Nhiều trường tạm dừng dạy Giáo dục địa phương chờ... sách

GD&TĐ - Trong Chương trình GDPT 2018, Giáo dục địa phương là môn bắt buộc từ lớp 1 - 12.

Tiết địa phương được lồng ghép trong môn Khoa học tự nhiên tại Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương, Nghệ An.
Tiết địa phương được lồng ghép trong môn Khoa học tự nhiên tại Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương, Nghệ An.

Tuy nhiên năm học này, việc chậm có tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7 và lớp 10 khiến nhiều trường tại Nghệ An vất vả trong dạy học môn này. Thậm chí có trường đang tạm dừng dạy môn Giáo dục địa phương lớp 7 và lớp 10 để chờ có sách.

Trường học xoay xở

Từ đầu năm học tới nay, việc tổ chức dạy học môn Giáo dục địa phương tại Trường THCS Lý Nhật Quang (huyện Đô Lương, Nghệ An) được giao về cho các tổ bộ môn và giáo viên chủ động thiết kế, xây dựng. Cô Nguyễn Thị Hồng Kiên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, môn Giáo dục điạ phương được lồng ghép vào các môn như: Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc, Lịch sử...

Năm học này, theo lộ trình sẽ triển khai SGK mới đối với lớp 7. Tuy nhiên tài liệu giáo dục địa phương chưa có. Vì vậy, nhà trường yêu cầu giáo viên tìm hiểu nguồn thông tin, tài liệu, sách, ảnh... của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để dạy học. Ví dụ môn Lịch sử có thể lồng ghép dạy học về địa chỉ đỏ cách mạng Truông Bồn. Về Địa lý có thể liên hệ đến công trình thủy lợi Bara Đô Lương dẫn nước cho nhiều huyện trong tỉnh như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu... Hay môn Âm nhạc có thể gắn với dân ca ví giặm Nghệ - Tĩnh.

Mặc dù, việc dạy học chương trình địa phương đến nay tương đối ổn định, song Hiệu trưởng Trường THCS Lý Nhật Quang cũng cho rằng, nếu sớm có sách để dạy học theo phân phối chương trình thì hiệu quả hơn. Bởi việc dạy tiết địa phương đều là kiêm nhiệm, giao cho giáo viên bộ môn. Mà bản thân thầy cô cũng phải dành thời gian soạn giáo án, dạy học chuyên môn của mình.

Đối với cấp THPT là năm đầu tiên triển khai Chương trình sách giáo khoa mới cho lớp 10, việc chưa có tài liệu giáo dục địa phương cũng khiến nhiều trường học, giáo viên lúng túng trong triển khai. Dù vậy, các trường vẫn tổ chức dạy cho học sinh và lồng ghép vào các môn học khác nhau với thời lượng 1 tiết/1 tuần theo quy định.

Tuy nhiên từ đầu tháng 11, việc tổ chức các tiết của chương trình giáo dục địa phương đang tạm dừng để chờ sách giáo khoa chính thức. Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đề nghị các trường chưa dạy môn học này với lớp 7 và lớp 10 và chuyển sang học kỳ II.

Cô Nguyễn Thị Huyền Nga – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (thành phố Vinh) cho hay, từ đầu năm học, trường đã bố trí thời khóa biểu để dạy chương trình địa phương với 1 tiết/tuần. Nếu bây giờ tạm dừng chờ tài liệu chính thức, các tiết học này sẽ dồn sang học kỳ II và dạy học 2 tiết chương trình địa phương mỗi tuần. Trong khi thời khóa biểu đã sắp xếp theo kế hoạch năm học. Nhà trường đang tính phương án phải bố trí tiết học vào buổi chiều cho học sinh.

Cô trò Trường THCS Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương, Nghệ An.

Cô trò Trường THCS Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương, Nghệ An.

