Nhiều thứ không mua được bằng tiền ở World Cup 2022

GD&TĐ - Chất lượng đội tuyển quốc gia Qatar có thể mua được bằng thật nhiều tiền không? Chắc chắn không!

Các cầu thủ Qatar thất vọng sau trận thua bạc nhược trước Ecuador.
Các cầu thủ Qatar thất vọng sau trận thua bạc nhược trước Ecuador.

Với 12 năm chuẩn bị và hơn 200 tỷ USD đổ vào sự kiện World Cup 2022 nhưng đội tuyển chủ nhà cho thấy họ thiếu cả trình độ chuyên môn lẫn tinh thần thi đấu. Vậy nên, không phải cái gì cũng mua được bằng tiền, kể cả rất nhiều tiền.

Tiền nhiều để làm gì?

Hơn 100 năm trước, vào đầu thế kỷ XX, tỷ phú người Mỹ Rockefeller đã tuyên bố một câu mà đến giờ nhiều người vẫn coi đó là chân lý: “Những gì không mua được bằng tiền thì đều có thể mua được bằng thật nhiều tiền (hoặc bằng nhiều tiền hơn nữa)”. Câu nói của người siêu giàu nước Mỹ đã tạo ra những tranh luận, quan điểm ủng hộ hoặc trái chiều về vai trò của tiền bạc, của cải vật chất.

Cho đến trước khi Vòng chung kết World Cup 2022 khởi tranh, Qatar đã cho thấy đúng là cái gì không mua được bằng tiền thì đều có thể mua được bằng rất nhiều tiền.

Trong lịch sử 92 năm của World Cup, Qatar đã thiết lập cột mốc khi trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên đăng cai ngày hội lớn nhất của bóng đá thế giới. Cho đến giờ, sau hơn 10 năm, quyết định trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) vẫn là chủ đề nóng, gây nhiều tranh cãi.

Bên cạnh đó, để tránh cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè, FIFA cũng buộc phải uốn mình theo vũ điệu của những đồng đô la cho cái lần đầu tiên khác nữa, World Cup 2022 được tổ chức vào tháng 11 - 12, thay vì vào mùa hè như thường lệ, thời điểm kết thúc mùa giải của nhiều châu lục.

Quyết định của FIFA đã khiến cho hệ thống thi đấu của bóng đá thế giới “đảo lộn”. Tất cả các châu lục, đặc biệt là châu Âu đã phải gấp rút điều chỉnh kế hoạch thi đấu để các cầu thủ tham dự World Cup 2022 được diễn ra vào mùa đông ở Qatar.

Một người đàn ông cầu xin đám đông ngừng chen lấn bên ngoài sân Al Byat.

Một người đàn ông cầu xin đám đông ngừng chen lấn bên ngoài sân Al Byat.

Với nguồn thu khổng lồ từ khí tự nhiên hóa lỏng, Qatar đã bỏ ra 220 tỷ USD đổ vào cơ sở hạ tầng, các sân bóng và đội tuyển bóng đá quốc gia. Trong đó, khoản chi tiêu gây sốc này bao gồm khoảng 45 tỷ USD cho việc xây dựng Lusail, một khu đô thị lớn ở phía Bắc Doha, nơi vẫn còn là sa mạc vào năm 2010.

Ước tính Lusail là nơi sinh sống của khoảng 200 nghìn người sau khi hoàn tất xây dựng. Ngoài ra, khu đô thị mới, bao gồm một đảo nhân tạo sầm uất, được xây quanh sân vận động Lusail, nơi diễn ra trận chung kết World Cup.

Con số 220 tỷ USD mà Qatar bỏ ra đã biến World Cup 2022 trở thành giải đấu đắt đỏ nhất hành tinh. Để có sự so sánh trực quan hơn, chí phí mà Qatar bỏ ra cho World Cup 2022 vượt xa 7 kỳ World Cup gần nhất cộng lại. Cụ thể: Nga 2018 (11,6 tỷ USD), Brazil 2014 (15 tỷ USD), Nam Phi 2010 (3,6 tỷ USD), Đức 2006 (4,3 tỷ USD), Nhật-Hàn 2002 (7 tỷ USD), Pháp 1998 (2,3 tỷ USD) và Mỹ 1994 (0,5 tỷ USD).

