Michelle Macario đã rất vất vả để theo học các lớp trực tuyến qua chiếc màn hình nhỏ của điện thoại. Cô không có máy tính xách tay và wifi ở nhà. Thư viện - nơi nữ sinh này thường học tại trường cao đẳng cộng đồng ở Los Angeles, đã bị đóng cửa. Vì vậy, Macario đã bỏ tất cả khóa học để tránh bị trượt.
Tuy nhiên, mọi chuyện đối với Macario cũng không khá hơn trong học kỳ này. Là sinh viên chuyên ngành tâm lý học tại Trường Cao đẳng Santa Monica, nữ sinh này vô cùng vất vả khi chỉ học qua chiếc điện thoại nhỏ.
“Internet chất lượng kém, Covid-19 bùng phát và chỉ có thể ngồi ở nhà, tôi đã không thể có một học kỳ tốt”, nữ sinh 18 tuổi này nói.
Mắc kẹt giữa những khó khăn tài chính và rào cản công nghệ khi học trực tuyến, hàng triệu sinh viên đại học có thu nhập thấp trên khắp nước Mỹ phải đối mặt với trở ngại lớn. Một số người thậm chí đã bỏ học. Trong khi những sinh viên khác phải “vật lộn” để tìm nhà ở và nơi truy cập Internet.
Sara Goldrick-Rab - Giám đốc sáng lập của Trung tâm Hy vọng dành cho Cao đẳng, Cộng đồng và Công lý tại Đại học Temple, cho biết: “Đại dịch ảnh hưởng nặng nề nhất đến sinh viên có thu nhập thấp. Những người học đó đã rơi vào tình trạng tồi tệ ngay từ đầu”.
Trước bối cảnh này, một số trường cao đẳng và đại học Mỹ đã tăng cường hỗ trợ tài chính đối với sinh viên có nhu cầu. Tuy nhiên, không ít tổ chức giáo dục phải đối mặt với những thách thức tài chính. Các trường này cho biết không đủ khả năng để cung cấp nhiều hơn.
Tác động đối với sinh viên gặp khó khăn có thể được nhận thấy rõ ràng nhất tại khoảng 1.400 trường cao đẳng cộng đồng của Mỹ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Sinh viên Clearinghouse ở Herndon, Va., số lượng sinh viên đăng ký học tại đây đã giảm 8% vào mùa thu này.
Bà Martha Parham - phát ngôn viên của Hiệp hội các trường cao đẳng cộng đồng Mỹ, cho biết số lượng sinh viên đại học cộng đồng đã giảm khoảng 1/2 triệu người. Không giống các cuộc suy thoái kinh tế trước đây - khi các trường cao đẳng cộng đồng chứng kiến lượng tuyển sinh tăng vọt, đại dịch đã có tác động ngược lại.
Bà Parham nói rằng, hầu hết sinh viên đại học cộng đồng đều đi làm. Thậm chí, nhiều người học là phụ huynh.
“Nếu họ bị mất việc vì đại dịch, họ sẽ phải đối mặt với câu hỏi: “Làm thế nào để trả tiền thuê nhà, làm thế nào để nuôi con tôi?”. Đối với những sinh viên đó, các lớp học không phải là một ưu tiên hàng đầu ngay bây giờ”.
Đối với những sinh viên bỏ học, cơ hội để họ trở lại trường là vô cùng nhỏ nhoi. Theo một báo cáo được công bố năm ngoái, chỉ có 13% sinh viên bỏ học trở lại trường.
Sinh viên da màu là những người chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. EAB - công ty nghiên cứu giáo dục có trụ sở tại Washington, cho biết, có rất ít sinh viên da màu nộp đơn xin trợ cấp vào năm 2020. Các nhà nghiên cứu của công ty cũng nhận thấy, nhiều sinh viên có thu nhập thấp đã cam kết học đại học, nhưng không thực hiện.
Khi các khu học xá phải đóng cửa do đại dịch, Rise - tổ chức do sinh viên lãnh đạo ủng hộ khả năng chi trả cho các trường đại học, đã tạo ra mạng lưới trực tuyến. Tổ chức này giúp sinh viên tìm hỗ trợ tài chính khẩn cấp, nộp đơn xin phúc lợi và xác định vị trí các ngân hàng thực phẩm.
Max Lubin - Giám đốc điều hành của Rise, cho biết tổ chức đã hỗ trợ hơn 1.000 sinh viên mỗi tháng. Những người học này đã phải vật lộn để trả tiền thuê nhà, cố gắng giữ việc làm và truy cập Internet.
Có một ngôi nhà ổn định và được sử dụng thực phẩm lành mạnh là những mối quan tâm lớn trước đại dịch. Một cuộc khảo sát trong năm 2019 cho thấy, có 17% sinh viên đại học trở thành người vô gia cư và khoảng 50% người học khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà hoặc mua nhu yếu phẩm. Gần 40% người không được tiếp cận với thực phẩm chất lượng.