Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển |
Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về kết quả ban đầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
Nếu đánh giá thành quả từ thành công kỳ thi năm nay, tôi cho rằng có hai thắng lợi lớn. Thứ nhất là các ngành, các cấp từ T.Ư đến địa phương đã tích cực ủng hộ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để kỳ thi quốc gia diễn ra tốt đẹp. Thứ hai, đó là công tác đổi mới ra đề thi năm nay
Cho đến thời điểm này có thể khẳng định rằng về cơ bản kỳ thi đã diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và được xã hội đồng tình, ủng hộ;
Thành quả thứ nhất thành công của kỳ thi năm nay là các ngành, các cấp từ T.Ư đến địa phương đã tích cực ủng hộ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để kỳ thi quốc gia diễn ra tốt đẹp.
Các địa phương cũng đã chủ động trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất và những điều kiện đảm bảo cho kỳ thi được an toàn. Các nhà trường cũng đã thực hiện tốt các công tác kết thúc nhiệm vụ năm học để cho học sinh có đủ kiến thức kỹ năng trước kỳ thi.
Bộ GD&ĐT đã có những hội thảo để xác định những yêu cầu của đổi mới. Đồng thời sớm có những văn bản chỉ đạo kịp thời cũng như có những văn bản về đổi mới quy chế thi, cải tiến phần mềm quản lý thi đáp ứng với những đổi mới thi năm nay.
Thành quả thứ hai đó là công tác đổi mới ra đề thi năm nay; Bộ GD&ĐT tiếp tục cụ thể hóa tinh thần đổi mới theo định hướng đánh giá năng lực của học sinh trong quá trình học.
Ngay từ đầu năm Bộ GD&ĐT đã sớm chỉ đạo thực hiện tiếp tục đổi mới thi, kiểm tra đánh giá nói chung và thi tốt nghiệp nói riêng. Trong giai đoạn chuẩn bị thi, các nhà trường đã tích cực tổ chức cho học sinh ôn tập để đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi.
Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về công tác đổi mới ra đề thi như thế nào, nhất là môn Văn, Ngoại ngữ?
Không riêng hai môn Ngữ Văn và Ngoại ngữ mà công tác đổi mới ra đề thi năm nay đã được áp dụng cho tất cả các môn thi. Cụ thể là các câu hỏi trong đề thi các môn đều hướng tới đánh giá năng lực giải quyết các vấn đề trong thực tế đời sống, kỹ năng thực hành của học sinh.
Bộ đã chỉ đạo xây dựng ma trận đề để đề thi vừa phản ánh được yêu cầu kiến thức, trình độ cơ bản của học sinh tốt nghiệp trình độ THPT; Đồng thời có những phần vận dụng tư duy ở mức độ cao hơn, có tác dụng phân hóa, động viên những học sinh có nhiều nỗ lực, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện nghiêm túc ở bậc học phổ thông;
Kết quả thi như năm nay cũng nhằm để các trường CĐ-ĐH có thể sử dụng làm một trong những căn cứ thực hiện tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh riêng của trường đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đổi mới rõ nét nhất trong ra đề thi là các môn khoa học xã hội: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Đề thi các môn này đã gắn với thực tiễn đời sống chính trị - xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn.
Phần Đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn đã sử dụng ngữ liệu ngoài SGK để đánh giá thực chất năng lực Tiếng Việt của học sinh. Bên cạnh Ngữ văn, đề thi các môn Lịch sử và Địa lí có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo, cập nhật những vấn đề thời sự đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm; Có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân;
Đồng thời phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động, sáng tạo của thí sinh. Cách làm như thế đã nhận được sự phản hồi tích cực từ giáo viên, học sinh và dư luận xã hội.
Tiếp sau kỳ thi, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn như thế nào trong công tác chấm thi, thưa Thứ trưởng?
Rõ ràng là đề mở phải có những hướng dẫn chấm mở. Chấm mở ở đây có nghĩa là không yêu cầu trong cùng một đề học sinh phải có những đáp án bài làm giống nhau.
Các em có thể trình bày những đáp án đa dạng, khác nhau sao cho đáp ứng được yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng trong quá trình học để giải quyết vấn đề của bài thi nêu ra một cách hợp lý, sao cho không có những sai sót về phẩm chất, chuẩn mực đạo đức xã hội, không vi phạm pháp luật thì đều được đánh giá, chấm thi một cách công bằng.
Đi đôi với công tác chấm thi là công tác thanh tra chấm thi. Công tác này sẽ tập trung vào hai khía cạnh sau: Thứ nhất là thanh tra việc thực hiện chấm thi đúng quy chế và tinh thần trách nhiệm trong chấm thi của Sở GD&ĐT các địa phương, của các hội đồng chấm thi;
Thứ hai là sẽ có bộ phận đánh giá, bám sát những cách thức chấm điểm như thế nào cho phù hợp với những yêu cầu của đề thi năm nay đáp ứng mục tiêu đánh giá đúng trình độ, năng lực học tập của học sinh.
Theo Thứ trưởng, năm nay sự giám sát của xã hội đối với kỳ thi như thế nào?
Khi xây dựng quy chế tổ chức thi tốt nghiệp năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục đưa vào đây tinh thần cầu thị, tiếp thu những thông tin phản hồi nhiều chiều, khuyến khích sự giám sát của các lực lượng xã hội đối với quá trình tổ chức thi của các cấp từ T.Ư tới các địa phương.
Tuy nhiên, cho đến nay, luồng thông tin như thế này trong kỳ thi không nhiều. Bộ đã tiếp nhận được nhiều thông tin qua đường dây nóng và nhiều địa chỉ khác nhau. Chủ yếu là các thông tin hỏi về những giải đáp, hướng dẫn xử lý kịp thời những vấn đề trong công tác tổ chức thi. Còn những vấn đề phản ánh về tiêu cực trong thi cử là không có nhiều và không rõ ràng.
Tôi phải nhấn mạnh rằng năm nay kỷ cương trường thi, kỷ luật phòng thi tiếp tục được các HĐCT và các lực lượng làm công tác coi thi chú trọng thực hiện nghiêm cẩn; Ý thức chấp hành quy chế của thí sinh và cán bộ coi thi tiếp tục được nâng cao, có nhiều tiến bộ, các trường hợp vi phạm quy chế của thí sinh được phát hiện và xử lý kịp thời.
Trên phạm vi toàn quốc, tổng số có 11 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi, trong đó 10 thí sinh hệ GDTX và 1 thí sinh hệ THPT. Cả nước không có giám thị bị đình chỉ làm công tác thi.
Việc trực thi và việc thực hiện chế độ báo cáo, theo nhận định của Bộ GD&ĐT có tiến bộ trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo cập nhật thường xuyên, đầy đủ thông tin, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, tổ chức thi.