Người truyền cảm hứng
Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần (4/10/2013), dư luận và báo chí nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã ca ngợi ông là “anh hùng độc lập, vị tướng toàn tài, chiến lược gia kiệt xuất, người tạo nguồn cảm hứng cho tự do trên toàn thế giới”. Nhiều tờ báo thế giới khẳng định, Đại tướng “sẽ sống mãi trong lòng nhân dân và bè bạn quốc tế”.
Báo chí Mỹ viết rằng, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, hàng nghìn người đã tập trung bên ngoài nhà của ông để bày tỏ lòng thành kính lần cuối. Được mệnh danh “Napoleon Đỏ” vì những chiến lược quân sự đặc biệt của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã buộc quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Bắc - Nam. Nhà chiến lược quân sự này đã thành công trong việc đánh bại chính quyền miền Nam do Mỹ hậu thuẫn vào tháng 4/1975, thống nhất đất nước.
Theo BBC, ít nhất đã có trên 120 quyển sách nói về Tướng Giáp, hay do chính Đại tướng viết ra được dịch sang tiếng nước ngoài (Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Nhật, Ả Rập...). Những tác phẩm này được phổ biến rộng rãi trong các tiệm sách và thư viện.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu, các tướng Raoul Salan, Christian de La Croix de Castries và rất nhiều vị tướng khác đều hết lời ca ngợi và kính phục Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là một trường hợp hy hữu trong lịch sử quân sự của Pháp nói riêng và của cả châu Âu nói chung. Hầu như các cấp lãnh đạo quân sự của châu Âu đều có cùng nhận định như các đồng sự Pháp.
Các sử gia và dư luận phương Tây nể trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì ông là vị tướng “không tốt nghiệp một trường võ bị nào và cũng không bắt đầu sự nghiệp quân sự bằng một chức vụ sĩ quan nào”, nhưng đã đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ.
Nhà chiến lược quân sự thiên tài
Thượng nghị sĩ, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ - John McCain, người từng tham chiến ở Việt Nam với tư cách là phi công hải quân đã gọi Đại tướng là “nhà chiến lược quân sự thiên tài” ngay sau khi Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội Việt Nam qua đời.
Ông McCain đã viết trên Twitter: “Tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi - nhà chiến lược quân sự thiên tài, người từng nói với tôi rằng, chúng ta là những “kẻ thù danh dự’”.
Sau đó, ngày 6/10/2013, ông John McCain tiếp tục có bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal. Bài viết kể về hai lần vị nghị sĩ này được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu ở một bệnh viện Quân đội Việt Nam - nơi ông McCain được đưa vào ngay sau khi bị bắt năm 1967. Lần thứ hai là vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi ông McCain tới Hà Nội để thảo luận về vấn đề tù binh và những trường hợp mất tích trong chiến tranh, cũng như việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Với tiêu đề “Ông ấy đã đánh bại chúng tôi trong một cuộc chiến nhưng chưa bao giờ thắng chúng tôi trong một trận đánh”, John McCain đã mượn lại ý của tướng William Westmoreland (cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ). John McCain biện minh cho thất bại của quân đội Mỹ ở chiến trường Việt Nam, với đại ý “khác với các tướng lĩnh của Mỹ, Tướng Giáp được quyền mất nhiều quân hơn nên mới chiến thắng”.
Trong khi đó, nhà sử học Derek W. Frisby - Phó Giáo sư tại Đại học Middle Tennessee State, nơi ông chuyên về lịch sử quân sự và Mỹ, nhận định: “Tướng Giáp là kiến trúc sư của quân đội Việt Nam. Ông là một bậc thầy trong lĩnh vực hậu cần và tiến hành “chiến tranh cách mạng” với một mức độ linh hoạt, cũng như khả năng thích ứng mà ít ai có thể cạnh tranh được”.
Cũng theo nhà sử học này, Tướng Giáp có khả năng điều khiển các nguồn lực vật chất của một xã hội chưa công nghiệp hóa. Nhờ đó, tạo ra một cỗ máy quân sự có khả năng thách thức các siêu cường. Đồng thời, Đại tướng cũng có thể đánh vào ý chí chính trị của người dân để thúc đẩy họ bảo vệ đất nước.
