Nguy cơ ngộ độc khi dùng thuốc nhỏ mũi sai cách

GD&TĐ - Về cơ chế, Naphazolin có tác dụng làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và sung huyết niêm mạc.

Trẻ em từ 6 - 12 tuổi cần dùng dung dịch 0,025% hoặc 0,05% theo chỉ định và dưới sự theo dõi của thầy thuốc.
Trẻ em từ 6 - 12 tuổi cần dùng dung dịch 0,025% hoặc 0,05% theo chỉ định và dưới sự theo dõi của thầy thuốc.

Naphazolin là loại thuốc nhỏ mũi được dùng phổ biến hiện nay, có tác dụng làm giảm ngay nghẹt mũi nhờ cơ chế co mạch tại chỗ, giảm sưng và xung huyết khi nhỏ hoặc xịt. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng chỉ định hoặc quá liều sẽ gây ngộ độc.

Nhiều trẻ gặp nguy hiểm do thuốc nhỏ mũi

Ngày 28/11, đại diện Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, đã xử lý thành công, cứu sống một bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch. Trước đó, gia đình rửa mũi cho trẻ bằng thuốc nhỏ mũi Naphazolin mua tại hiệu thuốc. Sau khoảng nửa giờ, bé xuất hiện các triệu chứng ngộ độc.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin, xử trí ủ ấm, truyền dịch, lợi tiểu, theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn. May mắn, 6 giờ sau nhập viện, tình trạng bệnh nhi ổn định và không còn các triệu chứng nguy hiểm.

Trong giai đoạn thời tiết thay đổi, trẻ em dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp trên như viêm mũi họng cấp, viêm thanh quản cấp, biểu hiện phổ biến là ho, sổ mũi. Một số gia đình tự mua thuốc nhỏ mũi tại quầy thuốc về sử dụng cho trẻ.

Tuy nhiên, lọ thuốc nhỏ mũi Naphazolin 0,05% có bao bì gần giống với lọ nước muối sinh lý Natriclorid 0,9%. Vì vậy, nếu không để ý kỹ có thể nhầm lẫn và sử dụng sai cách, đe dọa tính mạng, đặc biệt ở trẻ em khi chức năng thải độc của gan và thận còn chưa được hoàn thiện.

Naphazolin là loại thuốc nhỏ mũi được dùng phổ biến hiện nay, có tác dụng làm giảm ngay nghẹt mũi nhờ cơ chế co mạch tại chỗ, giảm sưng và xung huyết khi nhỏ hoặc xịt. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng chỉ định hoặc quá liều sẽ gây ngộ độc.

Triệu chứng xuất hiện sớm trong vòng hai giờ là li bì, ngủ gà, xanh tái, tay chân lạnh, nhịp tim chậm, tăng huyết áp, thở chậm, thở không đều, có cơn ngừng thở, hạ thân nhiệt.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên trẻ nguy kịch do sử dụng thuốc nhỏ mũi Naphazolin. Trước đó, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ tiếp nhận bé H.P.M (6 tuổi) nhập viện vì mệt, rối loạn nhịp tim.

Qua khai thác bệnh sử ghi nhận, bé bệnh 2 ngày, sốt nhẹ, ho ít, chảy mũi, người nhà có đưa bé đến cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được nội soi tai mũi họng. Trẻ được chẩn đoán viêm mũi họng cấp. Sau đó, bé được kê toa uống 2 ngày kèm thuốc nhỏ mũi.

Sau nhỏ mũi, bé buồn nôn, than mệt nên được đưa đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Qua khai thác, bác sĩ cho biết trẻ được nhỏ mũi Polymax. Đây là thuốc nhỏ mũi dành cho người trưởng thành có chứa thành phần chính là Naphazolin.

Năm 2020, Khoa Cấp cứu nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận hai bé tên Q.H và Q.B (sinh tháng 5/2020, ở phường Quang Trung, TP. Uông Bí) trong tình trạng lơ mơ, da tím tái, nhịp thở không đều, nhịp tim chậm 70 - 80 lần/phút.