Bảo đảm dạy có tính hệ thống

Theo Chương trình GDPT 2018, Giáo dục địa phương là môn bắt buộc từ lớp 1 - 12. Trong đó đối với cấp THCS và THPT có thời lượng 35 tiết/khối lớp/năm học. Riêng cấp tiểu học không có tiết riêng, mà được lồng ghép trong hoạt động trải nghiệm theo quy định của khung chương trình năm học. Để phù hợp với tính chất, đặc thù môn học và hiệu quả dạy học, tài liệu giáo dục địa phương được giao cho UBND các tỉnh, thành tổ chức biên soạn, thẩm định. Sau đó gửi Bộ GD&ĐT đồng ý phê duyệt sẽ xuất bản.

Tại Nghệ An, khi triển khai Chương trình GDPT mới đã thành lập Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Trong 2 năm học vừa qua, sách giáo khoa môn này cho lớp 1, 2, và lớp 6 đã xuất bản. Tuy nhiên năm học này, chuẩn bị hết học kỳ I, sách cho học sinh lớp 3, lớp 7, lớp 10 vẫn đang chờ phê duyệt khiến nhiều trường vừa dạy học vừa xoay xở tài liệu.

Lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đánh giá, môn Giáo dục địa phương cung cấp cho học sinh hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử truyền thống, các vấn đề về địa lý – kinh tế, hướng nghiệp, chính trị – xã hội và môi trường của tỉnh. Từ đó góp phần hình thành nền tảng văn hóa cho học sinh. Bước sang năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục địa phương, nhiều giáo viên phản hồi môn học này có nội dung sinh động, ý nghĩa thiết thực. Vì vậy, môn học dễ tạo hứng thú cho học sinh nếu giáo viên sáng tạo, linh hoạt trong dạy học.

Cô Nguyễn Thị Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương cho biết: Đối với bậc tiểu học, việc dạy học chương trình địa phương thuận lợi hơn so với cấp THCS và THPT do không quy định số tiết cụ thể, không tổ chức kiểm tra đánh giá. Thay vào đó tiết giáo dục địa phương được lồng ghép vào hoạt động trải nghiệm.

Trước đó, trong chương trình hiện hành, tiết giáo dục địa phương được lồng ghép trong hoạt động ngoài giờ lên lớp nên giáo viên đã quen và triển khai hiệu quả, thuận lợi với lớp 1, lớp 2. Riêng lớp 3 chưa có sách giáo khoa nên các tổ chuyên môn sẽ cùng thảo luận và đưa ra chủ đề tương ứng với môn học để lồng ghép. Thực tế, các tiết học địa phương của trường đang lồng ghép vào môn Khoa học tự nhiên, Đạo đức, Âm nhạc và Mỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An, trong Chương trình GDPT 2018, khung chương trình mới là pháp lệnh, nên có thể sử dụng nhiều tài liệu phục vụ dạy học. Tuy vậy, tài liệu giáo dục địa phương có giá trị như sách giáo khoa, có hội đồng biên soạn, thẩm định cấp tỉnh và Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Đối với tiểu học, tiết giáo dục địa phương được dạy lồng ghép, không có tiết riêng, còn ở cấp THCS và THPT đây đã là môn học độc lập, có số tiết theo quy định. Vì thế, dạy học theo sách giáo khoa sẽ có tính hệ thống, quy chuẩn hơn so với nội dung các nhà trường, giáo viên tự biên soạn và phục vụ kiểm tra, đánh giá học sinh.

Về sự chậm trễ trong ra sách giáo dục địa phương, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, dù số tiết không nhiều, nhưng tài liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, hướng nghiệp, an sinh xã hội… Trong khi năm học này, cùng lúc thực hiện cho 3 lớp nên quá trình biên soạn, tổ chức hội thảo lấy ý kiến, thẩm định, chờ phê duyệt… mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó còn liên quan đến vấn đề pháp lý, sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền…

Sách lớp 7 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và sắp tới tiến hành in ấn, phát hành về các trường. Còn sách lớp 3 và lớp 10 đang đợi Bộ phê duyệt và dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục để xuất bản phục vụ dạy học từ học kỳ II. Khi yêu cầu trường THCS và THPT học tạm dừng dạy học tiết địa phương, sở cũng thay đổi kế hoạch dạy học để phù hợp, bảo đảm các em vẫn có đủ 35 tiết/năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.