- Mua ơi đi học đi, mày nghỉ lâu lắm rồi đấy. Cô giáo nhắc tại sao mày không đi học, chúng tao chỉ biết nói dối mày ốm.
Sáng nào cũng vậy, cái Dờ, cái Sầu cứ theo đường mòn tắt qua nhà gọi đi học nhưng tôi đều lắc đầu quầy quậy:
- Bố mẹ không cho. Các bạn đi học đi. Chiều về lại cho mình mượn vở chép bài nhé.
Còn mẹ và bố thấy thế thì mừng lắm, yên tâm lên nương tra ngô bởi đã có tôi ở nhà trông em.
Nhìn các bạn trong bản sáng sớm lục tục kéo nhau đến trường, lòng tôi thấp thỏm. Vậy là đã gần một tuần trôi qua, tôi - một đứa trẻ đang học lớp 3 phải ở nhà trông cậu em trai 1 tuổi để bố mẹ lên nương, kịp tra vụ ngô mới.
Ở cái bản người Mông chúng tôi, đại đa số rất nghèo. Nhất là vụ giáp hạt, người lớn, trẻ con ăn ngô, khoai sắn qua bữa. Bố mẹ chẳng ai quan tâm chuyện học của con cái. Bố mẹ của tôi cũng vậy, ngày mùa đi làm nương, sẵn sàng cho mấy chị em tôi nghỉ học, đứa lớn làm được việc thì đi nương, đứa bé ở nhà trông em. Thực ra thì cũng đúng bởi bố mẹ tôi mới ngoài 30 tuổi nhưng có tới 7 đứa con, mấy đưa lớn hơn thì đi nhà trẻ, mẫu giáo, tôi phải trông đứa bé nhất.
Còn tôi, con bé người Mông đen đúa, nhỏ thó, dẫu thèm được lên lớp học cái chữ của cô giáo cũng đành bất lực. Chỉ biết chiều chiều lũ bạn gái đi học về qua cho mượn vở chép bài, chỗ nào không hiểu chúng giúp tôi tập đọc hoặc làm Toán. Khó hơn đến lớp hỏi cô giúp. Bao giờ tôi mới được đi học cùng các bạn. Câu hỏi đó cứ lởn vởn trong trí óc học trò non nớt của tôi. Bởi tôi thích học lắm. Ở trường có cô giáo, có các bạn, vui lắm. Nhất là cô giáo thấy tôi học giỏi hơn các bạn trong lớp, nhà lại nghèo nên rất thương tôi. Cô muốn tôi học giỏi, sau này về bản làm cô giáo cho các em trong bản Mông này.
Nhìn những vệt nắng chiều hắt xuống đầu nhà, tôi đứng cạnh sẵn đón đợi lũ bạn đi học về. Nhưng lạ thật, từ xa xa đằng kia trên con đường mòn quen thuộc không chỉ có cái Dờ, cái Sầu mà có bóng người lớn đi cùng, tôi chưa nhận ra ai. Trên lưng địu đứa em, tôi ù té chạy lại gần. Thì ra cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Si đã đến thăm tôi. Cô là người Mường Hòa Bình nhưng lên bản dạy học đã được hơn 10 năm. Cô nói tiếng người Mông dân tộc tôi giỏi lắm.
- Sao nghỉ học ở nhà trông em mà không nói cho cô biết. Cô tưởng em bị ốm?
- Sợ cô biết bỏ học sẽ không cho em đi học nữa - Tôi lí nhí đáp lời cô.
Hôm đó, cô Si đã ở lại đến tận tối mịt để chờ bố mẹ tôi đi nương về. Cô vừa giúp tôi làm việc nhà, vừa giúp tôi học những bài học đã qua.
Về đến nhà, thấy cô giáo, bố mẹ tôi cất lời:
- Chào cô giáo. Cô đến có việc gì vậy? Con Mua chưa đi học được đâu vì chúng tôi phải đi nương tra ngô cho kịp vụ, nó cần ở nhà trông em. Cô cứ về đi, khi nào làm nương xong chúng tôi sẽ cho nó đi học, “không có ngô, có sắn, có cơm thì chết chứ đói cái chữ không chết được đâu cô giáo ạ”
Lúc này, bằng tiếng Mông, cô Si mới nhẹ nhàng khuyên:
- Anh chị cứ cho cháu đi học đi. Tôi cho phép cháu địu cả em cùng đến trường. Có việc gì tôi giúp các cháu. Như thế con bé không bị đứt học, năm học cũng sắp hết rồi. Nó phải lên lớp 4 đi học tiếp nữa chứ. Biết cái chữ sau này nó được làm cán bộ, sẽ không còn khổ như bố mẹ nữa đâu.
Giảng giải, vận động mãi, cuối cùng bố mẹ tôi cũng đồng ý cho tôi ngày mai đi học. Nhưng có điều, phải địu thêm cả thằng Dìa cùng đến trường.
Con đường đến trường đã quá quen thuộc với đôi chân nhưng sao hôm nay tôi thấy vui quá, thỉnh thoảng nhảy chân sáo, dù trên lưng còn địu thêm thằng em cũng khá nặng. Cái Dờ, cái Sầu thỉnh thoảng lại thay phiên địu em giúp tôi.
Vào lớp học, lúc đầu thằng Dìa thấy lạ lẫm thì nằm im trên lưng. Sau một lúc, quen các anh chị, nó bắt đầu quậy nghịch. Nhưng ngay buổi học đầu tiên, sau giờ ra chơi, khi vào lớp học tiếp, lúc đầu lũ bạn trong lớp bịt mũi, lắc đầu, sau chúng kêu “Thúi quá. Thì ra thằng Dìa đi bậy trên lưng tôi. Tôi đỏ lựng cả mặt.
Ngừng giảng bài, cô giáo vội vàng đưa tôi và em ra bờ suối gột rửa. Lúc này cả địu và áo của tôi đều ướt bẩn. Cô Si liền chạy về nhà lấy cho tôi mượn chiếc áo phông của cô.
- Em mặc vào đi rồi bế em lên lớp. Để đấy cô giặt cho, chiều là khô thôi.
Vậy là để được đi học, tôi chấp nhận địu cả em đến lớp. Nhà tôi nghèo, cạp lồng cơm trưa ở trường của tôi và em chỉ có ít muối vừng, có hôm chỉ là vài bắp ngô mẹ luộc. Tôi cứ nhai cơm rồi bón cho em ăn. Thấy vậy, bữa trưa cô hay gọi tôi về ăn cơm cùng. Cô nấu cháo rồi bón cho em tôi ăn. Dần dần nó quấn quýt cô như mẹ. Trông hai chị em phổng phao từng ngày.
Cũng kể từ đó, khi bố mẹ bận đi nương, tôi không phải đứt học. Ngày ngày tôi địu em đi học cùng. Qua hai mùa nương, thằng Dìa đã lớn, bố mẹ không đẻ thêm, nó được vào học lớp mẫu giáo.
Còn bây giờ, sắp tốt nghiệp ra trường. Không bao lâu nữa tôi sẽ về chính bản của mình làm cô giáo, để dạy chữ cho những học trò bản Mông của tôi. Nhờ có cô, giấc mơ làm cô giáo của tôi sắp thành hiện thực. Cái bụng tôi ơn cô giáo lắm. Cô Bùi Thị Si của tôi.
Mã số: 1001