Nhìn từ thực tế chỉ đạo dạy - học cho học sinh DTTS ở Hà Giang

Nhìn từ thực tế chỉ đạo dạy - học cho học sinh DTTS ở Hà Giang

g
Học sinh Hà Giang say sưa với tiết Tiếng Việt 1

(GD&TĐ) - Những năm đầu của thế kỷ 21, tài liệu Tiếng Việt-1 Công nghệ GD (TV-1CGD) được đưa vào thử nghiệm cho đối tượng học sinh dân tộc thiểu số của các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Năm học 2010 - 2011, Hà Giang là tỉnh thứ 9 triển khai dạy - học thử nghiệm tài liệu TV-1 CGD với 4 lớp 1 = 95 học sinh. Sau 4 năm triển khai thực hiện dạy học tài liệu TV-1 CGD cho học sinh dân tộc thiểu số, Sở GD&ĐT Hà Giang xin chia sẻ một vài kinh nghiệm với các đồng nghiệp tham gia dạy - học tài liệu TV - 1 CGD.

Ở vùng cao Hà Giang từ năm học 2001 - 2002 đến năm học 2009 - 2010, tỷ lệ học sinh lớp 1 học lực từ trung bình toàn tỉnh chỉ đạt từ 85 - 90%, cá biệt có huyện tỷ lệ học sinh lớp 1 học yếu môn Tiếng Việt chiếm 15 - 17%. Nguyên nhân là trước khi vào học lớp 1 (chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành) một bộ phận các em chưa được học qua mẫu giáo.

v
Trường TH 1-5 Thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, Hà Giang trong ngày khai giảng năm học 2013 - 2014

Triển khai thực hiện dạy - học tài liệu TV-1 CGD

Qua chuyến tham quan thực tế tại tỉnh Lào Cai, trực tiếp xem học sinh lớp 1 học theo tài liệu TV-1 CGD, được các đồng nghiệp của Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai trao đổi về hiệu quả của việc dạy thử nghiệm tài liệu TV-1 CGD, chúng tôi nhận thấy tài liệu cơ bản phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Sau 35 tuần học tài liệu TV-1 CGD, học sinh (đa phần là con em dân tộc thiểu số) đọc và viết chữ tương đương với học sinh lớp 2 (chương trình 175 tuần).

Xem vở viết của học sinh lớp 1 năm học trước (2008 - 2009) học theo tài liệu TV-1 CGD, năm học 2009 - 2010 học lên lớp 2, các em đọc và viết tương đương với học sinh lớp 3 chương trình 175 tuần. Điều cơ bản là sau khi học xong lớp 1-CGD học sinh nắm rất chắc luật chính tả, phân biệt được phụ âm và nguyên âm tương đối tốt làm cơ sở vững chắc để các em “đọc và viết” ở lớp trên.

Từ đó, Sở GD&ĐT Hà Giang xây dựng kế hoạch chọn 4 lớp của 4 trường tiểu học với 95 học sinh thuộc 02 huyện: Bắc Quang là huyện vùng thấp, có điều kiện kinh tế và dân trí phát triển; Quản Bạ là huyện vùng cao (cửa ngõ của cao nguyên địa chất toàn cầu), học sinh gồm 8 dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế và dân trí còn nhiều hạn chế.

Mục đích chọn như trên để trong quá trình chỉ đạo dạy - học tài liệu lớp 1-CGD có cơ sở so sánh và điều chỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo dạy và học.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của Sở GD&ĐT, các Phòng Giáo dục và giáo viên của 4 trường được chọn dạy TV-1 CGD tiếp tục đi dự lớp tập huấn về phương pháp và kỹ năng dạy tài liệu lớp 1-CGD do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã phổ biến kinh nghiệm, tuyên truyền sâu rộng tới tất cả cán bộ quản lý giáo dục (CBQL), giáo viên cấp Tiểu học trong chương trình bồi dưỡng thường xuyên hè năm 2010 và trong cộng đồng dân cư của các trường về phương pháp tổ chức và triển khai dạy học tài liệu TV- 1 CGD của tỉnh Hà Giang năm học 2010 - 2011.

Trong quá trình chỉ đạo các trường dạy tài liệu lớp 1-CGD, Sở GD&ĐT đã trực tiếp kiểm tra thăm lớp, dự giờ đối với giáo viên và học sinh (3 đợt đầu năm học sau khi học sinh vào học được 5 tuần; cuối kỳ I, sau khi học sinh học sang phần Vần, cuối năm học vào tuần thứ 27, khi học sinh học sang phần Tập đọc).

Trong ba đợt kiểm tra kế tiếp, Sở GD&ĐT mời GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cùng các chuyên gia của Trung tâm Công nghệ Giáo dục lên trực tiếp thăm lớp, dự giờ với giáo viên, học sinh, kiểm tra và hỗ trợ về kỹ thuật (phương pháp và kỹ năng dạy - học tài liệu TV-1 CGD).

