Nhớ lời Đại tướng năm xưa…

GD&TĐ - Hơn 67 năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hình ảnh và chiến công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng những chiến sĩ Điện Biên - vẫn luôn khắc sâu trong trái tim của mỗi người con Điện Biên.

Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Dưới cánh rừng già

Men theo con suối nhỏ róc rách uốn lượn quanh chân núi Pú Đồn, chúng tôi bắt gặp cánh rừng già với hàng cây cổ thụ cao vút, lâu nay được nhân dân gọi bằng tên gọi thân thuộc - “rừng Đại tướng”.

Lọt thỏm trong khu rừng, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện ra trước mắt chúng tôi với hệ thống gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn, được làm bằng những vật liệu đơn sơ như: Tre, luồng, lá móc, lá cọ. Tất cả được bố trí khép kín, bảo đảm bí mật, an toàn, phù hợp với điều kiện tác chiến và làm việc khẩn trương.

Đi qua trạm gác tiền tiêu và lán làm việc của cơ quan thông tin, cơ quan chính trị, chúng tôi đứng trước lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là một căn lán nhỏ được làm bằng tre, nứa. Bên ngoài liếp nứa được che thêm những tấm cỏ gianh để tránh gió lùa và giấu bớt ánh sáng về ban đêm.

Gian phòng ngoài là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Đại tướng. Trên vách có treo hai tấm bản đồ hình thái chiến trường Đông Dương (Đông Xuân 1953 - 1954) và một bản đồ theo dõi vận chuyển hậu cần của ta. Trên chiếc bàn tre luôn mở rộng tấm bản đồ tình hình chiến sự giữa ta và địch. Bên cạnh là chiếc máy điện thoại quay tay…

Trong hồi ký “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự: “Mỗi lần đi chiến dịch về, tôi lại trở về ngôi nhà quen thuộc, nó cũng giống như phần lớn những ngôi nhà của các cơ quan ở Việt Bắc trong kháng chiến, chỉ khác là ở mặt trận nó được thu nhỏ tới mức tối thiểu đúng hơn là một cái lán…

Ngôi nhà nằm bên sườn núi Mường Phăng, có những cây dẻ cao vút. Mường Phăng tiếng Thái có nghĩa là “bản lạnh”. Khí hậu nơi núi cao quanh năm có sương, mây mát mẻ, trong lành. Những cây lan rừng nở hoa không rực rỡ nhưng có mùi hương đặc biệt, khi thì thoang thoảng đến bất chợt, khi thì nồng nàn…”.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam. Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, kiên quyết và tài giỏi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam với tổng chỉ huy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một nhà quân sự lỗi lạc trong thế kỷ XX.

Trong chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy, khu rừng già Mường Phăng đóng một vị trí quan trọng: Bảo đảm được tính bí mật và sự an toàn tuyệt đối cho Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (31/1 – 15/5/1954).

Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ hôm nay vẫn luôn được bao bọc bởi cánh rừng Mường Phăng xanh ngát như 67 năm về trước, ngôi lán ở và làm việc đơn sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khu rừng được giữ nguyên vẹn qua từng năm tháng.

Cánh rừng Mường Phăng với hàng cây cổ thụ đảm bảo bí mật cho Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cánh rừng Mường Phăng với hàng cây cổ thụ đảm bảo bí mật cho Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Người con của bản làng

Đối với đồng bào các dân tộc nơi căn cứ địa cách mạng xã Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được coi là người thân trong gia đình.

Những hình ảnh về Đại tướng, những lời căn dặn của ông trong chuyến thăm lại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ lần cuối vào năm 2004 vẫn luôn khắc sâu trong trái tim của mỗi người dân nơi đây.

Bên hiên ngôi nhà sàn cuối bản Bua, xã Mường Phăng, mỗi ngày ông Lò Văn Biên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng đều dành thời gian bên chiếc đài quay băng màu đỏ. Ông Biên luôn coi đó là kỷ vật quý giá của gia đình.

Nó là món quà mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bố ông, cụ Lò Văn Bóng. Cụ Bóng là người tham gia bảo vệ an ninh vòng ngoài kiêm liên lạc cho Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Chiếc đài ông Bóng được Đại tướng gửi tặng trong chuyến thăm cuối cùng vào năm 2004.

