Những bất cập cần tháo gỡ
Theo Bộ NN&PTNT, hơn 4 năm qua, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, biến động bất lợi của thị trường, những tác động của hội nhập quốc tế... Dù vậy, chủ trương tái cơ cấu được ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung... Tốc độ tăng GDP đạt bình quân 2,46%/năm; giá trị sản xuất tăng 2,73%/năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hiện năng suất, chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh hạn chế; các địa phương còn chậm đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao; thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo còn cao...
Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm, triển khai thiếu quyết liệt; thậm chí một số địa phương tuy đã phê duyệt đề án, kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp nhưng triển khai còn chậm. Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, môi trường cạnh tranh gay gắt, nhưng công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại của ngành nông nghiệp chưa hiệu quả, trong khi tiềm năng sản xuất trong nước rất lớn.
Hơn thế, một số vướng mắc, bất cập trong cơ chế chính sách về đất đai, thu hút đầu tư xã hội, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác và trang trại... chưa được tháo gỡ kịp thời...
Theo các chuyên gia, hiện việc triển khai tái cơ cấu ở rất nhiều địa phương vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra rằng do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm nông nghiệp chất lượng chưa cao; việc cải tiến hình thức, mẫu mã, xây dựng thương hiệu còn thiếu và yếu; công tác bảo quản, chế biến, chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu bền vững...
Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành
Để kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 đạt kết quả cao, trong trả lời chất vấn Quốc hội gần đây, người đứng đầu Bộ NN&PTNT đã khẳng định, Bộ tiếp tục rà soát quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất từng lĩnh vực và lợi thế từng địa phương.
Trong đó, có phương án ứng phó với biến đổi khí hậu; nắm bắt nhu cầu thị trường trong nước và thế giới để định hướng sản xuất phù hợp. Về cách thức, cơ cấu lại sản phẩm theo 3 nhóm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm vùng, miền.
Trong đó, Bộ sẽ ưu tiên sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Bộ sẽ chú trọng quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn; tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và cùng các địa phương xây dựng thương hiệu nông sản cho một số mặt hàng chủ lực, có thế mạnh... đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan như: Công Thương, Ngoại giao, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, nông dân và địa phương để duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống; đồng thời đẩy mạnh khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu mới.
Để thuận lợi hơn cho tiêu thụ nông sản, Bộ sẽ tăng cường năng lực dự báo, thông tin thị trường trong - ngoài nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế...
Với một loạt động thái tích cực nhằm tạo đột phá trong tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, ngành nông nghiệp đang có bước đi đúng hướng. Để đạt hiệu quả như mong muốn, rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp; tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nhằm mục tiêu vì nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững...