Phòng chống Covid-19: Vắc xin không chỉ dành riêng cho nước Mỹ!

Phòng chống Covid-19: Vắc xin không chỉ dành riêng cho nước Mỹ!

Từ những nguồn tin rò rỉ

Vào đầu tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng trả giá cao cho các nhà khoa học Đức tại CureVac, nơi đang nghiên cứu vắc xin chống lại virus Corona - tờ Welt am Sonntag của Berlin đưa tin. Theo báo này, chính phủ Mỹ sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ USD cho các chuyên gia Đức với mục đích “vắc xin thành phẩm chỉ dành cho Hoa Kỳ”. Tin này đã gây sốc cho xã hội Đức vào ngày thứ Hai.

Trước khi truyền thông Đức đưa tin nóng hổi này, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chuyển sang Công ty CureVac của Đức với đề nghị chuyển trụ sở chính từ thành phố Tubingen sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ có thể đạt được với một yêu cầu: Kết quả nghiên cứu sẽ trở thành tài sản độc quyền của Hoa Kỳ.

Nhà Trắng không bình luận về thông tin rằng chính quyền Hoa Kỳ cố gắng trả giá cao cho CureVac. Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã viết trên Twitter rằng thông tin do Welt am Sonntag đưa ra là không đúng sự thật. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmayer và Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer xác nhận với truyền thông Đức rằng người Mỹ đang cố gắng mua CureVac.

Trong bối cảnh ấy, tờ New York Times đã trấn an dư luận bằng cách trích dẫn các nguồn tin của mình, cho biết, các quan chức Mỹ bảo đảm trong các cuộc đàm phán rằng họ sẽ chia sẻ bất kỳ thành tựu nào trong lĩnh vực vắc xin với các quốc gia khác. Tuy nhiên, chính quyền Đức dường như vẫn bị sốc bởi báo cáo về liên hệ của Washington với CureVac.

Đức dứt khoát “nói không” với Mỹ

Vào ngày thứ Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas khẳng định với các tờ báo của nhóm truyền thông Funke: “Các nhà nghiên cứu Đức đang dẫn đầu trong việc phát triển thuốc và vắc xin thông qua các dự án liên quan đến các đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi không thể cho phép những người khác (các quốc gia khác) có quyền độc quyền phù hợp với kết quả nghiên cứu của họ”.

Cũng theo lời Heiko Maas, ông đã thảo luận vấn đề này với các đồng nghiệp từ Canada, Hàn Quốc, Brazil, Australia và dự định nêu ra vấn đề này trong các cuộc tham vấn ở định dạng G7.

“Chúng ta có thể đánh bại virus này chỉ bằng những nỗ lực chung và không hành động chống lại nhau” - ông Heiko Maas nhấn mạnh.

Trao đổi với báo giới, đại diện Bộ Y tế Đức xác nhận rằng nội các của bà Angela Merkel đang quan tâm đến việc phát triển một loại thuốc chống lại virus Corona ở Liên minh châu Âu và thường xuyên liên lạc với Công ty CureVac.

Chính quyền Đức cũng đang cố gắng kiểm soát công ty này về mặt tài chính - Welt am Sonntag đưa tin. Nên nhớ rằng, công ty tư nhân CureVac đang hoạt động cùng với Viện Paul Ehrlich - một cơ quan nhà nước trực thuộc chính phủ Đức.

Bằng chứng của cuộc đấu tranh giành quyền sở hữu vắc xin giữa Đức và Hoa Kỳ là việc đột ngột sắp xếp lại vị trí lãnh đạo của CureVac. Vào ngày 3/3, trang web của công ty đã đưa tin rằng, Chủ tịch Dan Menicella đã đến thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Nhà Trắng.

Ông Dan Menicella đã được Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đón tiếp trọng thị. Ngay sau đó, vào ngày 11/3, cũng trang web này ra tuyên bố rằng Dan Menicella đã mất vị trí người đứng đầu công ty cho người sáng lập Ingmar Herr. Lý do rời khỏi vị trí quản lý của Dan Menicella không được công bố.

Vào thứ Hai, tình hình xung quanh CureVac được thảo luận tại một cuộc họp đặc biệt của chính phủ Đức.

“Giờ đây không phải là lúc để tranh luận về việc công ty sẽ dựa vào đâu. Virus không dừng lại ở biên giới. Lúc này, cần có sự hợp tác quốc tế chứ không phải bảo vệ lợi ích riêng của một ai đó” - ông Erwin Rüdeldel, người đứng đầu Ủy ban Y tế viết trên Twitter.

Trong bối cảnh ấy, việc Hoa Kỳ đang cố gắng mua CureVac hoặc nhận quyền độc quyền đối với vắc xin được coi là một đòn tập hậu từ đồng minh - nhà phân tích chính trị Đức Alexander Rahr nói với tờ VZGLYAD.

“Đây là một trong những tin tức chính trị chính ở Đức. Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Peter Altmeier khẳng định rằng nước Đức không phải để bán. “America First” (Nước Mỹ trên hết) đang bắt đầu gây khó chịu. Người Đức không hiểu tại sao Mỹ lại cư xử với Đức như một chư hầu” - ông Alexander Rahr nói.

Khẳng định rằng chính phủ Đức sẽ nỗ lực hết sức để kiểm soát CureVac và ngăn chặn người Mỹ mua lại công ty này, nhưng chính ông Alexander Rahr thừa nhận, có một rủi ro là, nếu người Mỹ muốn thứ gì đó, họ sẽ nhận được: Họ sẽ mua thông tin họ cần hoặc tham gia vào hoạt động gián điệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