Nhìn chương trình mới với tư duy mới

GD&TĐ - Nói về quá trình xin ý kiến chuyên gia thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển từng chia sẻ, có ý kiến đồng tình ủng hộ ngay, cũng có ý kiến phản đối gay gắt, nhưng khi hiểu ra thì lại ủng hộ.

Nhìn chương trình mới với tư duy mới

Không có cách nhìn mới sẽ khó chấp nhận cái mới

Xin được hỏi Thứ trưởng, trong quá trình xây dựng Chương trình mới, Bộ GD&ĐT có gặp khó khăn, áp lực với đội ngũ đang giúp mình xây dựng chương trình; đặc biệt là các chuyên gia muốn giữ lại những gì họ đã dày công xây dựng?

- Đây là tâm lý tự nhiên của con người. Ai đã đầu tư, dày công, tâm huyết với một vấn đề nào đó, họ sẽ không muốn thay đổi. Điều này phải thay đổi dần và chúng ta phải thông cảm với họ. 

Rất nhiều người từ kinh nghiệm cá nhân của mình trước đây cho rằng, chương trình này khó triển khai, học sinh không thể thực hiện được. Nhưng thực tế, bây giờ học sinh đã rất khác. 

Các em được tiếp cận nhiều luồng thông tin, từ các phương tiện truyền thông, Internet...; đã được học trong môi trường đổi mới phương pháp dạy học.

Trước đây, dạy học để trang bị kiến thức là chính, giờ đã đổi mới phương pháp theo hướng để trang bị khả năng tự học, phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. 

Trước đây, nhà trường thực hiện một cách dập khuôn kế hoạch giáo dục của Bộ GD&ĐT, thì giờ nhà trường được chủ động kế hoạch dạy học. Kiến thức cốt lõi và mục tiêu chung thì bắt buộc thực hiện, nhưng được vận dụng một cách linh hoạt để phù hợp nhất với điều kiện giảng dạy của trường, phát huy tốt nhất vai trò của giáo viên, học sinh.

Đặc biệt, nhà trường giờ được “mở” với quan điểm: Nhà trường là một phần của xã hội, nhiều lực lượng cùng tham gia làm công việc giáo dục của nhà trường và chính nhà trường cũng phải đưa học sinh tham gia các hoạt động thực tế để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nghĩa là môi trường, thời gian, lực lượng làm giáo dục phải mới hơn, quá trình quản lý của nhà trường cũng phải đổi mới đáp ứng điều này. Nếu ai không nhìn thấy cái mới đó, nghĩ rằng trước đây chỉ có như thế, giờ lại thấy khác thì rõ ràng sẽ không chấp nhận được ngay.

Sản phẩm của quá trình dài chuẩn bị và trí tuệ tập thể

Thứ trưởng có thể cho biết thêm: Quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được tiến hành từ bao giờ và tại sao Bộ GD&ĐT chọn đây là thời điểm công bố dự thảo để xin ý kiến dư luận?

- Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được bắt đầu cách đây 3 năm, khi chúng ta chuẩn bị xây dựng Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. 

Tuy nhiên, đến giờ mới có thể công bố dự thảo được, vì chương trình công bố phải phù hợp với Nghị quyết, những văn kiện của Đảng, những chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian vừa qua.

Sau khi có đầy đủ các văn bản đó, quá trình xây dựng được xúc tiến nhanh hơn và được điều chỉnh theo đúng hướng quy định trong văn bản của Đảng, của Quốc hội, của Nhà nước.

Để xây dựng chương trình, chúng ta đã tổ chức nhiều đợt học tập, rút kinh nghiệm chương trình phổ thông hiện nay; rút kinh nghiệm, học tập xu thế, kinh nghiệm quốc tế về xây dựng phát triển chương trình. 

Chúng ta cũng mời nhiều nhà khoa học, giáo sư từ nước ngoài về hội thảo, tập huấn cho cán bộ Việt Nam. Cùng với đó, tập hợp nhiều nhà khoa học, giáo sư, giáo viên phổ thông tham gia xây dựng chương trình.

Trong quá trình xây dựng chương trình, rất nhiều hội thảo cũng đã được tổ chức để xin ý kiến góp ý để chắt lọc ra những ý kiến tốt nhất giúp xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Thứ trưởng có nói đến việc tham khảo thế giới trong xây dựng chương trình. Vậy, đâu là nền giáo dục chúng ta tham khảo, chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong chương trình giáo dục lần này?

- Chúng ta đã học tập kinh nghiệm của các nước phát triển. Thực ra, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cũng đã có nhiều vấn đề tiếp cận được các nước phát triển. 

Điều đó thể hiện qua chất lượng học sinh phổ thông Việt Nam đại trà trong các đợt đánh giá học sinh quốc tế, qua những cuộc thi học sinh giỏi trên đấu trường quốc tế... Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề khác chúng ta phải học tập thêm.

Ngoài học tập kinh nghiệm, chúng ta đồng thời chú ý đến xu hướng phát triển sắp tới của họ, tránh việc có thể người ta sắp bỏ đi rồi thì mình lại học. 

Đồng thời, khi học tập cũng lưu ý đến điều kiện thực tế tại Việt Nam. Cho nên, chúng ta chú ý tham khảo những nước có nền giáo dục, văn hóa, cách ứng xử... tương tự như Việt Nam để đảm bảo tính khả thi của chương trình.

