Thiếu hụt nhân lực Tài chính- Ngân hàng có thể làm chủ công nghệ

GD&TĐ -Nhu cầu nhân lực ngành tài chính – ngân hàng trong tương lai là rất lớn đặc biệt là trong kỉ nguyên 4.0. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang quá thiếu hụt nhân lực tài chính – ngân hàng có thể làm chủ công nghệ mới. Điều đó đặt ra thách thức lớn trong công tác đào tạo của các cơ sở đại học và của chính hệ thống các ngân hàng.

Nhân lực tài chính – ngân hàng có thể làm chủ công nghệ mới trong kỉ nguyên 4.0 đang rất thiếu
Nhân lực tài chính – ngân hàng có thể làm chủ công nghệ mới trong kỉ nguyên 4.0 đang rất thiếu

Đó là ý kiến của phần lớn đại biểu tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng kỷ nguyên 4.0” vừa được tổ chức ngày 6/8 tại Trường ĐH Hoa Sen (TPHCM)

Nhu cầu nhân sự tài chính – ngân hàng là rất lớn

Tại hội thảo, các diễn giả và các chuyên gia cho biết, nhu cầu nhân sự tài chính – ngân hàng hiện nay rất lớn. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM dự báo cho biết, trong tương lai, ngành ngân hàng tại TP.HCM - thị trường tài chính lớn nhất nước ta sẽ tăng trưởng mạnh cả về quy mô hoạt động và nhân sự, nhất là nhân sự cấp trung và cao.

Ông Minh cho biết thêm, TP.HCM có hơn 2.000 điểm giao dịch của các ngân hàng (gồm: 52 hội sở, 452 chi nhánh, hơn 1.400 phòng giao dịch) với tổng số nhân sự khoảng 9.800 người, theo thống kê tính đến hết tháng 6/2019.

Nói về nhu cầu nhân lực ngành tai chính- ngân hàng trong tươong lai, ông Trần Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực cũng cho biết, dự báo đến năm 2020 - 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm. Do đó, các cơ sở đào tạo không đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực thì lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng.

“Riêng tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành tài chính - ngân hàng đến năm 2025 chiếm tỉ trọng 5% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hàng năm (khoảng 15.000 lao động) trong đó trình độ đại học trở lên, cao đẳng chiếm tỉ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng. Đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức nếu các cơ sở đào tạo không chịu thay đổi phương pháp giảng dạy và “dịch chuyển”tư duy trong kỉ nguyên 4.0”- ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Duy Tuấn – Team Manager of Banking & Finance, Navigos Search South cũng cho rằng nhu cầu tuyển dụng của thị trường tài chính- ngân hàng trong các năm tới sẽ tăng đều đặn vì số lượng ngân hàng, đơn vị kinh doanh tài chính nhiều, đóng góp cao cho các thị phần của nền kinh tế.

“Các mảng Digital banking, Consumer finance và Partnership (phối hợp xây dựng thêm kênh bán hàng) được đầu tư nhiều do nguồn lực tiềm năng. Chúng ta đang có 143 triệu người dùng thiết bị di động, 43% dân số tập trung ở thành thị, 64% dân số sử dụng mạng xã hội; 27% dân số Việt Nam là Millennials.

Họ năng động, có tiềm năng, khả năng thích nghi cao, chưa kể đội ngũ Du học sinh Việt Nam cũng rất đông đão (thứ 6 ở Mỹ, thứ 2 ở Nhật và thứ 5 ở Úc)…Do đó, cơ hội nguồn nhân lực này quay về đóng góp cho thị trường lao động tri thức Việt Nam là rất lớn”- ông Tuấn thông tin.

Để trả lời câu hỏi việc số hóa ngân hàng có sẽ khiến nhu cầu nhân lực ngành này giảm xuống hay không, đa phần các diễn giả đều cho rằng số hóa sẽ giúp nhân viên ngân hàng có dữ liệu để phục vụ khách hàng tốt hơn. Nhưng giao tiếp giữa con người với con người vẫn rất quan trọng, do đó khó có thể nói rằng máy móc sẽ hoàn toàn thay thế vị trí của nhân viên ngành ngân hàng, mà ngược lại nhu cầu nhân lực ngành này sẽ vẫn tăng trưởng nhanh.

