Nhiều việc tác động tới triển khai nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2023

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tình hình KTXH nói chung có tác động không thuận lợi tới triển khai nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Báo cáo trước Quốc hội chiều 23/10, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, năm 2023, là một nền kinh tế có độ mở cao, nước ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) nói chung có tác động không thuận lợi đến việc triển khai nhiệm vụ ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023.

Về thực hiện hạn mức bảo lãnh Chính phủ, năm 2023 không cấp mới bảo lãnh cho các dự án vay trong nước và nước ngoài. Bảo lãnh phát hành cho các ngân hàng chính sách tối đa bằng trả nợ gốc đến hạn.

Riêng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội có tăng bảo lãnh phát hành để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Về tình hình vay, trả nợ nước ngoài của quốc gia, dự kiến thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2023 bằng 100% hạn mức được Thủ tướng phê duyệt.

Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục có biến động phức tạp. Trong nước, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, với mức độ hội nhập và độ mở của nền kinh tế lớn, trước những bất ổn, rủi ro khó đoán định, dự báo nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Với dự kiến vay, trả nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng như trên, trong trường hợp tăng trưởng GDP tích cực đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, dự báo đến cuối năm 2024, dư nợ công khoảng 39 - 40% GDP.

Nợ Chính phủ khoảng 37 - 38% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 38 - 39% GDP.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 23 - 24% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) dự kiến ở mức 8 - 9% GDP, đảm bảo trong mức trần, ngưỡng được Quốc hội cho phép.

Về sơ kết 3 năm kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

Về giải pháp chủ yếu hoàn thành kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, cần quán triệt quan điểm, đường lối, tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến tài chính ngân sách và nợ công của Đảng, Nhà nước.

Tiếp tục triển khai đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Quốc hội đã đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, Nghị quyết số 43/2022/QH15…

Ngoài ra, cần chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Từ đó, khắc phục các tồn tại đã nêu liên quan đến huy động vốn vay cho NSNN, giải ngân chậm vốn vay ODA và ưu đãi, mô hình quản lý nợ công và tăng cường công tác quản lý nợ của Chính quyền địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

GD&TĐ - Bài thơ của tác giả Chu Hồng Tiến để lại trong lòng người đọc cảm giác buồn xao xuyến khi nhận ra giữa người với người luôn luôn có 'khoảng cách'...
Thông báo tuyển dụng

Thông báo tuyển dụng

GD&TĐ - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển dụng viên chức (diện xét tuyển viên chức) năm 2024 như sau: