Điểm sáng của trường học gắn với thực tiễn
Trong những năm học gần đây, mô hình trường học gắn với thực tiễn được triển khai rộng khắp và có chiều sâu chất lượng hơn, tạo sức lan tỏa lớn và góp phần quan trọng trong việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT Lào Cai.
Theo ông Nguyễn Anh Ninh – Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai: Nhận thấy đây là một trong những mô hình dạy học tích cực, có thể phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh đặc thù của nhà trường, của địa phương; phát huy hiệu quả nguyên lý “học đi đôi với hành” và góp phần quan trọng trong công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh; bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo triển khai việc xây dựng mô hình trong các nhà trường.
Qua 4 năm thực hiện, trường học gắn với thực tiễn đã trở thành mô hình trường học đặc thù của giáo dục Lào Cai, được Bộ GD&ĐT đánh giá cao và một số tỉnh đến khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm.
Mô hình Câu lạc bộ thổ cẩm gắn với du lịch của trường học xã Tả Van (Lào Cai) |
Từ chỉ đạo đồng bộ của Sở GD&ĐT, nhiều mô hình đã được các cơ sở giáo dục lựa chọn; trong đó, tập trung vào các nhóm: Mô hình trường học đa văn hóa; mô hình trường học gắn với sản xuất nông nghiệp; mô hình trường học gắn với kinh doanh; mô hình trường học gắn với du lịch...
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được từ mô hình trường học gắn với thực tiễn của Lào Cai không chỉ phổ biến trong phạm vi một đơn vị mà lan tỏa rộng khắp toàn ngành; tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong bối cảnh hiện nay.
Chuyển biến mạnh mẽ từ đổi mới sáng tạo
Ông Võ Văn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Quảng Trị - cho biết: Năm học 2017 – 2018, ngành GD-ĐT Quảng Trị tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV và Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; năm học chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Với sự quyết tâm cao của toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực.
Ghi nhận nhiều nhiệm vụ, hướng đi của ngành GD-ĐT Quảng Trị, trước hết phải kể tới vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Công tác quy hoạch, rà soát, tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ đã được thực hiện đúng quy định.
Khuôn viên khang trang tại Trường Mầm non xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) |
Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục được triển khai và tạo ra bước đột phá trong dạy và học. Sở đã triển khai xây dựng được cổng thông tin điện tử liên thông toàn ngành đi vào hoạt động hiệu quả. Tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng tập huấn ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp dạy học, quản lý, chương trình ứng dụng CNTT cho cán bộ và giáo viên trong toàn ngành…
Cơ sở hạ tầng về CNTT đã được quan tâm đầu tư. Hiện 100% trường THPT, cấp THCS THPT mỗi trường có từ 1 -3 phòng máy với 25 - 80 máy được nối mạng Lan và kết nối Internet ADSL, cáp quang; các Phòng GD&ĐT, các trường THCS đều có phòng máy và kết nối Internet; 25-35% trường TH có phòng máy phục vụ dạy học từ 20 - 30 máy…
Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn ngành đã tác động tích cực đến quá trình đổi mới phương pháp dạy học và quản lý giáo dục, tạo tiền đề phát triển mô hình trường học thông minh và triển khai lộ trình đổi mới GDPT…
Ngành Giáo dục địa phương, các đơn vị, trường học đã và đang tích cực thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Từ sự triển khai hiệu quả đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo nên nhận thức, hành động với quyết tâm cao trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.