Sắp xếp lại các môn học theo nội dung giáo dục mở

Nhìn vào chương trình tổng thể có thể thấy, về bản chất, không có môn học nào thực sự mới mà đều là sự điều tiết, sắp xếp lại từng môn học truyền thống, theo hướng giảm bớt lý thuyết và bổ sung thêm các hoạt động thực hành... Không biết hiểu như vậy có đúng không, thưa Thứ trưởng?

- Kiến thức giáo dục phổ thông về cơ bản không thay đổi nhiều, vì giáo dục phổ thông phải dạy những kiến thức căn bản nhất. Quan trọng là mình thiết kế lại nội dung cho phù hợp, đảm bảo liên thông các cấp học, các lớp học, các môn học; rồi đảm bảo tính chất căn bản, hiện đại, gắn với thực tiễn, thiết thực với cuộc sống và tạo điều kiện cho giáo viên, nhà trường có thể tổ chức các hoạt động giáo dục với các phương thức tiên tiến, kiểm tra đánh giá tiên tiến.

Chương trình từ coi trọng trang bị kiến thức, kỹ năng sang coi trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Phẩm chất, năng lực được hình thành cũng phải trên cơ sở những kiến thức, kĩ năng cơ bản nhất. 

Nhưng quan trọng là những kiến thức, kĩ năng đó được phối hợp, vận dụng như thế nào để giải quyết vấn đề trong thực tiễn, giải quyết vấn đề trong học tập. Và cũng phải coi trọng quá trình rèn luyện của học sinh để đảm bảo năng lực vận dụng đó như thế nào!

Tuy rằng các bộ môn cơ bản như trước, nhưng được sắp xếp lại theo hướng một nội dung giáo dục mở, tăng cường tính tích hợp để nâng cao khả năng vận dụng kiến thức một cách tổng hợp; tăng cường tính phân hóa để dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh, phát huy cao nhất năng lực của từng em học sinh.

Cho nên, có những bộ môn được xây dựng trên cơ sở nhiều môn học trước đây để các kiến thức liên quan được xếp lại gần nhau, tiện cho việc vận dụng và việc dạy học. Rồi trong quá trình dạy học, vận dụng những phương pháp dạy học cá thể nhằm phát huy năng lực riêng của từng học sinh.

Chúng ta coi trọng việc làm thế nào để học sinh được học tập trên lớp, nhưng cũng tăng cường hoạt động sinh hoạt tập thể, các hoạt động mang tính xã hội, tính trải nghiệm sáng tạo để rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức, cũng như phát huy ưu thế của các hoạt động này trong việc giáo dục học sinh niềm tin, giá trị đạo đức, kĩ năng thực hành, kĩ năng sống.

Chúng ta đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn. Không giống như trước đây, thiết kế 1 mạch từ lớp 1 đến lớp 12. 

Theo Chương trình mới, giáo dục phổ thông gồm giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm). 

Ở THPT, học sinh không phải học nhiều môn bắt buộc như trước đây, nhưng bổ sung vào đó là các chuyên đề để học sinh tự chọn, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình.

Đặc biệt, lần này chúng ta coi trọng đổi mới phương pháp dạy học. Đổi mới thế nào để học sinh phát huy tính chủ động, tích cực, rèn luyện phương pháp tự học, để sau khi kết thúc THCS, các em có thể tự tin ra ngoài xã hội. Sau tốt nghiệp THPT, học sinh cũng sống được trong môi trường nghề nghiệp của mình, hoặc tiếp tục học lên...

Chúng ta cũng đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất, không phải chỉ đánh giá kiến thức, tất nhiên kiến thức vẫn là điều kiện nền tảng.

Đã bắt đầu tổ chức viết sách giáo khoa

Theo hình dung tiến độ công việc: Sau khi công bố chương trình tổng thể, Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe ý kiến dư luận để hoàn thiện dự thảo; sau đó, nếu được thông qua sẽ còn rất nhiều khâu nữa phải tiếp tục. Vậy làm thế nào để chương trình, sách giáo khoa mới kịp đưa vào triển khai theo đúng lộ trình, thưa Thứ trưởng?

- Bây giờ chúng ta mới ban hành dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhưng thực chất làm đã 3 năm rồi. Bây giờ các chương trình giáo dục bộ môn cũng đã, đang được xây dựng và một số đơn vị cũng bắt đầu tổ chức viết sách giáo khoa mới.

Chỉ có điều, thứ tự ban hành thì phải có Chương trình phổ thông tổng thể trước, các chương trình môn học, rồi đến sách giáo khoa, để đảm bảo những gì ra sau phù hợp với cái đã ban hành trước. 

Ngay bây giờ, người ta đã nắm được tinh thần đổi mới để xây dựng chương trình môn học, xây dựng sách giáo khoa. Không phải xong chương trình tổng thể mới làm chương trình bộ môn. Không phải làm xong chương trình bộ môn mới viết sách giáo khoa.

Chúng ta làm đồng thời nhiều việc, chỉ có điều theo thứ tự trước sau để đảm bảo tính khoa học cũng như yêu cầu cần đạt được của từng loại sản phẩm, từng loại công việc.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

“Tôi quan sát thì thấy, ai dựa theo kinh nghiệm cũ, không biết được những yêu cầu và điều kiện đã thay đổi thì khó chấp nhận. Ai thấy rằng cần phải thay đổi cho phù hợp, thấy được các điều kiện mới, tiếp cận được vấn đề mới, quan điểm, tư tưởng, chỉ đạo mới của Đảng, Nhà nước thì chấp nhận dễ dàng”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.