Qua khảo sát, kiểm tra đánh giá hiệu quả, chất lượng học tập của học sinh cuối học kỳ I năm học 2010 - 2011 tại 4 lớp dạy theo TV-1 CGD, Sở GD&ĐT đánh giá chất lượng đọc và viết của 95 học sinh là rất tốt. Sở báo cáo với UBND tỉnh Hà Giang để tiếp tục xây dựng kế hoạch nhân rộng số trường, lớp trong năm học 2011 - 2012 tại 11 huyện, thành phố với 80 trường = 135 lớp = 3.008 học sinh.

Học sinh học theo tài liệu TV-1 CGD đọc, viết tốt hơn, nắm chắc phần ngữ âm của tiếng Việt, giúp học sinh hình thành phương pháp tự học, vừa tạo cho trẻ được trải nghiệm thêm kỹ năng học bài, kỹ năng sống. Đặc biệt việc triển khai dạy học TV-1 CGD là tài liệu và cơ hội cho giáo viên tiểu học được tự bồi dưỡng, củng cố kiến thức về ngữ âm tiếng Việt và tự đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực.

Bài học kinh nghiệm sau một năm thực hiện thử nghiệm

Có thể nói, việc chọn trường, lớp, học sinh, cán bộ quản lý và giáo viên để triển khai dạy (thử nghiệm) tài liệu TV-1 CGD là rất quan trọng, yếu tố giáo viên quyết định 90% của sự thành công trong việc dạy thử nghiệm tài liệu TV- 1 CGD.

Phải tạo điều kiện, bố trí cho cán bộ quản lý cấp Phòng Giáo dục, Hiệu trưởng, giáo viên các trường dạy thử nghiệm đi giao lưu học hỏi kinh nghiệm thực tế (được thăm lớp, dự giờ, trao đổi trực tiếp với giáo viên có kinh nghiệm dạy TV-1 CGD).

Ngoài ra, công tác kiểm tra: Thăm lớp, dự giờ giáo viên dạy, học sinh học là rất cần thiết, đảm bảo sự phù hợp ở từng thời điểm kiểm tra khác nhau (vì có 4 mẫu/35 tuần thực học).

Tài liệu TV-1 CGD có 2 tuần đầu gọi là (tuần 0) là rất quan trọng, bắt buộc giáo viên và học sinh phải thực hiện vì có tác dụng hình thành nề nếp, thói quen học tập, kỹ năng hành dụng cho học sinh trong suốt cả năm học (nhất thiết không được cắt bỏ).

Thêm nữa, công tác tuyên truyền trong cộng đồng (phụ huynh học sinh) có con, em học lớp 1 - CGD là rất cần thiết, nhằm tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh với nhà trường ngay từ đầu năm học. Cán bộ quản lý phải thường xuyên theo dõi sát các hoạt động dạy - học của lớp 1 CGD, thăm lớp, dự giờ hỗ trợ về kỹ thuật cho giáo viên, uốn nắn nề nếp học sinh...

Với giáo viên trực tiếp dạy, phải thực hiện thật tốt hai tuần đầu làm quen (tuần 0) với những quy tắc, quy ước làm việc giữa cô và trò, nề nếp trong giờ học; thống nhất về một loại vở viết, một loại bút viết cho học sinh.

Giáo viên tuyệt đối không giảng giải, nói càng ít càng tốt. Giáo viên giao việc, làm mẫu, theo dõi, điều chỉnh, đính chính.

Giáo viên phải nghiên cứu kỹ cuốn “Thiết kế Tiếng Việt 1” (3 tập), thuộc thiết kế của  từng loại bài dạy trước khi lên lớp.

Cuối cùng, giáo viên phải thật sự tâm huyết với nghề dạy học, thương học sinh thì mới thành công.

Với cấp chỉ đạo thực hiện tài liệu phải tăng thêm thời lượng (hoặc) tách phần việc 4 (luyện viết chữ) vào buổi học thứ 2. Sách thiết kế nên chia thành hai cột: Cột hoạt động của thầy và hoạt động của trò, cần chính xác hơn về các lệnh (kênh chữ).

Kiến nghị

- Đề nghị Bộ GD&ĐT có Quyết định phê duyệt chính thức tài liệu lớp 1-CGD trở thành sách giáo khoa chính thức được áp dụng rộng rãi trong cấp học.

- Hiệu chỉnh lại bản in cho thật chuẩn xác về âm, vần, tiếng và lỗi chính tả trong các bài đọc ứng dụng.

- Hiệu chỉnh lại cỡ chữ, nét chữ, lỗi chính tả trong vở Tập viết cho thật chuẩn xác theo Quyết định 31/2002QĐ-BCGĐT, ngày 14/6/2002 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT qui định về chữ viết.

- Đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ kinh phí tập huấn cho CBQL, giáo viên và kinh phí mua sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập cho giáo viên và học sinh dạy lớp 1-CGD ở những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn theo tiêu chí của Chính phủ.


Nguyễn Viết Chuyên

(Trưởng phòng GD tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Giang)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