Giỏi nghề là cả quá trình, nghề dạy học càng như vậy!
Theo thầy Phạm Tuấn Anh, những vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục hiện nay đều rất phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc, thấu đáo.
Có những vấn đề thời sự, đang được dư luận quan tâm nhiều cũng phải bàn đến từ gốc rễ, bình tĩnh và có trách nhiệm. Những vấn đề dư luận chưa lưu tâm nhiều thì nhà quản lí, nhà nghiên cứu vẫn phải xem là nhiệm vụ, chuyên trách bàn thảo, đề dẫn, cầu thị, tham khảo, tham mưu... bằng cái tâm sáng, cái nhìn thực tiễn, khả thi.
Với quan điểm đó, trao đổi về vai trò của yếu tố đầu vào đối với chất lượng giáo viên, thầy Phạm Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) - cho rằng: "yếu tố đầu vào" không phải chỉ là vấn đề bao nhiêu điểm thì đỗ vào các trường sư phạm.
Điểm đỗ vào các trường sư phạm (như hiện nay), là yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố duy nhất có tính quyết định đến chất lượng của giáo viên khi ra trường làm nghề. Có cơ sở để nói rằng, không phải cứ có điểm đầu vào cao, cứ có điểm tốt nghiệp cao thì đã chắc chắn sẽ trở thành người giáo viên giỏi.
Chất lượng của một sinh viên đã được "chứng nhận" đủ tư cách làm nghề dạy học (giáo viên) bao giờ cũng thể hiện cả một quá trình học tập và rèn luyện đặc thù.
Thầy Phạm Tuấn Anh chia sẻ: Chúng tôi mơ ước giáo viên vừa là những người giỏi kiến thức, vừa có năng khiếu sư phạm và lại có cả đam mê với nghề dạy học.
Giáo viên giỏi vừa là những người giỏi kiến thức (làm chủ một khối lượng kiến thức nền tảng và có năng lực tự học, tự trang bị kiến thức trong suốt quá trình dạy học), vừa có năng khiếu sư phạm (phương pháp, kĩ năng tốt) và lại có cả đam mê với nghề dạy học (tâm huyết, sự lãng mạn, đức hi sinh...).
Vấn đề "học lực" cũng có nhiều chuyện phải bàn. Trên thực tế, không phải sinh viên sư phạm nào có điểm đầu vào cao cũng tốt nghiệp loại giỏi và ngược lại; không phải cứ tốt nghiệp loại giỏi thì sẽ là giáo viên giỏi.
"Nghề nghiệp nào cũng là cả một quá trình, nghề dạy học càng là như vậy" - thầy Phạm Tuấn Anh nhận định.
Một giờ học của học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương |
Để học sinh giỏi vào sư phạm: việc làm và thu nhập
Theo thầy Phạm Tuấn Anh, sự kém hấp dẫn của các trường sư phạm cảnh báo chúng ta về thực trạng thiếu đồng bộ của hệ thống các phương diện liên quan, ảnh hưởng đến chất lượng của ngành giáo dục.
Không một nhà quản lí giáo dục nào, không một giáo viên yêu nghề nào muốn điều đó và kể cả những người có năng lực, yêu thích, muốn thi vào các trường sư phạm để trở thành giáo viên cũng không muốn.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề cơ hội việc làm sau khi ra trường, đặc biệt là mức thu nhập. Sức hấp dẫn của mức thu nhập tác động không nhỏ đến sức thu hút của các trường sư phạm.
Học sinh giỏi sẽ muốn trở thành sinh viên của các trường sư phạm khi cơ hội có việc làm sau khi ra trường cao, chế độ chính sách ưu đãi thiết thực, tiền lương phải ở mức "hấp dẫn" so với các ngành nghề khác...
"Nếu không cân đối được giữa những gì chúng ta muốn, chúng ta kì vọng với những gì chúng ta đầu tư, chúng ta tạo lập... thì vấn đề thu hút người giỏi vào các trường sư phạm, hay vấn đề chất lượng của ngành giáo dục nói gì cũng chỉ mới là ở bên ngoài" - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương trao đổi.
Nếu nói chất lượng ngành sư phạm đang xuống dốc vì điểm đỗ vào các trường sư phạm đang trôi dần về tốp dưới, thì đó là nhận định kiểu "thầy bói xem voi".
Chất lượng ngành sư phạm được hình thành, quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố điểm đỗ vào các trường sư phạm. Tuy nhiên, điểm đỗ vào các trường sư phạm thấp là một cảnh báo về sự suy giảm sức hấp dẫn của nghề dạy học.