Nhiều triển vọng nghề nghiệp cho nhân sự ngành Công nghệ tài chính

GD&TĐ -  Trong talkshow chủ đề “Fintech và Triển vọng nghề nghiệp” vừa được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, các chuyên gia khẳng định tương lai cho nhân sự ngành Fintech (Financial Technology - Công nghệ tài chính) rất rộng mở.

Buổi trao đổi về Fintech và Triển vọng nghề nghiệp thu hút sự tham gia của đại diện một số trường ĐH tại Việt Nam và trên thế giới, các chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp và đông đảo người học quan tâm đến lĩnh vực FINTECH.
Buổi trao đổi về Fintech và Triển vọng nghề nghiệp thu hút sự tham gia của đại diện một số trường ĐH tại Việt Nam và trên thế giới, các chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp và đông đảo người học quan tâm đến lĩnh vực FINTECH.

Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo, giảng viên các Trường ĐH tham gia Dự án “Đổi mới số và công nghệ tài chính nhằm hiện đại hóa và phát triển chương trình đào tạo Việt Nam và Philippines” (dự án TRUST) và là 3 đơn vị duy nhất ở Việt Nam hiện nay đào tạo thạc sỹ Công nghệ tài chính - Fintech (học bằng ngôn ngữ Tiếng Việt, do trường đại học trong nước cấp bằng) gồm: Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế, Trường ĐH Mở - TP.Hồ Chí Minh.

Đi theo xu thế phát triển chung của xã hội trong thời đại công nghệ 4.0, ngành tài chính - ngân hàng cũng chọn hướng đi công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mô hình kinh doanh nguyên bản, thay đổi toàn bộ “bộ máy xử lý cồng kềnh”.

Công nghệ tài chính - Fintech trong suốt thập kỷ qua đã phát triển rất nhanh chóng trên toàn cầu. Những ứng dụng Fintech đã tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và là xu hướng tất yếu mà các quốc gia đều nhận thức được và muốn nắm bắt cơ hội.

Qua khảo sát của Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế có đến 120 công ty Fintech tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này. Trái lại, nguồn nhân lực ngành thì rất hạn chế. Chính sự chênh lệch đó đã tạo khoảng trống giữa đào tạo và cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, Fintech là ngành đào tạo hoàn toàn mới, do đó, quá trình được phê duyệt chương trình để đưa vào giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn.

Tại talkshow, các ý kiến cho rằng, giải pháp để lấp đầy khoảng trống giữa đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Fintech chính là đẩy nhanh các chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu. Đặc biệt, với chương trình đào tạo thạc sỹ Fintech có thể kết hợp đội ngũ nhân sự đã được đào tạo lĩnh vực công nghệ và lĩnh vực tài chính để trở thành nguồn cung nhân lực cho ngành công nghệ tài chính đầy tiềm năng.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội: Fintech là một chương trình mang tính chất liên ngành, không chỉ mới về nội dung mà còn mới trong cách thức thực hiện khi phối kết hợp giữa 3 trường ĐH tại Việt Nam và các trường tại Phillippines, châu Âu…

PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội: Fintech là một chương trình mang tính chất liên ngành, không chỉ mới về nội dung mà còn mới trong cách thức thực hiện khi phối kết hợp giữa 3 trường ĐH tại Việt Nam và các trường tại Phillippines, châu Âu…

Nắm bắt nhu cầu rộng mở của ngành đào tạo mới này, với tư cách là đại diện duy nhất của miền Bắc tham gia dự án TRUST và có chương trình đào tạo thạc sỹ Fintech, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội dự kiến bắt đầu tuyển sinh vào tháng 11/2022.

Với Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế, phát biểu tại talkshow, TS. Phạm Xuân Hùng - Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - đặt vấn đề về cách phát triển chương trình đào tạo ngành Fintech từ kinh nghiệm thực tế tại đơn vị:

“Chương trình Fintech tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế được trình phê duyệt vào tháng 12/2021 và bắt đầu tuyển sinh từ đầu năm 2022. Quá trình triển khai từ thực hiện biên bản điều hành nghiên cứu, xác định yêu cầu tìm hiểu, đến khảo sát các chương trình đào tạo ở trong và ngoài nước và cuối cùng là trình phê duyệt và thẩm định. Quá trình thẩm định này bao gồm thẩm định nội dung, chương trình đào tạo, giảng viên, cơ sở vật chất.” - TS. Phạm Xuân Hùng thông tin.

Cũng theo TS. Phạm Xuân Hùng, với ngành đào tạo hoàn toàn mới như thạc sỹ Fintech, việc kết hợp, liên kết giữa 3 trường ĐH trong nước mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi năng lực đào tạo về công nghệ tài chính ở Việt Nam còn hạn chế, chỉ có duy nhất 3 đơn vị đào tạo chương trình này. Nhờ đó, khi hợp tác, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế và Trường ĐH Mở - TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể chia sẻ giảng viên giảng dạy hoặc chia sẻ chương trình đào tạo một cách dễ dàng.

Trao đổi về những yêu cầu đối với sinh viên, học viên theo đuổi lĩnh vực Fintech, đại diện Ngân hàng Quân đội, ông Trần Thiện Phương - Giám đốc kinh doanh số, Giám đốc dự án MB Smartbank bày tỏ quan điểm về xu hướng nhân sự thị trường: “Trên thực tế, nhân sự ngành kinh doanh, kinh tế (business) và nhân sự công nghệ (technology) là những vị trí riêng biệt.

Khi xu thế Fintech phát sinh, những vị trí nhân sự mới được ra đời, yêu cầu đáp ứng được công việc đặc thù. Nhân sự Fintech vừa phải có tư duy kinh tế mở, vừa phải nhanh nhạy trong xử lý các vấn đề liên quan công nghệ thông tin. Bởi vậy, việc các trường ĐH Việt Nam đưa vào giảng dạy chương trình Công nghệ Tài chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển của ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