Trước đó, gia đình tắm cho hai bé, thấy cả hai thở khò khè nên đã tự mua thuốc nhỏ mũi cho con. Khi dùng hết khoảng 2 - 3 lọ thuốc, hai bé đều vã mồ hôi, da tái, tay chân lạnh... Các bé phải thở máy, truyền dịch, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn. Bác sĩ chẩn đoán hai bé ngộ độc cấp Naphazolin.

Thuốc có tác dụng co mạch

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Minh - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, các trường hợp ngộ độc thuốc nhỏ mũi khá nhiều, thường rơi vào những trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 90%). Nguyên nhân là do trẻ được nhỏ quá liều và không đúng chỉ định.

Theo chuyên gia này, về mặt giải phẫu và sinh lý, đường thở của trẻ nhỏ rất dễ bị kích ứng, sung huyết khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, đặc biệt là thời điểm chuyển mùa. Khi bị nghẹt mũi, trẻ sẽ khó bú, khó ngủ và quấy khóc.

Những lúc như thế, phần vì thương con, phần vì nôn nóng, phụ huynh thường tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mũi cho trẻ. Song, phụ huynh không hiểu hết về thành phần cũng như tác dụng của thuốc.

Thuốc được dùng phổ biến là Naphazolin với khá nhiều tên thương mại như Rhinex, Rhinazin, Nasoline..., có hàm lượng 0,025%, 0,05%, 0,1%. Thuốc có giá thành rẻ, dễ mua ở hầu hết các nhà thuốc và nhanh chóng làm giảm triệu chứng nghẹt mũi khi mới sử dụng.

“Về cơ chế, Naphazolin có tác dụng làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và sung huyết niêm mạc. Sau khi nhỏ dung dịch Naphazolin tác dụng co mạch đạt trong vòng 10 phút và kéo dài khoảng 2 - 6 giờ. Khi sử dụng, không được dùng Naphazolin liên tục quá 3 ngày”, bác sĩ Nguyễn Thị Minh cho biết.

Theo chuyên gia này, sử dụng nhiều lần trong ngày hoặc dùng liên tục trên 1 tuần có thể gây ra tình trạng quen thuốc. Tình trạng đó khiến thuốc không còn tác dụng chống sung huyết, mà còn làm cho nghẹt mũi nhiều hơn.

Trong khi đó, ngộ độc do quá liều (khi dùng tại chỗ liều quá cao hoặc uống nhầm) có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương như hạ thân nhiệt, tim đập chậm, ra mồ hôi, buồn ngủ, co giật, hôn mê đặc biệt ở trẻ em.

“Chính vì thế, không nên dùng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đối với người lớn và trẻ em trên 12 tuổi nếu có chỉ định có thể dùng dung dịch 0,05% hoặc 0,1%. Trẻ em từ 6 - 12 tuổi, dùng dung dịch 0,025% hoặc 0,05% theo chỉ định và dưới sự theo dõi của thầy thuốc”, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Trong một số trường hợp, chỉ cần nhỏ mũi với một lượng nhỏ (khoảng 2 giọt) là đã đủ gây nguy hiểm cho trẻ. Sau khi nhỏ mũi thì chỉ với một khoảng thời gian ngắn (30 phút – 2 giờ) sẽ xuất hiện các biểu hiện như tay chân lạnh, vã mồ hôi, trẻ lừ đừ, thở yếu thậm chí có thể dẩn đến hôn mê. Những dấu hiệu nặng của tình trạng này là nhịp tim không đều, ngưng thở từng cơn.

Do đó, theo bác sĩ Minh, nếu trẻ bị nghẹt mũi, cha mẹ cần tiến hành làm thông mũi cho bé. Nếu trẻ nghẹt nhiều, khó thở, phụ huynh nên cho con sử dụng nước muối sinh lý NaCl 0,9% làm loãng dịch mũi để dễ dàng làm sạch mũi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