Nhìn lại 1 năm triển khai CTGDPT mới lớp 1: Tháo gỡ vướng mắc

GD&TĐ - Sau 1 năm học triển khai Chương trình GDPT mới lớp 1, việc tổ chức dạy và học ở TP Cần Thơ đã ổn định và đạt được kết quả tích cực.

HS lớp 1 Trường TH Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt.
HS lớp 1 Trường TH Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) trong giờ học Tiếng Việt.

Vừa dạy học, vừa rút kinh nghiệm

Để thực hiện thành công chương trình mới lớp 1,  giáo viên phải có trình độ chuyên môn vững vàng, không ngừng học hỏi thông qua tập huấn về nội dung, chương trình, kỹ thuật dạy học... 

Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhơn Nghĩa 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) chia sẻ: Mặc dù trường nằm ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương mà các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đảm bảo.

Đội ngũ giáo viên được phân công dạy lớp 1 Chương trình mới đã không ngừng nghiên cứu, học tập, trao đổi và rút kinh nghiệm trong giảng dạy… Kết thúc năm học, học sinh đã làm quen và thích ứng với chương trình mới, từng bước có nhiều tiến bộ và tích cực trong học tập, hoạt động.

Sau một năm học thực hiện Chương trình mới trên địa bàn quận, bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) nhận định: Đội ngũ cán bộ, giáo viên là nhân tố quyết định thành công của chương trình. Trong đó,  lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị phải là người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, phát huy được vai trò của tập thể giáo viên. Giáo viên tham gia thực hiện chương trình phải tiếp cận nắm vững chương trình để có nhiều sáng tạo, đổi mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới lớp 1 và thực hiện việc đánh giá học sinh lớp 1 theo Thông tư 27 nên một số ít giáo viên còn lúng túng trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, quy trình dạy học và quá trình nhận xét, đánh giá về năng lực, phẩm chất của học sinh.

Từ thực tế này, Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy đã chỉ đạo các đơn vị chú trọng hơn trong việc xây dựng kế hoạch chuẩn bị đội ngũ cho chương trình lớp 2 và lớp 6, lựa chọn giáo viên có đủ năng lực đáp ứng chương trình mới.

Học sinh Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học trải nghiệm tại vườn rau.
Học sinh Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong giờ học trải nghiệm tại vườn rau.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), trong năm học vừa qua, do thiếu giáo viên nên nhà trường chỉ bố trí 4 giáo viên tham gia giảng dạy lớp 1.  Vì thế  nhà trường gặp một số trở ngại trong chuyên môn khi tổ chức  dạy bù, dạy thế. 

“Để khắc phục những hạn chế đó, năm học 2021 - 2022, nhà trường bố trí 5 giáo viên tham gia giảng dạy lớp 2. Trong đó, có 1 giáo viên dự phòng để hỗ trợ trong việc dạy bù, dạy thế khi cần thiết”, thầy Võ Hữu Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Cũng theo thầy Võ Hữu Tâm, sau một năm thực hiện chương trình mới, ở một số môn chuyên, hoạt động ngoài giờ lên lớp… giáo viên còn bỡ ngỡ. Để chuẩn bị thật tốt cho Chương trình mới, nhà trường đã chủ động hợp tác với một số đơn vị chuyên môn về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ, nhằm tăng cường chất lượng giáo viên lớp 1 và lớp 2.

Vẫn còn nhiều khó khăn 

Mặc dù nỗ lực thực hiện chương trình mới và đạt những kết quả nhất định  nhưng thực tế ở nhiều trường học ở Cần Thơ vẫn có những khó khăn chưa thể khắc phục.

Tại quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), các trường được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất nhưng chưa đồng bộ về bàn ghế, trang thiết bị dạy học, các phòng chức năng còn thiếu, nhất là máy tính cho phòng tin học, thiết bị cho phòng ngoại ngữ.

Một khó khăn nữa là trong quá trình thực hiện chương trình mới có một bộ phận phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em. Phụ huynh còn tâm lý giao phó con em cho giáo viên, nhà trường.

Hoạt động ngoài giờ lên lớp của HS Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
Hoạt động ngoài giờ lên lớp của HS Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).

Theo Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, địa bàn có khu công nghiệp Trà Nóc và nhiều đơn vị quân đội nên số học sinh tạm trú nhiều. Một số trường hợp cha mẹ thường xuyên di dời nơi cư trú và dẫn con em đi theo nên công tác quản lí học sinh  gặp nhiều khó khăn…

Thầy Võ Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) chia sẻ: Công tác xã hội hoá học đường còn nhiều hạn chế, do phần lớn phụ huynh là công nhân tại khu công nghiệp, lại ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Đẩy mạnh truyền thông đến phụ huynh, học sinh về chương trình mới trong thời gian tới, tạo sự đồng thuận chung sức cùng nhà trường trong giáo dục học sinh là một trong những giải pháp các trường quan tâm thực hiện. "Nhà trường sẽ  tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lộ trình thực hiện Chương trình mới, phối hợp trường mầm non tuyên truyền đến phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 1", thầy Tâm cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.