GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Kết thúc bậc phổ thông là dấu mốc quan trọng
Kết thúc bậc phổ thông là một mốc trình độ quan trọng, rất cơ bản để góp phần định hướng công việc tiếp theo cho mỗi người.
Từ điểm gốc này có nhiều lối rẽ khác nhau, nhiều ngả đường, ngành nghề khác nhau, tùy theo sở thích, trình độ, khả năng và điều kiện của mỗi người. Như có người sẽ học tiếp đại học, học nghề, nhưng cũng có người lao động giản đơn …
Thời đại ngày nay, mốc trình độ phổ thông có lẽ cũng là một tiêu chí phổ biến cho việc tuyển dụng của nhiều lọai công việc.
Vì vậy, việc xác nhận trình độ này là cần thiết, phải theo chuẩn chung và được làm nghiêm túc.
Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng công việc thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước. Với nhiều người thì kết quả đào tạo, học lực ở bậc phổ thông cũng thể hiện ở sự đóng góp của họ trong công việc, trong phát triển sự nghiệp của bản thân sau này.
Bậc phổ thông không chỉ cung cấp kiến thức mà còn góp phần hình thành cả đạo đức, văn hóa ứng xử… mà chất lượng dạy phổ thông cần phải có. Đối với nhiều người thì giáo dục phổ thông thường để lại dấu ấn sâu đậm đến tư chất của mỗi người sau này.
Thời điểm này, các địa phương đang công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và dư luận lại quay lại chủ đề không mới: Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt gần đến con số 100%?
Nếu con số 100% là không phản ảnh đúng thực tế thì cần làm thế nào cho phản ảnh được đúng thực tế, chứ không thể vì thế mà lại bỏ kỳ thi.
Bỏ hay không là do yêu cầu, mục tiêu chung của giáo dục ở bậc phổ thông. Nếu thấy việc cần có trình độ phổ thông để đáp ứng nhu cầu của nhiều loại công việc đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì cần có kỳ thi để xác nhận trình độ.
Nhiều nước tiên tiến cũng rất coi trọng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tổ chức long trọng, đánh dấu một bước ngoặc sự trưởng thành của mỗi người, mà với nhiều người sẽ khó có thêm một văn bằng cao hơn về trình độ học vấn khác.
Tôi nghĩ ở bậc học nào cũng cần coi trọng chất lượng đầu ra, trong suốt quá trình học tập cần có sàng lọc qua từng giai đoạn, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là một lần sàng lọc.
Về việc tổ chức thi cử giao cho ai tổ chức thì cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ GD&ĐT cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế mà đề ra những biện pháp tổ chức, quy chế cụ thể và hướng dẫn thực hiện việc này một cách chu đáo, tỉ mỉ cho đơn vị (trường hay địa phương) được giao thực hiện, sao cho đạt được mục tiêu đề ra của kỳ thi và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.
Bộ GD&ĐT sẽ quyết định có đề thi chung cho cả nước hay tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, tùy theo mục tiêu chung và tình hình thực tế.
Nếu chúng ta thấy bằng THPT có giá trị trong toàn quốc, cho việc nhập học các trường ĐH của cả nước thì chất lượng, trình độ của người sở hữu bằng phải đạt đến một trình độ nhất định, đáp ứng chuẩn thống nhất.
Việc tổ chức thi cử là nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước, chúng ta nên tôn trọng quyết định của Bộ GD&ĐT, vì Bộ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những sai phạm nếu có và đáp ứng mục tiêu chung của kết quả của kỳ thi. Quyền quyết định và trách nhiệm phải đi đôi với nhau.
PGS.TS.Nguyễn Văn Hùng: Thi tốt nghiệp để người học hệ thống hóa kiến thức
Cần phải thi tốt nghiệp để người học hệ thống hóa kiến thức; tăng ý thức học tập của học sinh cũng như trách nhiệm của giáo viên trong dạy học để cả thầy và trò đều phải rèn luyện, bỏ công sức lao động để thu được một kết quả nhất định - kiến thức phổ thông.
Đặc biệt, khi các trường ĐH được giao quyền tự chủ trong tuyển sinh, chính kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là một tiêu chí quan trọng để các trường ĐH, CĐ căn cứ vào đó xét tuyển sinh viên vào trường.
Tuy nhiên, đến thời điểm đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo tổ chức nghiêm túc để có kết quả khách quan, trung thực. Khi đó, có thể việc giám sát kỳ thi không chỉ giáo viên phổ thông mà có sự tham gia của cả giảng viên ĐH, điều này giúp kỳ thi khách quan hơn, kỷ cương hơn...
Thêm một yếu tố quan trọng nữa là đề thi. Đề thi phải đáp ứng được sức học cũng như kiến thức cơ bản nhất của học sinh phổ thông, giúp các em đạt điều kiện có chứng chỉ tốt nghiệp; đồng thời có tính phân loại cao để phục vụ việc tuyển chọn vào ĐH, CĐ.
Cụ thể, đề thi nên đạt được dải điểm 7 cho những học sinh nắm được kiến thức cơ bản, có học lực trung bình khá và trên 7 điểm cho những học sinh khá, giỏi. Dựa vào dải điểm này, từng trường sẽ có cách lựa chọn phù hợp, xét tuyển học sinh vào trường.