Nhận định về sự tài tình trong các chiến lược quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Derek W. Frisby chia sẻ: “Tướng Giáp là bậc thầy của việc tạo ra bất ngờ. Ông đã dựa trên niềm tin của các cường quốc phương Tây rằng, quyền lực sẽ quyết định chiến thắng. Sự tự tin thái quá và tính kiêu ngạo chính là sự suy sụp của họ. Không thể tìm thấy tấm gương thiên tài nào vĩ đại hơn Điện Biên Phủ”. Theo chuyên gia lịch sử này, Đại tướng đã thể hiện sự linh hoạt và quyết tâm bằng cách cho người vận chuyển pháo binh và súng phòng không vào những địa hình gần như bất khả xâm phạm. Bằng cách làm điều mà kẻ thù coi là không thể dù không có các phương tiện hiện đại, Đại tướng đã khiến Pháp thất bại.
“Thành công của Tướng Giáp khiến các cường quốc phương Tây phải cảnh giác khi can thiệp vào cuộc xung đột tương tự ở những nơi khác tại châu Á. Điều này đã cho phép khu vực phát triển với tương đối ít sự can thiệp trong vài thập kỷ qua”, ông Derek W. Frisby nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, đối với phương Tây, di sản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục là sự ngưỡng mộ. Bởi, “Mỹ đã phải học lại các bài học của Việt Nam”.
“Trái núi lửa phủ băng”
Nhà báo kiêm sử gia Mỹ Stanley Karnow (1925 - 2013) là người có mặt tại Việt Nam từ năm 1959. Ông cũng là tác giả quyển sách nổi tiếng “Vietnam: A History” xuất bản năm 1983. Ông chịu trách nhiệm về nội dung cho một bộ phim 13 phần của đài PBS, “Vietnam: A Television History”, thường được dịch sang tiếng Việt là “Việt Nam - Thiên lịch sử truyền hình”. Bộ phim này đã giành được 6 giải thưởng Emmy, một giải thưởng Peabody, George Polk, DuPont - Columbia.
Trong tác phẩm của mình, Stanley Karnow viết: “Tướng Giáp là một người đặc biệt. Ông vừa là một nhà hoạch định chính sách, vừa là một sĩ quan trên chiến trường. Người Pháp đã từng gọi ông là “trái núi lửa phủ băng”. Ông là một người đàn ông lịch thiệp, luôn có chút hài hước khi trò chuyện. Ông ấy đặc biệt thông minh và có một kiểu bặt thiệp “rất Pháp”.
Karnow cho rằng, tài năng chiến lược của Tướng Giáp đã đặt ông vào “ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại” như Wellington, Ulysses S. Grant hay Douglas MacArthur. Nhưng khác với họ, những chiến tích của ông là bởi nhờ tài năng thiên bẩm hơn là nhờ đào tạo chính quy.
“Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20... Ông ấy giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại”, Karnow kết luận.
Cũng đi theo con đường của cha mình, con gái ông Stanley Karnow, nhà báo Catherine Karnow, sau nhiều thời gian nghiên cứu về lịch sử Việt Nam đã nhận xét: “Tướng Giáp là “khối óc” của trận Điện Biên Phủ nổi tiếng, trận đánh giúp giành độc lập cho Việt Nam từ người Pháp, vào tháng 5/1954. Ông cũng đóng góp lớn cho chiến thắng của Việt Nam trước quân Mỹ vào tháng 4/1975”.
Nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh - Peter Mac Donald, đánh giá: “Từ năm 1944 - 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
Năm 1992, Peter McDonald đã xuất bản tác phẩm “Võ Nguyên Giáp - Một sự đánh giá” (Giap, an assessment). Trong đó, tác phẩm trích lời nhận xét của vị tướng Pháp Marcel Bigeard (1916 - 2010) - người từng chỉ huy quân đội Pháp tại Việt Nam: “Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy và chiến thắng qua một thời gian khá dài, đạt được kết quả ấy trong thời gian suốt 30 năm, thật là một chiến tích kỳ diệu”.
Cuốn sách cũng trích lời của Đại tướng Mỹ William Westmoreland - một trong những đối thủ của Tướng Giáp, nhận xét: “Võ Nguyên Giáp là một con người cương nghị, một vị tướng vĩ đại”. Theo Westmoreland, ông tìm thấy ở Võ Nguyên Giáp một con người đầy nghị lực.
“Những vị tướng chỉ huy quân sự ở cấp cao buộc phải có đức tính này, nếu không, họ sẽ không tồn tại lâu được”, Tướng Westmoreland nhận định.
Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia về Việt Nam tại Đại học New South Wales (Australia), đánh giá: “Ông ấy là một nhân vật huyền thoại và anh hùng của Việt Nam”.