“Nhiều vấn đề một mình ngành Giáo dục không giải quyết được”

“Nhiều vấn đề một mình ngành Giáo dục không giải quyết được”
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hầu A Lềnh (ảnh: An Nhiên)
 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hầu A Lềnh (ảnh: An Nhiên)

Nỗ lực đổi mới

- Ông có đánh giá như thế nào về những thành quả của lĩnh vực giáo dục- đào tạo Việt Nam trong thời gian qua?

- Thời gian qua, toàn ngành GD đã không ngừng đổi mới, những nỗ lực và thành quả của GD đã đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành GD là phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hội nhập.

Triển khai Nghị quyết này, ngành GD đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch nhiều lĩnh vực và bước đầu đạt được kết quả nhất định, trên một số mặt như: Đổi mới chương trình GD&ĐT; đổi mới về tổ chức, bộ máy; đổi mới về hệ thống cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy, học tập… Riêng về HS, phải đánh giá rằng ý thức, phẩm chất đạo đức, thành tích học tập ngày càng tốt hơn. Ý thức thi đua học tập và rèn luyện đạo đức trong HS đã thể hiện sự cố gắng vươn lên. Đã có rất nhiều HS, SV Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế và khu vực giành thứ hạng cao.

Một điểm đáng chú ý, trong thời gian gần đây, Bộ GD&ĐT đã quan tâm chấn chỉnh, nâng cao đạo đức, tác phong và phương pháp làm việc cho đội ngũ những người làm công tác GD, đổi mới công tác đánh giá, xếp loại người học, giảm áp lực cho GV và HS. Với xu hướng đổi mới mạnh mẽ như hiện nay, cá nhân tôi bày tỏ sự tin tưởng vào những thành quả tốt hơn của ngành GD trong giai đoạn tiếp theo.

"Với xu hướng đổi mới mạnh mẽ như hiện nay, cá nhân tôi bày tỏ sự tin tưởng vào những thành quả tốt hơn của ngành GD trong giai đoạn tiếp theo"- Ông Hầu A Lềnh

Không thể phủ nhận những kết quả tích cực của ngành GD trong thời gian qua. Tuy vậy, vẫn còn khó khăn bất cập cần được quan tâm, thay đổi, trong đó có vấn đề về chế độ chính sách đãi ngộ cho nhà giáo. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

- Thời gian qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước rất quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi mọi mặt, các điều kiện cơ bản ưu tiên ở mức cao, nhưng nhìn chung cơ sở vật chất trường lớp so với yêu cầu còn khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, miền núi, hải đảo...

Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ, thu hút những người giỏi vào học ngành sư phạm và trở thành nhà giáo vẫn chưa đạt yêu cầu, chưa thực sự tạo ra được sức hút. Không ít địa phương hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, việc thu hút GV giỏi đang là thách thức, có các giải pháp đặt ra nhưng cơ sở bảo đảm tính khả thi không dễ dàng.

Thực tế cho thấy, điều kiện sống, các chế độ chính sách hiện hành áp dụng với nhà giáo mới chỉ đáp ứng được phần nào so với yêu cầu thực tế cuộc sống. Cũng phải nói thêm, điều kiện, chế độ đãi ngộ cho nhà giáo trong xét tuyển, xếp loại công chức, hợp đồng hay biên chế... được quy định bởi pháp luật, do đó không dễ gì điều chỉnh một sớm một chiều. Đây là những yếu tố tác động không nhỏ đến suy nghĩ, sự quyết tâm, trách nhiệm của một bộ phận nhà giáo.

Học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long được hỗ trợ thực nghiệm sáng tạo khoa học kỹ thuật tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Hạ Long (Quảng Ninh)
Học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long được hỗ trợ thực nghiệm sáng tạo khoa học kỹ thuật tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Hạ Long (Quảng Ninh)
Thực tế cho thấy, ở một số nơi việc bố trí cơ cấu GV các cấp học còn bất hợp lý, tình trạng thừa và thiếu GV cục bộ vẫn diễn ra do tuyển dụng chưa sát với yêu cầu. Đó là chưa kể đến việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp còn gặp nhiều khó khăn. Những vấn đề này vừa thuộc trách nhiệm của ngành GD, đồng thời cũng là trách nhiệm chính quyền địa phương.
"Bộ GD&ĐT đang tiếp tục tập trung vào những giải pháp hữu hiệu để khắc phục những bất cập còn tồn tại. Để giải quyết được những bất cập trong GD&ĐT, cấp ủy, bộ, ngành, chính quyền các địa phương và toàn xã hội cũng phải cùng chung tay với ngành GD, góp phần tạo môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, để lấy lại niềm tin trong nhân dân, đó là những việc cần tập trung ưu tiên trước mắt"- Ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến những tác động của kinh tế thị trường; những tác động bên ngoài đối với yếu tố đổi mới trong GD, trong hội nhập quốc tế, những thay đổi về chương trình, môn học, phương pháp giảng dạy, những vi phạm về phẩm chất, đạo đức đã xuất hiện ở một bộ phận nhà giáo và HS... đã phần nào ảnh hưởng đến tư duy, suy nghĩ của nhà giáo, của HS, phụ huynh HS và của cả xã hội.

Tôi chia sẻ những khó khăn này và cho rằng, bản thân ngành GD phải khắc phục khó khăn, hạn chế, quyết liệt đổi mới, nhưng để thành công thì không thể thiếu sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, trách nhiệm của toàn xã hội.

Một số việc cần ưu tiên

- Để giải quyết những khó khăn, tồn tại trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo không thể một sớm một chiều. Vậy, theo ông, những việc có thể làm trước mắt của ngành GD là gì?

