Nhiều ngành 'hot' tại trường nghề: Doanh nghiệp đặt hàng sinh viên

GD&TĐ - Hiện nay, nhiều thí sinh lựa chọn học nghề bởi các ngành “hot” đang được doanh nghiệp đặt hàng, sinh viên ra trường đi làm ngay, có thu nhập tốt.

Sinh viên được tiếp cận các quá trình thiết kế mô phỏng tại Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội.
Sinh viên được tiếp cận các quá trình thiết kế mô phỏng tại Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội.

Chọn nghề chọn trường phù hợp

Trong vài năm trở lại đây, xu hướng chọn trường nghề đang được giới trẻ nhìn nhận và thay đổi để bắt kịp với những đổi mới của nền kinh tế trong nước và trên thế giới. Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Mỹ Linh học sinh lớp 12 tại Ba Vì, Hà Nội dành thời gian rảnh để tìm hiểu nghề làm đẹp. Được đánh giá học lực khá, nữ sinh lớp 12 không thích học đại học mà muốn học nghề và đi làm sớm.

Từ lớp 11, Linh đã bắt đầu nghĩ đến việc không vào đại học vì thấy chị gái tốt nghiệp cử nhân bằng giỏi ngành Tâm lý học, nhưng cất bằng về làm công nhân trong khu công nghiệp. Linh càng có động lực theo đuổi ước mơ của mình khi cảm thấy yêu thích trang điểm.

“Em chứng kiến nhiều anh chị học chuyên ngành không phù hợp, không đúng sở thích, vỡ mộng, phải về quê xin làm công nhân tại khu công nghiệp kiếm tiền trang trải qua ngày. Vì vậy, em muốn đi học nghề”, Linh nói.

Còn Hoàng Nhữ Phong, sinh viên nghề công nghệ thông tin lựa chọn cho mình lối đi từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nam sinh cân nhắc những ưu điểm, nhược điểm giữa việc học đại học và học nghề, xác định được đam mê của mình từ sớm nên khẳng định đã đi đúng hướng.

“Thời điểm trước em thi tốt nghiệp, số điểm của em đủ sức để đỗ vào những trường đại học có đào tạo ngành em đang học. Tuy nhiên, học cao đẳng chi phí thấp hơn, thời gian đào tạo ngắn, chúng em sẽ được thực hành nhiều nên ra trường có thể đi làm luôn. Gia đình rất ủng hộ quyết định này.

Em cảm thấy hài lòng với ngành học và trường học hiện tại. Em tin rằng, nếu bản thân tiếp tục nỗ lực sẽ nhanh chóng gặt hái được thành công”, Phong nói.

Bà Hoàng Thị Loan, Trung tâm Hướng nghiệp Eco đánh giá, qua công tác tuyển sinh nhiều năm, quan điểm chỉ những bạn học sinh học kém, không đỗ đại học mới chọn trường nghề không còn đúng trong bối cảnh hiện nay.

Có những bạn tham gia thi tốt nghiệp THPT rất cao, đủ điều kiện học trường đại học tốp trên, nhưng vẫn chọn học cao đẳng bởi nhiều lí do: Rút ngắn thời gian học tập, chi phí được Nhà nước hỗ trợ, cơ hội việc làm rộng mở sau khi tốt nghiệp...

“Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ với các thí sinh học trường nghề. Quan trọng nhất là sự đánh giá, ghi nhận của doanh nghiệp về chất lượng đào tạo của các trường cao đẳng hiện nay. Minh chứng rõ nhất là sinh viên đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, có vị trí, cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường”, bà Loan chia sẻ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Doanh nghiệp “khát” nhân lực

Theo các chuyên gia, hiện nay, các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ chú trọng hợp tác với doanh nghiệp theo hình thức tiếp nhận học viên đến thực tập cuối khóa. Điều này thực tế không mang lại nhiều hiệu quả, đồng thời chưa đáp ứng được khả năng, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo địa chỉ, theo các chuyên gia, các trường, cơ sở giáo dục cần thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến trường chia sẻ nghề nghiệp; kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa ở các doanh nghiệp liên kết. Đi liền với việc đặt hàng của các doanh nghiệp, thời gian tới, giáo dục nghề nghiệp cần đặt hàng đào tạo ra lực lượng trẻ, có kỹ năng để đáp ứng yêu cầu hợp tác của doanh nghiệp.

Để làm được điều này, các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nắm bắt được xu hướng dự báo về các ngành nghề “khát” nguồn nhân lực, nghề chất lượng tại các doanh nghiệp để có kế hoạch hợp tác hiệu quả. Theo dự báo, các ngành nghề thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, cơ khí, cơ khí giao thông, điện tử, quản lý dự án, xây dựng công nghiệp, môi trường, nông nghiệp… vẫn đang rất cần nguồn lao động chất lượng cao.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đồng Trung Chính, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội cho rằng, học nghề đang là xu hướng hiện nay. Phụ huynh, học sinh đã nhận thức đúng hơn về bản chất, mục đích của việc học nghề. Khi tìm hiểu về trường nghề, họ đã có định hướng công việc tương lai cho con em mình.

Ông Chính phân tích, học nghề sinh viên sẽ được làm việc, thực hành nhiều, sau khi ra trường không phải mất thời gian làm quen với nghề. Nếu như sinh viên lựa chọn học liên thông lên đại học có thể vừa học vừa làm. Bên cạnh đó, học nghề sớm sẽ giúp sinh viên có thể vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo được tay nghề bước vào ngưỡng cửa cuộc sống.

Ông Chính cũng chia sẻ thêm, hiện nay, nhiều ngành “hot” đang thiếu nhân lực như điện tử, may mặc… được học sinh lựa chọn đăng ký rất nhiều tại trường. Thậm chí, có những doanh nghiệp “khát” nhân lực phải đặt hàng sinh viên ngay từ đầu vào. Nhà trường đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để được tài trợ chi phí đào tạo giúp cho sinh viên được trực tiếp trải nghiệm, thực hành ở nhà máy, sau khi ra trường được nhận vào làm và trả mức lương cao.

“Có rất nhiều sinh viên đạt điểm cao có thể đỗ đại học nhưng vẫn lựa chọn nghề. Thậm chí sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng quay lại học nghề bởi nhìn thấy ưu điểm của đào tạo nghề mang lại.

Các ngành thế mạnh của trường như: điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí... đều tạo cơ hội việc làm rộng mở.

Hiện tại, trường nghề liên kết với rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau, các em được tạo cơ hội tham quan, học tập, thực tập trực tiếp, giúp tích lũy kiến thức, nâng cao tay nghề. Sau khi tốt nghiệp được nhận vào các doanh nghiệp, rất nhiều sinh viên thành công từ trường nghề”, ông Chính chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong một trường nội trú dành cho trẻ mới biết đi tại Lesotho.

Trường nội trú cho trẻ mới biết đi

GD&TĐ - Ở Lesotho, quốc gia miền Nam châu Phi, không khó để bắt gặp những khu nhà nhỏ với khoảng 10 đứa trẻ mặc đồng phục học sinh chạy chơi trong sân.

Ảnh: Quốc Bình

Bánh cuốn Thanh Trì

GD&TĐ - Cuối mỗi tuần, lòng nó lại thầm vui. Không phải vì chuyện được xả hơi sau những ngày học hành lu bù mà vì được thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì.

Ảnh minh họa.

Những vần thơ tự hát trái tim yêu

GD&TĐ - Sự nhạy cảm của một trái tim trước mọi lẽ cuộc đời đã thôi thúc Xuân Quỳnh đến với con đường làm thơ và hoạt động văn học.