Nhớ lại những giây phút của chuyến thăm ấy, ông Lò Văn Biên xúc động: “Năm 2004, nhân dân cả xã Mường Phăng đến chờ từ lúc sáng sớm để nhìn thấy bác Giáp. Bác nói chuyện với nhân dân, căn dặn nhân dân Mường Phăng phải cố gắng đoàn kết, cố gắng làm ăn phát triển kinh tế.

Bác tặng cho bố tôi chiếc đài, ông sướng lắm, để cạnh người suốt ngày. Mỗi tối, trước khi đi ngủ đều mang theo để nghe. Bây giờ ông mất rồi, gia đình tôi vẫn giữ làm kỷ vật mà bác Giáp để lại”.

Ông Lò Văn Biên bên kỷ vật được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bố ông.

Ông Lò Văn Biên bên kỷ vật được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bố ông.

Biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Mường Phăng, hàng nghìn người dân trong xã và các xã lân cận cũng đến chờ từ sáng sớm tại cánh đồng Phiêng Ta Lét để đón người Anh hùng của dân tộc.

Ông Lường Văn Nánh, người dân bản Phăng 1, xã Mường Phăng kể lại: Đối với cán bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng, giây phút đó luôn in đậm trong ký ức của nhiều thế hệ đồng bào nơi đây.

Đại tướng căn dặn bà con cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng say lao động, giữ gìn thật tốt khu di tích cho các thế hệ mai sau. Những lời nhắn nhủ đó vẫn luôn được nhắc đi nhắc lại trong các cuộc họp thôn bản, trong những lời truyền dạy cho con cháu về sau.

“Lúc bấy giờ, dân Mường Phăng ai cũng khóc, kể cả bác Giáp cũng xúc động. Thấy đồng bào, bác vui lắm, tay bắt mặt mừng với mỗi người dân Mường Phăng chúng tôi. Bác bảo: “Người dân cố gắng bảo vệ khu di tích để cho tương lai sau này. Không được phá rừng, để rừng xanh nhà mới sạch”, bác căn dặn bà con như thế”, ông Lường Văn Nánh nói.

Tại ngôi nhà của anh Lò Văn Ánh (bản Phăng 2, xã Mường Phăng), bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cụ Lò Thị Đôi chụp cùng Đại tướng trong lần cuối Đại tướng lên thăm luôn được treo tại vị trí trang trọng nhất trong nhà. Anh Ánh, cháu cụ Đôi, cho biết, ngày Đại tướng mất, cụ Đôi chỉ ôm bức ảnh rồi khóc nức nở.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cụ Đôi dặn dò con cháu trong gia đình phải nỗ lực hết mình xây dựng quê hương. Làm sao để Mường Phăng phát triển. Cụ còn dặn dò con cháu phải bảo vệ nguyên vẹn khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch như những gì mà Đại tướng kỳ vọng.

“Thế hệ con cháu chúng tôi cứ đến dịp sinh nhật của bác thì nhà nhà lại đưa con cháu đến bàn thờ để thắp hương. Mọi nhà đều dạy bảo con cháu phải nhớ đến công ơn của người. Là người quản lý bảo vệ trong Khu di tích Mường Phăng, tôi cũng luôn cố gắng giữ gìn khu di tích sạch, đẹp, để thế hệ con cháu sau này còn đến tham quan và tưởng nhớ đến bác”, anh Ánh chia sẻ.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Phăng luôn luôn nhớ đến lời căn dặn của Đại tướng. Bác dặn phải giữ cho được cánh rừng này. Bác còn mong muốn bà con cần cù lao động, phát triển kinh tế để có cuộc sống ấm no. Bác cũng mong muốn trẻ nhỏ được học hành đến nơi đến chốn.

Nhớ những lời căn dặn đó, các dân tộc trên địa bàn cũng luôn nỗ lực phát huy truyền thống cách mạng để cùng nhau xóa đói, giảm được nghèo, xây dựng quê hương”, ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