Nhiều rào cản ứng dụng công nghệ trong giáo dục thể chất

GD&TĐ - Sử dụng công nghệ trong dạy học Giáo dục thể chất giúp giáo viên tăng tương tác với HS tuy nhiên, phương pháp này vẫn đối mặt với nhiều rào cản.

Học sinh quay video các động tác thể dục.
Học sinh quay video các động tác thể dục.

Dạy thể dục từ video

Đối với thầy Jon Szychlinksi, giáo viên Giáo dục thể chất tại khu học chánh Berwyn North 98, thành phố Chicago, Mỹ, các lớp học thể dục truyền thống đã lỗi thời và nhường chỗ cho những tiết học ứng dụng công nghệ sinh động và khoa học.

Giống như các vận động viên chuyên nghiệp nghiên cứu băng ghi hình quá trình tập luyện và thi đấu để khắc phục điểm yếu, thầy Jon cũng đang áp dụng mô hình này vào dạy học môn Giáo dục thể chất. Trong tiết học của thầy, một nhóm học sinh trong lớp sẽ chơi bóng chuyền. Nhóm còn lại được giao quay lại các động tác của bạn bè để nghiên cứu, phát hiện lỗi sai và khắc phục.

Mỗi học sinh cũng tự ghi hình quá trình tập luyện thể dục, đăng tải lên nhóm lớp online. Thầy Jon sẽ nhận xét từng video và lập kế hoạch giúp học sinh cải thiện sức khoẻ thông qua tập luyện.

Theo thầy Jon, đây là một bước tiến trong việc dạy học môn Thể dục. Thông thường, thời lượng môn học không cho phép giáo viên theo dõi từng bài tập của học sinh và cho nhận xét hoặc hỗ trợ từng em sửa động tác. Nhưng với việc học sinh quay lại video, giáo viên có thể xem bài tập của các em ở bất cứ đâu vào bất cứ thời điểm nào và giúp các em sửa động tác.

Nhờ được thầy giáo góp ý kịp thời, học sinh cảm thấy hào hứng hơn với tiết học, chăm chỉ cải thiện động tác, hiệu suất và hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao sức khoẻ thể chất.

“Thể dục thể thao vẫn là nội dung quan trọng trong tiết học của tôi nhưng công nghệ cũng dần đóng vai trò tương tự”, thầy Jon nhận xét.

Ngoài quay video bài tập, thầy giáo sử dụng Otus, nền tảng liên lạc và quản lý dữ liệu trực tuyến do khu học chánh Berwyn North 98 cấp phát miễn phí cho giáo viên để “đại tu” tiết học của mình. Dù nhiều giáo viên đã bỏ qua Otus, thầy Jon nhận định đây là nền tảng công nghệ hay, hữu ích và giúp tăng cường sự kết nối giữa học sinh và giáo viên.

Thầy Jon tập hợp điểm số, thông tin nhân khẩu học của học sinh, dữ liệu kiểm tra, đánh giá của các em qua Otus. Nền tảng cũng giúp lưu trữ video luyện tập thể dục do thầy giáo và học sinh các lớp ghi lại. Mục tiêu chính là theo dõi dữ liệu thể dục, dinh dưỡng và học tập, đồng thời giúp học sinh tìm ra mối liên hệ giữa ba yếu tố này. Từ đó, học sinh ý thức hơn việc rèn luyện sức khoẻ, hoạt động thể chất và chế độ ăn uống.

“Ngoài ra, chúng tôi có thể chia sẻ dữ liệu cho phụ huynh, giáo viên lẫn bác sĩ. Sự phát triển của trẻ em là khác nhau nên chúng tôi muốn có dữ liệu thực tế về sự trưởng thành và tiềm năng của các em”, thầy Jon bày tỏ.

Giáo viên và học sinh thảo luận về các động tác thể dục được ghi hình.

Giáo viên và học sinh thảo luận về các động tác thể dục được ghi hình.