GS.TS Mai Hồng Quỳ- Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen phát biểu tại hội thảo
 GS.TS Mai Hồng Quỳ- Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen phát biểu tại hội thảo

Giải pháp nào để phát triển nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng trong kỉ nguyên 4.0

Theo ông Trần Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế, hiện nay và các năm tới, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải đặc biệt coi trọng trong chiến lược phát triển của ngành tài chính - ngân hàng.

Đại đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm chỉ đạt yêu cầu 20-25% tại các ngân hàng còn “hổng” cả về kỹ năng (thái độ làm việc, kỹ năng làm việc với mọi người, trình độ tiếng Anh, khả năng giao tiếp) và kiến thức (các kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung).

Do đó, hầu như các ngân hàng đều phải mất thời gian đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều nhân lực và các ngân hàng phải mất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn, thực hiện.

Khảo sát tại các ngân hàng Việt Nam cho thấy, có 3 vị trí rất khó tuyển dụng hiện nay là quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư. Nguồn nhân lực ngành ngân hàng hiện nay vẫn có một thực tế là vừa thiếu vừa yếu.

Đặc biệt, khối kiến thức bổ trợ (công nghệ thông tin, ngoại ngữ) yếu; kiến thức ngành, giao tiếp hạn chế. Hầu hết các Ngân hàng Thương mại cổ phần quy mô trung bình trở xuống thiếu đội ngũ quản trị điều hành, lãnh đạo cấp chi nhánh, phòng giao dịch.

Vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng các cơ sở đào tạo và hệ thống các ngân hàng cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng để đón đầu các thành tựu trong kỷ nguyên số 4.0.

Kiến nghị giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Duy Tuấn- Team Manager of Banking & Finance, Navigos Search South khuyến nghị: Bản thân người lao động phải xác định lộ trình rõ ràng, xem xét thực lực hiện tại và mong muốn ở tương lai. Qua đó, chủ động tìm tòi, học hỏi, phát hiện xu hướng mới để thích ứng với thay đổi.

Với các nhà tuyển dụng, thì cần có kế hoạch đầu tư rõ ràng vào nhân lực, tham gia với cơ quan giáo dục để có định hướng đào tạo phù hợp. Đặc biệt, các đơn vị giáo dục cần phải kết hợp với nhà tuyển dụng để tìm hướng đào tạo phù hợp; cơ quan chính quyền cần đơn giản hóa quy trình đào tạo, cung cấp dịch vụ phát triển, cơ hội về vốn, tạo kết nối cho hai bên dễ dàng hơn.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Duy Tuấn trong việc nhà trường cần kết hợp với nhà tuyển dụng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ- Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết: Từ khi thành lập năm 1991 và phát triển đến hiện nay, Trường Đại học Hoa Sen luôn chú trọng việc kết hợp với các doanh nghiệp, các ngân hàng tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, cọ xát thực tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được nhu cầu xã hội.

“Xác định năng lực và sự lĩnh hội công nghệ của nhân lực ngành tài chính- ngân hàng là cực kỳ quan trọng nên ngay khi thành lập, Trường Đại học Hoa Sen đã có nhiều đối tác lớn và hiện nay, Nhà trường có thêm lợi thế là thành viên của tập đoàn Nguyễn Hoàng nên có điều kiện hợp tác với nhiều đối tác lớn. Nhà trường có Phòng Công tác sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, là cầu nối để doanh nghiệp tuyển dụng những nhân sự được đào tạo bài bản.

Do đó, ngoài việc học và thực hành thì các sinh viên còn hướng đến phục vụ cộng đồng qua những dự án. Mới đây, chúng tôi cùng sinh viên về huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang để triển khai dự án khởi nghiệp do Chính phủ tài trợ. Dự án thử nghiệm của chúng tôi được chạy trên hệ thống vận hành của Ngân hàng TMCP Sacombank, một đối tác thân thiết của nhà trường”- ông Vũ cho biết.

Quang cảnh hội thảo
 Quang cảnh hội thảo

Thừa nhận nguồn nhân lực ngành tài chính- ngân hàng, nhất là trong công tác đào tạo vẫn còn những mảng màu sáng, tối trong bức tranh nhân sự.

Do đó, nhiều đại biểu cho rằng để tránh rơi vào thực trạng khó tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành tài chính - ngân hàng trong kỉ  nguyên 4.0 thì các ngân hàng buộc phải thay đổi chính sách tuyển dụng, bồi dưỡng nhân sự như hiện nay.

Một phần để tránh tình trạng "chảy máu" chất xám, một phần chủ động trong việc đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