Qatar đã mang đến cho khán giả màn trình diễn ấn tượng với sự pha trộn giữa nhiều nền văn hóa trên toàn thế giới trong Lễ khai mạc World Cup 2022. Qatar giúp người hâm mộ sống lại ký ức từ những kỳ World Cup trước thông qua bản mashup các bài hát lừng danh một thời như Waka Waka, Wavin' Flag... và cả những linh vật của các giải đấu trong quá khứ.

Các cổ động viên còn được tận hưởng bầu không khí sôi động qua màn trình diễn âm thanh, ánh sáng hoành tráng cùng sự góp mặt của những nghệ sĩ hàng đầu như Jungkook, Fahad Al Kubaisi…

Trái ngược với bữa tiệc âm thanh, ánh sáng của kỳ World Cup đắt giá nhất hành tinh, lực lượng an ninh không thể kiểm soát tình hình tại khu vực fan festival bên ngoài sân Al Byat. Nhiều cổ động viên vẫn chọn cách nhảy qua hàng rào để được vào xem lễ khai mạc và trận mở màn. Lực lượng an ninh tỏ ra căng thẳng.

Theo tờ Independent, một người Mỹ gốc Mexico đã so sánh cảnh đổ nát với cảnh tượng cách đây vài tuần ở Hàn Quốc khiến hơn 150 người thiệt mạng.

Nhiều khán giả Qatar bỏ về sớm khi chứng kiến đội nhà thua 2 bàn ngay trong hiệp 1.

Nhiều khán giả Qatar bỏ về sớm khi chứng kiến đội nhà thua 2 bàn ngay trong hiệp 1.

World Cup 2022 không lung linh như những gì Qatar và FIFA hứa hẹn. Tờ Guardian cho biết, nước chủ nhà đã cắt tiền hỗ trợ sinh hoạt phí cho một số cổ động viên.

Ban đầu, Cơ quan Di sản Qatar lập ra chương trình có tên Mạng lưới Lãnh đạo Cổ động viên. Theo đó, chính phủ Qatar trả tiền vé máy bay khứ hồi, cung cấp chỗ ở, tiền sinh hoạt phí tối thiểu 14 ngày, vé tham dự một số sự kiện tại World Cup cho các cổ động viên. Một trong các sự kiện là lễ khai mạc ngày 20/11.

Hơn 400 cổ động viên từ 60 quốc gia đã được mời tham gia chương trình Mạng lưới Lãnh đạo Cổ động viên. Thế nhưng, những thông tin bất lợi trên truyền thông quốc tế trước thềm lễ khai mạc dường như là nguyên nhân khiến Qatar hủy bỏ kế hoạch chi trả sinh hoạt phí cho cổ động viên tham gia chương trình. Nước chủ nhà chỉ chi trả tiền vé máy bay, chỗ ở và vé tham dự lễ khai mạc.

Mới đây, Qatar bị đặt câu hỏi về việc chi tiền thuê cổ động viên giả tại World Cup 2022. Trên đường phố Qatar xuất hiện nhiều nhóm người hâm mộ mặc áo đấu của các đội tuyển hàng đầu như Argentina, Brazil, Đức... nhưng hầu hết họ đều là người gốc Ấn Độ.

Theo Daily Mail, các nhóm người này có thể đã được trả tiền để làm nóng bầu không khí trước World Cup. Một số nguồn tin còn tiết lộ, Qatar hứa trả cho mỗi cổ động viên giả mạo 68 euro cho mỗi ngày tham gia cổ vũ.

Nhóm cổ động viên đội tuyển Brazil bị nghi được thuê để tạo ra không khí cổ động cuồng nhiệt.

Nhóm cổ động viên đội tuyển Brazil bị nghi được thuê để tạo ra không khí cổ động cuồng nhiệt.

Nỗi đau kéo dài

Mặc dù vậy, nỗi đau lớn nhất và có thể còn kéo dài với người Qatar chính là kết quả tệ hại của đội tuyển quốc gia trong trận thua 0 - 2 trước Ecuador.

Qatar thi đấu hoàn toàn bế tắc và không cho thấy đẳng cấp xứng đáng góp mặt ở World Cup. Thậm chí trong hiệp thứ hai, Ecuador đã chủ động nhường thế trận và đá lùi sâu nhưng đội chủ nhà vẫn chẳng thể tạo nên pha bóng thực sự nguy hiểm nào.

