Nhiều nhóm ngành truyền thống vẫn thiếu sức hút với thí sinh

GD&TĐ - Nhiều nhóm ngành truyền thống ‘khát’ nhân lực nhưng vẫn thiếu sức hút đối với thí sinh.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hải Dương.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hải Dương.

Cần định hướng nghề nghiệp cho thí sinh

Theo dõi công tác tuyển sinh trong 3 - 5 năm qua, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhận thấy, các lĩnh vực hiện thu hút sự quan tâm của thí sinh, có số thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học cao nhất bao gồm: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin.

Tiếp đến là các lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe, Khoa học Xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục. Đây đều là những nhóm ngành quan trọng với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và bắt kịp xu hướng phát triển nói chung.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy có những nhóm ngành đang thiếu sức hút với thí sinh. Điều này được thể hiện ở số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học khá thấp so với tổng chỉ tiêu các trường đặt ra.

Đơn cử như các nhóm ngành, lĩnh vực về Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. “Chúng tôi thấy khá lo ngại về vấn đề này” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trăn trở.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cho hay, 4 nhóm ngành trên có nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, nhiều khi thí sinh chưa nhận thức đầy đủ và chưa có định hướng đúng đắn về những ngành nghề này. Một số em do chạy theo trào lưu, hoặc do cảm nhận của bản thân về ngành nghề này khó, vất vả.

Trong khi đó, các nhóm ngành nêu trên đều là những lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Sinh viên tốt nghiệp ra trường, có nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chờ đợi và sẵn sàng tuyển dụng.

Do vậy, cần nhấn mạnh trong công tác truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh để các em nhìn nhận đầy đủ hơn về các ngành nghề truyền thống.

Nhiều cơ sở đào tạo "tiếp thị" đến thí sinh ngay sau khi các em bước ra trường thi - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Nhiều cơ sở đào tạo "tiếp thị" đến thí sinh ngay sau khi các em bước ra trường thi - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Nhiều ngành không đủ số lượng cho doanh nghiệp tuyển dụng

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc tuyển sinh tốt hay chưa tốt, còn phụ thuộc vào cơ sở đào tạo, không chỉ ở ngành nghề. Có những cơ sở đào tạo tuyển sinh yếu hơn so với cơ sở khác do một số nguyên nhân như: chưa khẳng định được chất lượng đào tạo với xã hội nên chưa hấp dẫn thí sinh; do vị trí địa lý (các trường ở địa phương, ở những vùng địa lý khó khăn sẽ gặp khó hơn trong tuyển sinh)

Bên cạnh đó, có sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo nhằm thu hút những thí sinh giỏi nhất. Các trường đưa ra những chính sách trong tuyển sinh, đào tạo như: cơ chế học bổng…

Ngoài ra, một số ngành thiếu sự hấp dẫn về cơ hội việc làm cũng sẽ tuyển sinh kém. “Vấn đề này cần sự hỗ trợ của rất nhiều Bộ ngành, các địa phương cùng chung tay giải quyết mới có thể đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho sự phát triển kinh tế xã hội” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy bày tỏ.

Nhiều năm làm tuyển sinh, PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận thấy, những ngành nghề liên quan đến “công nghệ 4.0” nổi lên như: Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Điện tử… Tuy nhiên, những ngành này không phải nổi lên giống như một “trào lưu, mốt mới” mà là từ nhu cầu của thực tiễn.

“Khi lựa chọn ngành để theo học, thí sinh không nhất thiết phải căn cứ vào ngành đó “hot” hay “không hot”. Các em phải xem bản thân có phù hợp hay không. Trong xu hướng công nghệ 4.0, tất cả lĩnh vực đều có xu hướng liên quan đến công nghệ thông tin, không nên bóc tách riêng ra” - PGS.TS Phạm Văn Bổng tư vấn.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, tâm lý của thí sinh có vẻ không thích một số ngành, lĩnh vực nên các em ít lựa chọn theo học. Song những ngày này nhu cầu xã hội vẫn cần.

“Ngay ở trường chúng tôi, trước đây có những ngành mà doanh nghiệp chờ đợi để tuyển dụng sinh viên, nhưng cũng không đủ số lượng cho họ tuyển dụng” - PGS.TS Phạm Văn Bổng cho hay.

Nhắn nhủ với thí sinh, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, có những ngành có bề dày truyền thống, vẫn đang đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước. Cơ hội việc làm không chỉ là cơ hội ngắn hạn, mà nó còn là cả một chặng đường phát triển lâu dài.

Bản thân thí sinh cần xem mình đam mê, yêu thích ngành nào, trên cơ sở đó trang bị thêm kiến thức về chuyên môn. Khi các em trở thành chuyên gia giỏi trong bất cứ lĩnh vực nào, chắc chắn các em sẽ được trọng dụng và có được vị trí, việc làm thoả mãn đam mê, cũng như đáp ứng nhu cầu về vật chất.

Thí sinh cần ghi nhớ một số điều khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Cụ thể: Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm trước. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng và được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình tượng rắn năm Ất Tỵ 2025 được họa sĩ vẽ theo biểu tượng vô cực.

Tranh 12 con giáp rộn ràng trên giấy dó

GD&TĐ - Bộ tranh 12 con giáp trên giấy dó truyền thống được họa sĩ thực hiện trong 12 năm, tạo thành một chuỗi tác phẩm thể hiện khái niệm về sự trường tồn và luân chuyển.