Trong quá trình phối hợp đào tạo, thực tập, giới thiệu việc làm cho người học, các nhà trường cũng đề nghị doanh nghiệp bảo đảm chế độ lương, ăn ở, phòng dịch. Qua đó, một mặt tạo sự yên tâm cho sinh viên, học viên, vừa tạo nguồn nhân lực lâu dài, chất lượng cho doanh nghiệp.
Việc làm tại chỗ cho sinh viên, học viên
Cuối tháng 2, lãnh đạo Công ty TNHH Luxshare-ICT (Khu công nghiệp VSIP, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có buổi làm việc với Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế Đông Nam và 9 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn để bàn giải pháp bổ sung nhân lực. Công ty này hiện có 2 nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử với 7.000 công nhân làm việc. Sau Tết Nguyên đán, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều công nhân chưa thể quay trở lại làm việc. Thực tế này khiến doanh nghiệp cần bổ sung số lượng lớn lao động để thực hiện các đơn hàng đã ký kết.
Theo đó, công ty có nhu cầu tuyển dụng từ 800 - 1.000 lao động. Tuy nhiên, việc tuyển dụng không dễ dàng bởi doanh nghiệp yêu cầu lao động có trình độ, qua đào tạo các chuyên ngành điều khiển, tự động hóa... đáp ứng sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía địa phương và đặc biệt là các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng trên địa bàn.
Thầy Hồ Văn Đàm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, cho biết: Nhà trường đang kết nối cung ứng lao động cho 52 doanh nghiệp trên cả nước. Mức thu nhập cho thực tập sinh và sinh viên tốt nghiệp dao động từ 5 - 8 triệu đồng/tháng. Nhưng phần lớn doanh nghiệp nằm ở ngoại tỉnh như Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên... Vì thế, có sự kết nối với doanh nghiệp trong tỉnh sẽ tạo thuận lợi cho nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm, mặt khác hỗ trợ cho người học. Các em không cần phải đi làm việc ngoại tỉnh mà vẫn bảo đảm mức thu nhập tương đương và các cơ hội phát triển nghề nghiệp khác.
“Lâu nay, nhà trường chủ trương tăng cường gắn kết, hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, giới thiệu thực tập và việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Sự phối hợp này giúp cho sinh viên, học lý thuyết, vừa thực hành nghề nghiệp cơ bản tại trường, vừa có cơ hội hoàn thiện kỹ năng và tác phong làm việc tại doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, công tác đào tạo kép đã cho kết quả tốt, nâng cao tay nghề, chất lượng người học. Các em sau khi tốt nghiệp có thể vào làm ngay trong doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất”, thầy Hồ Văn Đàm nói.
Bảo đảm quyền lợi, chế độ và an toàn lao động
Đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu lao động đang được các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề tại Nghệ An triển khai nhiều năm qua. Vì vậy, đại diện các cơ sở đào tạo nhân lực khẳng định sẵn sàng bố trí sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và Việc làm sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh - thông tin: Hàng năm, nhà trường giới thiệu sinh viên đến rất nhiều doanh nghiệp trong nước thực tập, làm việc. Ngoài ra còn có chương trình hợp tác, trao đổi sinh viên ra nước ngoài, hoặc giới thiệu xuất khẩu lao động diện kỹ sư. Thực tế, điều sinh viên quan tâm và bản thân nhà trường đề nghị là trước đó, doanh nghiệp phải làm rõ mức thu nhập, các chế độ phụ cấp cho lao động. Bên cạnh đó, vấn đề chỗ ăn, ở, công tác phòng, chống dịch cũng như an toàn lao động.
“Nhiều sinh viên của chúng tôi đang thực tập ở một số doanh nghiệp phía Bắc phải tự bỏ kinh phí test Covid-19. Số tiền các em bỏ ra khá lớn khi test liên tục để vào làm việc. Chúng tôi cho rằng, trong thời điểm này, để sinh viên yên tâm làm việc, thực tập, phía công ty nên chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm, điều trị F0 nếu có. Sau đó có thể tính toán và khấu trừ vào lương thực tập”, thầy Nguyễn Anh Tuấn nêu ví dụ.
Về chế độ của thực tập sinh, đại diện Công ty TNHH Luxshare-ICT chia sẻ: Khi vào làm việc tại công ty, các chế độ của thực tập sinh sẽ không có sự khác biệt so với công nhân hiện đang làm việc. Do đó, mức thu nhập của các em sẽ từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Cụ thể, thực tập sinh được trả lương cơ bản 3,9 triệu đồng/tháng, tính tiền làm thêm giờ theo quy định của Luật Lao động. Đồng thời hỗ trợ tiền ăn trưa, chỗ ở, các chế độ bảo hiểm và phụ cấp thâm niên nếu làm việc từ tháng thứ 3 trở lên.
Các chế độ, quyền lợi của lao động sẽ được ký cam kết hoặc thỏa thuận cụ thể với nhà trường để thông báo đến từng sinh viên, học viên. Doanh nghiệp cũng chi trả chế độ cho một quản lý kèm theo của nhà trường để kịp thời phối hợp, xử lý các vấn đề phát sinh đối với thực tập sinh làm việc tại nhà máy.
“Công ty cam kết bảo đảm công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ thực tập sinh không may mắc Covid-19. Chúng tôi cũng tiếp nhận thực tập với cả lưu học sinh Lào với các chế độ quyền lợi như thực tập sinh Việt Nam. Đối với học sinh các trường trung cấp nghề từ 15 - 17 tuổi, công ty sẽ có phương án tiếp nhận và bố trí làm việc phù hợp Luật Lao động. Ví dụ chỉ làm việc ban ngày, không tăng ca”, đại diện Công ty TNHH Luxshare-ICT khẳng định.
Nhu cầu tuyển dụng của các khu công nghiệp trên địa bàn đầu năm 2022 tăng cao. Đặc biệt là trong bối cảnh doanh nghiệp nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, rất cần nhân sự có trình độ, qua đào tạo. Ông Lê Tiến Trị - Trưởng BQL Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đề nghị doanh nghiệp, công ty phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn cần thống nhất một cách cụ thể các vấn đề liên quan đến tuyển dụng nhân lực.
Cụ thể như lựa chọn, phân bổ sinh viên phù hợp với lĩnh vực đào tạo và công việc thực tế. Chế độ tiền lương, phụ cấp, công tác phòng, chống dịch Covid-19... khi đến nhà máy thực tập. Đồng thời trao đổi rõ ràng về công tác đào tạo để thực tập sinh đáp ứng yêu cầu lao động sản xuất cũng như bảo đảm nguồn nhân lực lâu dài cho doanh nghiệp.