Theo ước tính, hơn 1/3 trong tổng số 67.372 người trên sân đã bỏ về sớm ngay thời điểm hiệp 1 khép lại.

Điều đó cho thấy, bất chấp nỗ lực của chính phủ Qatar cùng số tiền đầu tư không tưởng cho World Cup, người Qatar dường như chưa có sự thay đổi về ý thức và tình cảm với môn bóng đá.

Khán giả Qatar đến sân trong tâm lý khám phá về World Cup hơn là sự đam mê, tình yêu bóng đá đã chảy trong máu. Với tâm thế như vậy, người Qatar thất vọng, chán nản về màn trình diễn của đội nhà và sau đó bỏ về sớm cũng là hệ quả tất yếu, dễ hiểu. Qatar đã dùng tiền mua được rất nhiều thứ, nhưng không thể mua được tình cảm của tất cả cổ động viên.

Cũng nên nhớ rằng, đội tuyển Qatar đã được chuẩn bị hơn 10 năm cho World Cup. Chính phủ Qatar xây dựng các học viện tại quê nhà lẫn châu Âu, gửi những cầu thủ giỏi nhất sang các nền bóng đá hàng đầu, cho đội tuyển quốc gia du đấu trong thời gian dài.

Hai năm qua, huấn luyện viên Felix Sanchez và các học trò đã thi đấu giao hữu, tham dự các giải đấu tầm châu lục từ Nam Mỹ, CONCACAF cho đến châu Âu. Qatar tin rằng, đội tuyển quốc gia sẽ làm nên chuyện ở World Cup 2022.

Trở lại mệnh đề, chất lượng đội tuyển quốc gia Qatar có thể mua được bằng thật nhiều tiền không? Chắc chắn không! Từ khi FIFA đổi luật để đội chủ nhà World Cup đá trận khai mạc từ năm 2006, chưa có chủ nhà nào phải nhận thất bại cho đến khi Qatar gặp Ecuador. Xa hơn, trong lịch sử 92 năm của World Cup, chưa đội chủ nhà nào để thua ở ngay trận ra quân tại giải đấu. Nhưng đội bóng siêu giàu Qatar đã lập nên kỷ lục không mong muốn.

Đội tuyển Nam Phi, chủ nhà World Cup 2010 cũng không thể vượt qua vòng bảng nhưng ấn tượng họ để lại sau 3 trận là không tồi. Nam Phi hòa Mexico 1 - 1 ở trận đầu tiên, sau đó thua Uruguay 0 - 3 nhưng kết thúc vòng bảng bằng chiến thắng lịch sử 2 - 1 trước đội tuyển Pháp.

Tại World Cup 1994, đội tuyển Mỹ cũng giành được 4 điểm giống như Nam Phi sau khi kết thúc vòng bảng. Đây là hai nước chủ nhà bị đánh giá thấp nhất trong lịch sử các kỳ World Cup và có thành tích khá tệ khi không thể vượt qua vòng bảng.

Tuy nhiên ở World Cup 2022, Qatar đứng trước nguy cơ kết thúc giải với số điểm còn kém hơn Mỹ hay Nam Phi trong quá khứ. Cơ hội qua vòng bảng của đội tuyển Qatar gần như khép lại bởi ở hai lượt trận còn lại, họ sẽ phải chạm trán Hà Lan, đội tuyển đang đứng hạng 8 thế giới và Senegal, nhà đương kim vô địch châu Phi với dàn sao đang thi đấu cho các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu. Thậm chí, khả năng họ trở thành đội chủ nhà có thành tích tệ nhất lịch sử các kỳ World Cup với 3 trận toàn thua cũng rất dễ xảy ra.

Tiền không phải là tất cả.

Qatar hy vọng rằng cơ sở hạ tầng được phát triển như một phần trong quá trình chuẩn bị cho World Cup sẽ hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế phi năng lượng của đất nước, ngay cả khi chưa chắc chắn về một kế hoạch sử dụng các sân vận động vừa được xây mới.

Việc có động lực để phát triển hạ tầng của Qatar cũng có thể thu hút du lịch và nâng cao sản xuất. Chính phủ Qatar cũng kỳ vọng có thể thúc đẩy kinh tế tri thức và chú trọng dịch vụ sau kỳ World Cup, song triển vọng tăng trưởng sau ngày hội bóng đá này vẫn chưa rõ ràng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.