Nhiều ngành của Học viện Quản lý giáo dục thu hút thí sinh

GD&TĐ - Năm 2024, Học viện Quản lý giáo dục tuyển 720 chỉ tiêu cho 6 ngành. Định hướng đào tạo của Học viện có nhiều điểm mới, thu hút thí sinh quan tâm.

TS Cao Xuân Liễu tư vấn xét tuyển cho thí sinh.
TS Cao Xuân Liễu tư vấn xét tuyển cho thí sinh.

Với 3 phương thức: tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 và xét tuyển học bạ THPT, năm nay, Học viện Quản lý giáo dục tuyển sinh cho 6 ngành đào tạo, gồm: Quản lý giáo dục, Tâm lý học giáo dục, Kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Quản trị văn phòng và Giáo dục học.

Năm nay, Học viện tiếp tục tuyển sinh ngành Quản trị văn phòng. TS Cao Xuân Liễu, Phó trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cho hay, đây là ngành có nhiều tiềm năng, cơ hội việc làm rộng mở, với thị trường là hàng chục nghìn doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Nhà nước.

“Bất kỳ đơn vị nào cũng cần người làm công tác văn phòng được đào tạo bài bản, chuyên môn hóa để chuyên nghiệp hóa” - TS Cao Xuân Liễu nhìn nhận và cho biết, Học viện đã xây dựng chương trình đào tạo Quản trị văn phòng nhằm đáp ứng nhu cầu của thí sinh và thị trường lao động

Ngành Quản trị văn phòng được thiết kế 133 tín chỉ, đào tạo trong 4 năm. Tuy nhiên, với việc thiết kế chương trình linh hoạt, mở nên sinh viên có thể rút ngắn thời gian đào tạo. Theo đó, các em có thể học từ 3 - 3,5 năm là có thể tốt nghiệp, đi làm.

Một trong những thế mạnh và có bề dày truyền thống của Học viện Quản lý giáo dục là đào tạo ngành Quản lý giáo dục. PGS.TS Phạm Văn Thuần - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho hay, đây là ngành không mới, được Học viện đào tạo từ bậc cử nhân đến thạc sĩ và tiến sĩ.

Riêng với trình độ đại học, Học viện thiết kế chương trình đào tạo theo hướng định hướng nghề nghiệp. Chương trình trình xuất phát từ nhu cầu thực tiến, với các vị trí việc làm theo quy định của Bộ GD&ĐT ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông như: chuyên viên phòng đào tạo, quản trị văn phòng, văn thư, vị trí hỗ trợ công tác quản trị của nhà trường và các hệ thống giáo dục.

Hocvienquanlygiaoduc.jpg2.jpg
Lãnh đạo Học viện Quản lý Giáo dục và các cán bộ, giảng viên tham gia tư vấn xét tuyển cho thí sinh.

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Thuần, từ năm 2024, Học viện Quản lý giáo dục sẽ định hướng thiết kế ngành quản trị trường học; đo lường và đánh giá trong giáo dục. Trong bối cảnh chuyển đổi số, rất cần những chuyên viên, nhân viên quản lý để vận hành trường học bài bản, khoa học và chuyên nghiệp.

Đối với đo lường và đánh giá trong giáo dục, đây là vị trí quan trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta phải đảm bảo chất lượng và triển khai các hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục.

Theo đó, các cơ quan quản lý giáo dục như: Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục và đào tạo rất cần những nhân sự này để đánh giá, đo lường kết quả học tập của người học.

Đối với đo lường và đánh giá, có 2 hướng chính: đo lường được kết quả, rồi mới triển khai các hoạt động đánh giá. Vì thế, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các phòng kiểm định chất lượng của các trường đại học, các trung tâm kiểm định chất lượng. Tới đây, có thể sẽ có trung tâm kiểm định độc lập các trường phổ thông.

Đo lường và đánh giá cũng có phần quan trọng là đảm bảo chất lượng. Muốn triển khai nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo thì phải đảm bảo chất lượng. Khi thực hiện tốt đảm bảo chất lượng thì sẽ hiện kiểm định chất lượng.

Khi sinh viên học đo lường và đánh giá tại Học viện Quản lý giáo dục sẽ được học tập toàn bộ những nội dung trên, để ra trường có thể “bắt tay” ngay vào công việc. Song song với đó, Học viện triển khai các chương trình hợp tác quốc tế. Học viện luôn luôn chào đón sinh viên có thiên hướng vừa học tập ở Việt Nam và vừa học ở nước ngoài. Đây là xu thế được nhiều thí sinh lựa chọn.

phamvanthuan.jpg
PGS.TS Phạm Văn Thuần.

Từ năm thứ 2 trở đi, sinh viên Học viện Quản lý giáo dục có thể đăng ký học cùng lúc 2 chương trình đào tạo. PGS.TS Phạm Văn Thuần viện dẫn, sinh viên học về quản lý giáo dục, nếu muốn có thêm về năng lực ngoại ngữ thì có thể đăng ký học ngôn ngữ Anh. Khi đó, các em vừa giỏi chuyên ngành quản lý giáo dục, vừa tốt về năng lực tiếng Anh và ngược lại.

Riêng với ngành Ngôn ngữ Anh, PGS.TS Phạm Văn Thuần cho hay, ngoài việc việc được đào tạo về năng lực tiếng Anh, sinh viên còn được học một số học phần liên quan đến quản lý giáo dục, quản trị trường học. Với thế mạnh này, sau khi ra trường, sinh viên có thể làm phiên dịch, biên dịch… hoặc các vị trí liên quan đến quản lý, quản trị cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