Rào cản khi ứng dụng công nghệ

“Nhìn chung, công nghệ đã định hình lại lớp học Giáo dục thể chất theo hướng tích cực. Trong quá trình này, học sinh cảm thấy yêu thích và nhận thức rõ hơn về các hoạt động thể chất – điều cần thiết để phát triển các thói quen sống lành mạnh”, bà Daniela McVicker bày tỏ.

Các nền tảng tương tự Otus đang trở nên phổ biến trong trường học khi giáo viên tìm cách nắm bắt tâm tư và hiểu học sinh hơn. Hệ thống quản lý dữ liệu giống như “ngôi nhà chung”, nơi giáo viên và học sinh cùng nhau chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập và các vấn đề bên lề khác.

Còn điện thoại thông minh, máy tính bảng là thiết bị giúp ghi hình quá trình luyện tập của học sinh, từ đó, giáo viên sẽ chỉ ra điểm yếu cần khắc phục. Tại Nhật Bản, khi phân phát cho học sinh máy tính bảng để học tập, ngành Giáo dục đã tính đến tận dụng tối đa thiết bị này trong học tập, ngay cả trong tiết Thể dục.

Ông Sakamoto Takayoshi, Trưởng bộ phận Hướng dẫn Giáo dục thuộc Ủy ban Giáo dục Shibuya, Tokyo, cho biết: “Các lớp học có máy tính bảng là chuyện phổ biến tại Shibuya. Máy tính bảng được đưa vào sử dụng trong tất cả các lớp học. Ví dụ, trong giờ thể dục, các em sẽ quay video bài tập của mình, sau đó xem lại và cải thiện động tác”.

Theo chuyên gia giáo dục người Anh, Daniela McVicker, việc ứng dụng công nghệ trong môn Giáo dục thể chất tạo ra trải nghiệm mang tính định hướng cá nhân, thay đổi suy nghĩ của học sinh về môn học này. Ngoài ra, công nghệ giúp học sinh cải thiện sự tự tin, nâng cao kỹ năng và khả năng xây dựng chiến lược.

Đơn cử, giáo viên Thể dục có thể học hỏi các ứng dụng theo dõi chuyển động hoặc dinh dưỡng có sẵn trên điện thoại di động và hướng dẫn học sinh cách sử dụng. Qua những ứng dụng này, học sinh có thể theo dõi thông tin về chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, thời gian hoạt động thể dục... Từ đó, các em sẽ nâng cao nhận thức về việc tự chăm sóc sức khoẻ.

Việc ứng dụng công nghệ trong Giáo dục thể chất là có tiềm năng nhưng chưa thực sự phổ biến. Trở lại với phương pháp của thầy Jon, anh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi sử dụng công nghệ.

Jon là giáo viên Thể dục duy nhất tại trường theo dõi dữ liệu sức khoẻ của học sinh thông qua Otus nên phương pháp này không thể tiếp cận toàn bộ học sinh nhà trường. Vào cuối năm học, anh cũng không thể sử dụng kết quả từ Otus để đánh giá, xếp loại học sinh mà vẫn phải theo các quy định chung của nhà trường và khu học chánh.

Hơn nữa, công nghệ không thể làm chủ Giáo dục thể chất do đặc thù của môn học này cần sự thực hành và tự rèn luyện. Jon sẽ không thể dạy học sinh thế nào là chạy bền nếu chỉ dựa vào những phần mềm hay ứng dụng di động. Anh vẫn phải đặt điện thoại xuống, đứng ra giữa sân và chạy làm mẫu cho học sinh.

Mở rộng ra, việc ứng dụng công nghệ trong Giáo dục thể chất chỉ phù hợp và dễ dàng với những quốc gia hoặc khu vực có điều kiện, nơi học sinh được đầu tư thiết bị học tập tốt nhất hoặc điện thoại di động. Còn những nơi trẻ em đến trường với chiếc bụng rỗng nên việc học tập bằng công nghệ là một điều xa xỉ, chưa bàn đến việc học Thể dục theo phương pháp này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