Nhiều thách thức phổ cập giáo dục mầm non với địa bàn vùng khó

GD&TĐ - Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi đặt ra nhiều thách thức, nhất là đối với địa bàn vùng khó, do cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Học sinh Mầm non ở địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Học sinh Mầm non ở địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Đề án Phổ cập Giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, đang được Bộ GD&ĐT gấp rút triển khai.

Đề án nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ em mầm non được tiếp cận giáo dục; duy trì, nâng cao kết quả đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.

Nỗ lực huy động trẻ đến trường

Huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) thuộc vùng miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho GDMN còn ít so với nhu cầu. Tuy vậy, những năm qua, việc phát triển GDMN đạt được những kết quả tích cực.

Năm học 2021-2022, địa phương có 26 trường mầm non. Toàn huyện có 331 nhóm, lớp với gần 7.600 trẻ; tỷ lệ huy động trẻ đạt 95,55%. 100% trẻ đến trường mầm non được đảm bảo về thể chất và tinh thần, trẻ được ăn bán trú.

Học sinh Trường Mầm non xã Húc trong ngày khánh thành điểm trường mới.

Học sinh Trường Mầm non xã Húc trong ngày khánh thành điểm trường mới.

Cô Lê Thị Hằng Nga - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Việt cho biết, nhà trường có gần 200 cháu, với 14 cán bộ, giáo viên. Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi những năm gần đây luôn đạt tỷ lệ 100%.

“Những năm gần đây, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền và các đơn vị liên quan trong tuyên truyền, vận động, nên ý thức của người dân về vấn đề học tập của con em dần được nâng lên. Học sinh đi học chuyên cần hơn”, cô Nga nói.

Theo cô Nga, để đạt được kết quả nói trên, nhà trường và cán bộ giáo viên đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động động phụ huynh đưa trẻ đến trường.

Trường Mầm non xã Thuận có 6 điểm trường, gồm một điểm trung tâm và 5 điểm lẻ. Những năm qua, nhà trường đã huy động và tập trung nhiều nguồn lực để duy trì chất lượng phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Đối với đề án phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi sắp được triển khai, nhà trường cũng đã có những bước chuẩn bị cơ bản.

Nhiều khó khăn về cơ sở vật chất

Theo nhiều giáo viên, khó khăn lớn nhất để triển khai phổ cập cho trẻ mẫu giáo nằm ở điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên còn thiếu. Nhiều địa phương chưa có đủ phòng học cho học sinh.

Cô Phan Thị Mận – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thuận cho biết, Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa đã có những hướng dẫn về đề án phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi. Năm qua, tỷ lệ trẻ 3 tuổi đến trường ở địa phương đạt hơn 80%, trẻ 4 tuổi đến trường đạt 85%.

“Khó khăn nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa được đầy đủ nhằm chăm sóc các cháu. Đối với một số điểm trường, dù có phòng nhưng thiếu điều kiện bán trú nên phải mượn phòng để làm bếp nấu ăn cho học sinh. Hơn nữa, khi triển khai thực hiện đề án phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo cũng sẽ thiếu giáo viên”, cô Mận cho biết.

Học sinh mầm non Quảng Trị lắp ghép các mô hình.

Học sinh mầm non Quảng Trị lắp ghép các mô hình.

Theo Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, công tác phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non những năm qua được duy trì vững chắc. Đây là cơ sở để thực hiện công tác phổ cập giáo dục trẻ mẫu giáo. Hệ thống mạng lưới trường lớp ổn định phát triển rộng khắp nên đáp ứng cho việc đến trường của trẻ.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ và giáo viên đã phát huy vai trò của mình trong công tác phổ cập, xác định rõ là một trong những nhiệm vụ cơ bản của nhà trường và của mỗi cán bộ giáo viên. Đây là những điều kiện thuận lợi để triển khai phổ cập giáo dục trên địa bàn.

Tuy nhiên, việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) gặp phải một số khó khăn do địa bàn trải rộng, nhiều điểm trường lẻ số trẻ ít nên khó khăn trong bố trí giáo viên đứng lớp; định biên giáo viên/lớp chưa đảm bảo; cơ sở vật chất thiết bị dạy học thiếu.

Theo bà Võ Thị Loan – Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Quảng Trị), sau khi có chủ trương của Bộ GD&ĐT về đề án phổ cập GDMN cho trẻ 3-4 tuổi, ngành giáo dục Quảng Trị đã nắm bắt và có những bước chuẩn bị. Trong các hướng dẫn nhiệm vụ năm học, các hội nghị, Sở GD&ĐT đều chỉ đạo các đơn vị, các cơ sở giáo dục mầm non chuẩn bị điều kiện để tiến tới thực hiện phổ cập cho trẻ dưới 5 tuổi.

Những năm qua, ngành đã thực hiện tốt việc phổ cập cho trẻ 5 tuổi, nên tới đây phổ cập cho trẻ dưới 5 tuổi cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, công tác truyền thông đã được thực hiện tốt.

“Để thực hiện phổ cập cho trẻ dưới 5 tuổi, khó khăn lớn nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, điều kiện phòng học... Bởi để đạt tiêu chí phổ cập cần nhiều yếu tố: Tỉ lệ huy động trẻ theo độ tuổi, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chương trình dạy học, trình độ đội ngũ...”, bà Loan cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.