Đây là một chương trình đào tạo được Trường ĐH Kinh tế- Luật (UEL) xây dựng hoàn toàn mới và tuyển sinh đào tạo dựa trên nhu cầu có thật về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tài chính ở Việt Nam.
Được biết, trước nhu cầu và thực tế nhân lực lĩnh vực này, ĐHQG TPHCM Đại học Quốc gia TPHCM trước đó đã thành lập Viện nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng và giao cho UEL trực tiếp tổ chức quản lý hoạt động, dưới sự ủng hộ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Chương trình nhằm cung cấp nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực tài chính ngân hàng trong bối cảnh kỷ nguyên số, có kiến thức cập nhật và am hiểu về công nghệ mới ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, đáp ứng cầu của các tổ chức tài chính trong bối cảnh phát triển kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế- Luật |
Theo Ban giám hiệu UEL, về mặt kiến thức, chương trình đào tạo Cử nhân chất lượng cao Công nghệ tài chính của UEL dành 60% thời lượng để cung cấp cho sinh viên các kiến thức chuyên môn kinh tế, kinh doanh, tài chính-ngân hàng cùng với các kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội trong kỷ nguyên số.
40% thời lượng được dành để trang bị các kiến thức về công nghệ, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, công cụ toán học và thống kê ứng dụng trong lĩnh vực tài chính để sinh viên có kiến thức toàn diện và chuyên sâu về tài chính-ngân hàng và công nghệ.
Ngoài ra, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết và thái độ làm việc để đủ năng lực làm việc và thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng của các tổ chức tài chính, tổ chức công nghệ tài chính.
Theo thống kê sơ bộ, thu nhập của những cá nhân làm việc liên quan đến công nghệ tài chính tương đối hấp dẫn, hiện tại là khoảng 1.000-1.500 USD đối với cá nhân nắm được đồng thời các kiến thức tài chính và công nghệ. Ngoài ra, cử nhân chuyên ngành công nghệ tài chính không chỉ giới hạn công việc tại các định chế tài chính, mà ngành nghề này còn bao phủ rất nhiều các công việc khác trong xã hội.