- Hiện nay, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được trình lên Quốc hội và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này. Tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật Giáo dục sẽ đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay và lâu dài, tháo gỡ được những khó khăn, tồn tại mà GD&ĐT đang gặp phải. Trong đó, có hai vấn đề quan trọng là đổi mới chương trình GD và đổi mới về chế độ chính sách cho nhà giáo.

Quan tâm đến chế độ, chính sách cho các nhà giáo không chỉ bằng chính sách tiền lương, cần phải đầu tư, cải thiện môi trường làm việc, điều kiện công tác. Cần phải đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, qua đó mới đáp ứng được yêu cầu.

Ví dụ, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, không ít thầy cô giáo phải đi bộ, vượt quãng đường xa, rất gian khổ để tới được lớp học... Ngoài cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện chương trình giảng dạy chất lượng, sự chuyên cần của HS, sự ủng hộ giúp đỡ của phụ huynh HS,... cũng cần phải giải quyết những điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại tối thiểu cho các GV yên tâm đến lớp, có động lực cống hiến. Hay đối với đội ngũ GV, nếu không đổi mới thực chất chính sách tuyển sinh, tuyển dụng, chính sách lương, thu nhập,... rất khó để thu hút được người tài vào ngành sư phạm. 

Thực tế hiện nay, một số quy định của ngành GD và chính quyền địa phương còn bất cập, biểu hiện chạy theo thành tích vẫn tồn tại; các vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian qua; sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường, đã gây ít nhiều hoài nghi trong nhân dân.

Bộ GD&ĐT đang tiếp tục tập trung vào những giải pháp hữu hiệu để khắc phục những bất cập còn tồn tại. Để giải quyết được những bất cập trong GD&ĐT, cấp ủy, bộ, ngành, chính quyền các địa phương và toàn xã hội cũng phải cùng chung tay với ngành GD, góp phần tạo môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, để lấy lại niềm tin trong nhân dân, đó là những việc cần tập trung ưu tiên trước mắt.

Nguyễn Phương Thùy (Trường THPT chuyên Chu Văn An, Bình Định) giành giải vàng Cuộc thi Olympic Toán học sinh- sinh viên toàn quốc do Hội Toán học Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tháng 4/2019.
Nguyễn Phương Thùy (Trường THPT chuyên Chu Văn An, Bình Định) giành giải vàng Cuộc thi Olympic Toán học sinh- sinh viên toàn quốc do Hội Toán học Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tháng 4/2019. 

- Xin ông cho biết những hỗ trợ của MTTQVN đối với quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo thời gian qua và sắp tới?

- Với vai trò là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện; tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; nơi tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân với Đảng, Nhà nước; giám sát việc thực hiện pháp luật nói chung, về  giáo dục nói riêng; thực hiện góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về GD,... MTTQVN có vai trò, trách nhiệm liên quan trực tiếp, cụ thể, nhất định đối với ngành GD.

Trong những năm gần đây, MTTQVN đã tập trung, quan tâm giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về GD và những vấn đề liên quan đến ngành GD. MTTQVN và các tổ chức thành viên nòng cốt như Hội Cựu Giáo chức, Hội Khuyến học Việt Nam, từ TW đến các địa phương, đã và đang tham gia tích cực tuyên truyền, vận động với hội viên và nhân dân tích cực thực hiện Luật giáo dục, Nghị quyết số 29,... động viên nhân dân hưởng ứng chủ trương xây dựng xã hội học tập, nhằm góp phần chấn hưng nền GD nước nhà. 

MTTQVN đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thành lập Ban chỉ đạo, ban hành Chương trình phối hợp về giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 29. Thông qua giám sát đã đề nghị, giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách, hỗ trợ cho ngành GD. Đây cũng là một trong những cơ sở cần thiết, quan trọng góp phần sửa đổi Luật Giáo dục, nhất là đối với những vấn đề đang đặt ra.

Tại phiên khai mạc mỗi kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam trình bày báo cáo của Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Trong các báo cáo này, đều phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân quan tâm, lo lắng đến nội dung, lĩnh vực của ngành GD. Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN đã có những kiến nghị, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, đến quá trình tổ chức thực hiện, trách nhiệm của ngành GD, của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương; đồng thời giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về nội dung này.

Bên cạnh đó, tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ, người đứng đầu hoặc đại diện Ban Thường trực UBTWMTTQ Việt Nam cũng đã có những phản ánh kịp thời về những nội dung liên quan đến ngành GD mà cử tri, nhân dân quan tâm. Đây là việc làm cụ thể, thiết thực, một mặt mang lại sự hài lòng của cử tri và nhân dân, yên tâm về những tiếp thu, khắc phục, hoàn thiện những thiếu sót trong ngành GD, mặt khác góp phần giúp ngành GD có điều kiện tháo gỡ khó khăn, rút ngắn lộ trình và hiệu quả trong cách thức, quá trình đổi mới, bảo đảm nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.

Ý thức, phẩm chất đạo đức, thành tích học tập của HS ngày càng tốt hơn.
 Ý thức, phẩm chất đạo đức, thành tích học tập của HS ngày càng tốt hơn. 

MTTQVN cũng đã lồng ghép nội dung nâng cao chất lượng GD trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”...

Trong thời gian tới, MTTQVN tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29; trong đó sẽ ký kết các chương trình phối hợp với Bộ GD&ĐT, các ban, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan để tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 29.

MTTQVN cam kết đồng hành cùng ngành GD trong việc tuyên truyền, vận động người dân và toàn xã hội, thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 29 đặt ra.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.