Nhiều trẻ nguy kịch do uống nhầm thuốc chống trầm cảm

GD&TĐ - Trẻ em với bản tính hiếu động, thích tò mò và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn trong sinh hoạt.

Hiện, cả ba trẻ đều đã được ra viện. Ảnh: BVCC
Hiện, cả ba trẻ đều đã được ra viện. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết đã tiếp nhận và điều trị cho 3 trẻ là chị em ruột nhập viện trong tình trạng nguy kịch ở cùng một thời điểm do uống nhầm thuốc chống trầm cảm.

Khai thác tiền sử, người nhà cho hay, các bệnh nhi bao gồm N.G.B. (63 tháng), N.H.A. (8 tuổi) và N.T.H.P. (13 tuổi) trú tại Hà Tĩnh, đã uống nhầm thuốc amitriptyline điều trị bệnh trầm cảm của người lớn trong nhà. Khi bố mẹ phát hiện sự việc, cả 3 bé đã rơi vào tình trạng hôn mê, co giật. Ngay lập tức, trẻ được chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.

2 chị gái là cháu N.H.A. và cháu N.T.H.P. vào viện trong tình trạng suy hô hấp, co giật, hôn mê. Đặc biệt nguy kịch là trẻ 63 tháng, khi vào viện đã ngừng hô hấp, tuần hoàn. Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn trẻ có tim trở lại.

Cả 3 bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính ngay tại Khoa Cấp cứu và chuyển Khoa Hồi sức tích cực chống độc điều trị tiếp. Với sự nỗ lực không ngừng, phác đồ chuẩn, hiện nay, cả 3 trẻ đều đã được ra viện.

Theo các chuyên gia, ngộ độc thuốc chống trầm cảm là ngộ độc cấp tính, trên lâm sàng là rất khó tiên lượng, có thể chuyển biến nguy kịch rất nhanh chỉ trong vài giờ sau khi được đưa đến cấp cứu. Đồng thời, có thể gây tử vong do loạn nhịp tim, hạ huyết áp hoặc không kiểm soát được các cơn co giật.

Đáng nói, trường hợp ngộ độc thuốc, hóa chất tại nhà như 3 bệnh nhi nói trên không hề hiếm. Số liệu từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, rất nhiều trẻ phải vào cấp cứu do uống nhầm thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu, dầu hỏa, hóa chất tẩy rửa… hay uống nhầm các chất gây nghiện, thuốc ngủ, thuốc an thần của người lớn… dẫn đến các tổn thương rất nặng nề, thậm chí có trường hợp nguy kịch.

“Việc cha mẹ bất cẩn, chủ quan đựng các dung dịch cọ rửa, thuốc chuột, cồn, xăng dầu… vào những vỏ chai nước suối, nước ngọt, các chai lọ với màu sắc bắt mắt, hay để thuốc (giảm đau, an thần…) ở những nơi dễ thấy, trong tầm tay với của trẻ (bàn ăn, bàn trang điểm, bàn làm việc…) chính là mối nguy hiểm tiềm tàng về ngộ độc thuốc, hóa chất cho trẻ.

Bệnh nhân ngộ độc gặp ở trẻ từ 1 - 5 tuổi. Đây là nhóm tuổi thích tò mò, khám phá nhưng lại chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại”, TS.BS Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu & Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bộ chăm sóc mũi họng cho trẻ sơ sinhứng dụng Tạo hình thẩm mỹ hiệu quả thuốc osimert