Người coi sự dốt nát là một thứ giặc nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Quan điểm coi sư phạm, giáo dục làm gốc đã được thể hiện trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa của miền Bắc và đã được kế thừa xuất sắc khi đất nước ta hoàn toàn giải phóng. Đây là tư tưởng quan trọng nhất, phản ánh nguyện vọng cao cả của Bác muốn đồng bào ta nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Câu nói nổi tiếng của Bác: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” thể hiện rõ nhất mục tiêu, lý tưởng cách mạng và chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong lịch sử nước ta, hiếm có nguyên thủ nào quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, công tác sư phạm như Bác. Có lẽ vì đó là thời điểm đất nước biến động nên Bác đã sớm nhận ra tầm quan trọng của tri thức đối với chiến thắng và đối với thời cuộc sau này. Người thể hiện rõ sự quan tâm đó bằng việc thường xuyên đến thăm các lớp xóa mù chữ, các lớp bình dân học vụ… để truyền sự quan tâm và lòng quyết tâm thoát khỏi giặc dốt cho nhân dân. Người đi thăm các lớp bồi dưỡng giáo viên khá nhiều và luôn nhắc nhở việc chăm lo đến các thầy cô giáo. Điều đó thể hiện một ý chí hết sức rõ ràng của Bác: Bằng mọi cách để nâng tầm nền giáo dục, đưa nước ta trở nên mạnh về trí tuệ.
Trong các trường đại học sư phạm ở Việt Nam lúc đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhận được vinh dự đặc biệt. Ngày 21/10/1964 có lẽ là kỷ niệm không thể nào quên đối với cán bộ, giáo viên và sinh viên của trường. Đó là một ngày thật đẹp khi trường được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống nước Cộng hòa Mali là Modibo Keita đến thăm. Buổi nói chuyện của Bác đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng giáo viên và sinh viên bởi Bác đã truyền vào quá nhiều cảm hứng và niềm tự hào dân tộc. Người nhấn mạnh sự đoàn kết của trường, cũng như nhiều cơ sở giáo dục khác, Người yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội “phải đoàn kết thật sự giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân”, “mọi người phải quan tâm giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ thật sự, coi nhau như anh em, chị em ruột thịt trong một nhà”... Đây là một lời dặn dò lớn lao vì nó đúng trong mọi hoàn cảnh, cả ở thời chiến lẫn thời bình.
Người đặc biệt quan tâm đến tu dưỡng đạo đức của nhà giáo. Người cho rằng không nên học gạo, không nên học vẹt, học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, học với hành phải kết hợp với nhau… Đó là điều cốt yếu mà một người làm công tác sư phạm cần nằm rõ và quyết tâm cố gắng thực hiện.
Đã hơn bốn mươi năm kể từ ngày đất nước thống nhất, tròn ba mươi năm nước ta đổi mới sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngành Giáo dục, ngành Sư phạm của chúng ta đã phát triển lên tầm cao mới. Đồng tiền đã trở thành một thứ cám dỗ không nhỏ đối với người thầy giáo. Chính vì vậy, trong công tác sư phạm, chúng ta phải bồi dưỡng một cách toàn diện cho những thầy cô giáo tương lai như lời Bác Hồ đã dạy. Các trường đại học sư phạm của chúng ta ngày nay luôn coi trọng nhiệm vụ bồi dưỡng đạo đức cho sinh viên và cán bộ công nhân viên của nhà trường. Sứ mệnh của người dạy học không được đo đếm bằng sự giàu có mà phải tính bằng thành công của học sinh họ đã dạy.
Nhớ lời Bác dạy, ngày nay hàng trăm trường đại học và cơ sở giáo dục đều cố gắng phấn đấu không mệt mỏi để giữ mãi tinh thần sư phạm bất diệt. Đào tạo sư phạm là nhiệm vụ khó khăn vì đây là ngành đào tạo đặc biệt: Đào tạo ra các thầy, cô giáo để dạy người khác.
Ngoài việc thi đua dạy tốt, học tốt, ngành Sư phạm đã đào tạo nên nhiều nhà giáo xuất sắc, uy tín, hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Tên tuổi của các nhà giáo ngày nay làm rạng danh non sông, và họ đều xuất phát từ tư tưởng sư phạm lớn lao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền lại, lan tỏa, để thực hiện mong ước “ai cũng được học hành” của Bác.