Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Nhà giáo; xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD.

Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Cô - trò Trường tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho GDĐT

Sáng 23/10, tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XV; Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Trao đổi một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, hoàn thiện phương pháp dạy và học, thi cử...; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là bậc đại học.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan tới tự chủ đối với mô hình tổ chức, hoạt động của các đại học; phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục, đào tạo.

Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Mặt khác, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, Chiến lược phát triển giáo dục, quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo…; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của người dân;

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo. Tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, năm 2024 và thời gian tới cần bảo đảm số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Nhà giáo.

Đồng thời, xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS;

Giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên; bảo đảm đủ số biên chế được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, nhất là giáo viên mầm non; tiểu học và giáo viên giảng dạy môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018… Mặt khác, tăng cường cơ sở vật chất, phát triển trường học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực khó khăn

Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.

Ngoài ra, cần tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về phát triển đội ngũ trí thức trong tình hình mới; các Nghị quyết Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ (KHCN); Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới, sáng tạo đến năm 2030.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp. Trong đó tập trung triển khai thực hiện một số định hướng trọng tâm như: Có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học;

Tạo dựng khuôn khổ pháp lý triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển thị trường KHCN; Nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách về đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ nghiên cứu KHCN và các quy định về tính rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học;

Đổi mới tư duy về trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KHCN công lập phù hợp với thông lệ quốc tế; Hình thành và phát triển các Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia và 3 sàn giao dịch công nghệ trọng điểm tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và một số sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương.

Nữ sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nữ sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Chú trọng phát triển thị trường KHCN; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KHCN; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp, nhất là đầu tư phát triển công nghệ hydrogen xanh, sản xuất chip bán dẫn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