậm.
Cùng với làng Siêu Quần xưa, tổng Thanh Oai trở thành địa danh lớn của phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng.
Những đình đền miếu mạo được bảo tồn nay thành di tích quốc gia đều có những câu chuyện riêng rất linh thiêng và cũng đầy tính nhân văn, hướng con người ta đến với cái thiện và nhắn nhủ người đời hãy biết yêu lao động.
Cách trung tâm xã chừng cây số hướng ra mé cánh đồng làng là di tích quan trọng nhất của địa phương. Người ta nói đấy là tượng đài. Nhưng tôi nghĩ rằng, dù là gì đi chăng nữa thì đó là biểu tượng của sức mạnh lao động.
Biểu tượng ấy hơn 60 năm về trước, bà con Tả Thanh Oai đã thấy rõ tình yêu lao động của Bác Hồ, cũng là thấy một biểu tượng yêu nước thương dân.
Ông Ngô Mạnh Quyền bồi hồi nhớ lại, vụ xuân năm 1958, xã Tả Thanh Oai (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Hà Đông) gặp hạn hán kéo dài nghiêm trọng. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay với hàng nghìn mẫu ruộng thiếu nước cấy.
Cánh đồng lớn và cao như Quai Chảo dù được hàng trăm dân công miệt mài tát nước nhưng cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Cả vạn khối nước được đoàn thanh niên tát vào đều ngấm hết. Mọi người đều nản lòng, ai nấy đều bụng bảo dạ hi sinh 50 mẫu ruộng ấy cho trời.
“Ngày ấy, tôi là cán bộ thông tin kiêm phụ trách khối đoàn viên thanh niên địa phương nên chỉ được cấp trên thông báo trước là có đoàn công tác Chính phủ đến làm việc. Sau đó một lúc, tôi được một đồng chí rỉ tai bảo Bác Hồ đang về với xã. Tin ấy làm tôi lo lắng lẫn hồi hộp.
Đúng 8 giờ sáng 12/1/1958, có 4 chiếc xe màu đen chở phái đoàn Chính phủ về đỗ ngay tại trạm bơm Tả Thanh Oai”, ông Quyền cho biết.
Xúc động hình ảnh Bác Hồ tát nước
Từ trong một chiếc xe, Bác Hồ bước xuống cùng với đồng chí Vũ Quý lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông.
Ông Quyền còn nhớ như in hình ảnh đầu tiên trong đời được nhìn thấy Bác Hồ: “Bác mặc bộ ka ki màu trắng, chân đi đôi dép cao su rất giản dị. Vừa bước xuống xe, Bác không vào đình Hoa Xá, nơi đã chuẩn bị để đón tiếp mà xắn quần đi thẳng ra cánh đồng Quai Chảo”.
Bác đi một mạch đến tàu tát nước của cụ Ngô Văn Lan (người làng thường gọi là cụ Ba Lan), Bác Hồ dừng lại chuyện trò và bảo cụ Lan dừng tay nghỉ ngơi để Bác tát thay và nói: “Tôi tuy đã xa công việc nhà nông mấy năm nay nhưng tát nước thì vẫn nhớ”.
Trong tư thế vững chãi của người tát gầu dai, Bác Hồ thả từng gầu vục nước đổ vào ruộng một cách thuần thục như một lão nông quanh năm gắn với ruộng đồng.
Những gầu nước của Bác Hồ làm cho bà con Tả Thanh Oai hôm đó vô cùng cảm động. Họ đã bỏ đi ý nghĩ “phó mặc cho trời” và cùng nhau tát nước. Nhờ vậy mà hơn 50 mẫu ruộng Quai Chảo cứ đầy ăm ắp nước. Năm ấy, Tả Thanh Oai thu hoạch lớn.
Năm nay, ông Quyền đã thành lão niên của làng, trí nhớ dù đã lúc nhớ lúc quên nhưng mỗi khi kể cho con cháu nghe chuyện năm xưa Bác Hồ tát nước, đôi mắt ông Quyền như sáng hơn.
Dẫn chúng tôi lên gác hai, ông Quyền ngước mắt lên bức ảnh chụp sự kiện Bác về chống hạn. Trong bức ảnh ấy có cả ông, người cán bộ phụ trách đoàn năm xưa. Ông Quyền gọi đó là bức ảnh lịch sử mà Tả Thanh Oai không bao giờ quên.
“Trong suốt bao nhiêu năm, dân làng chúng tôi vẫn gìn giữ được bức ảnh này và coi đó như báu vật. Trước khi Bác Hồ về làng, chúng tôi chỉ nghe nói về Bác qua đài qua báo chứ chưa bao giờ trực tiếp được gặp Bác.
Kỷ niệm năm 1958 đã trở thành biểu tượng lao động mà Bác Hồ là người truyền lửa, khiến chúng tôi cảm thấy yêu lao động, yêu tăng gia sản xuất hơn”, ông Quyền chia sẻ.
Nguồn cổ vũ to lớn
Ông Nguyễn Văn Hanh, 79 tuổi ở đội 3 cũng là một trong những người vinh dự có mặt trong bức hình chụp Bác Hồ tát nước chống hạn, kể rằng: Bà con đang tát nước gần cánh đồng Quai Chảo biết Bác về thăm đã reo mừng chạy đến chào đón nhưng Bác ôn tồn động viên mọi người trở về vị trí tiếp tục làm việc.
Nghe lời Bác, tất cả người dân ai về ruộng nhà nấy, tập trung tát nước. Sau đó, Bác Hồ lội qua sông Lán để trở ra xe, đến Đàn Thượng Lão, Bác dừng lại căn dặn cán bộ và bà con nông dân có mặt tại đó: “Các cô, các chú tích cực tát nước chống hạn, vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, cấy hết diện tích. Bác chờ thành tích của các cô, các chú báo công lên cho Bác”.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai, cho biết: “Lời dạy của Bác Hồ là nguồn cổ vũ lớn lao để bà con chăm lo sản xuất mùa vụ. Khi ấy, toàn xã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất và chỉ trong một thời gian ngắn, cả cánh đồng khô hạn Quai Chảo đã đầy nước và lúa cấy phủ xanh. Vụ xuân năm đó, cả xã được mùa lớn. Tất cả mọi người đều làm theo gương lao động miệt mài của Bác”.
Nhận thức tầm quan trọng của di tích lịch sử cách mạng tại xã Tả Thanh Oai, UBND TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng khu Đài tưởng niệm Bác Hồ tát nước chống hạn tại cánh đồng Quai Chảo. Chính giữa Đài tưởng niệm là bức phù điêu lớn bằng đá xanh tái hiện lại cảnh Bác Hồ đang tát nước, bà con nông dân đứng xung quanh - Ông Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai.