Nhiều mô hình phát triển kinh tế giúp dân xã vùng khó thoát nghèo

GD&TĐ - Chính quyền xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) đã, đang tìm lối thoát nghèo cho dân bằng nhiều dự án, mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng.

Người dân xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) nhận giống cây lá giang từ doanh nghiệp cung cấp. (Ảnh: Văn Tùng)
Người dân xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) nhận giống cây lá giang từ doanh nghiệp cung cấp. (Ảnh: Văn Tùng)

Xã Mường Lý là địa phương đang còn có khăn, thiếu thốn nhất ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa). Đời sống kinh tế, trình độ dân trí còn thấp, địa hình phức tạp, thổ nhưỡng khô cằn, khí hậu khắc nghiệt... nên việc phát triển kinh tế của người dân ở đây gặp nhiều trở ngại.

Địa phương khó khăn nhất huyện

Xã Mường Lý, huyện Mường Lát hiện có 1.036 hộ, với 5.548 nhân khẩu, được chia thành 15 bản. Trong đó, có 10 bản người đồng bào dân tộc H’Mông, còn lại 5 bản là người Thái, Mường và một số ít người dân tộc khác.

Ông Quách Văn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết, hiện tại địa phương đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu so với các xã khác ở Mường Lát, thì Mường Lý là địa phương thuộc diện khó khăn nhất. Bởi lẽ, đây là vùng đất có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn.

Do đó, nhiều loại cây trồng ở đây không phát triển hoặc có phát triển thì rất chậm do đất pha cát, thiếu thốn nguồn nước tưới. Còn ở trên các sườn đồi lại có độ dốc cao, cây rừng tự nhiên không còn nhiều, nên khó giữ độ ẩm...Vì thế, người dân Mường Lý có muốn phát triển kinh tế, thay đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng cũng không phải là điều dễ dàng.

Do đặc điểm thổ nhưỡng của vùng này là đất pha cát, khô cằn, thiếu nước tưới, nên năng suất cây lương thực có hạt hàng năm rất hạn chế. Nghề chính của bà con ở địa phương này chủ yếu là trồng ngô, sắn và lúa nương. Đối với cây lúa nước, cả xã Mường Lý chỉ có khoảng hơn 50 ha, nhưng năng suất bình quân cũng ước chừng đạt 46-48 tạ/ha.

Có một số bản, bà con cũng trồng cây luồng, trồng cây xoan nhưng không đáng kể. Do cây xoan, cây luồng kém phát triển, không đem lại hiệu quả, nên chính quyền địa phương đã, đang vận động bà con trồng rừng thay thế. Và, đến nay toàn xã đã trồng thay thế cây xoan được 178 ha bằng các loại cây trồng khác.

Theo số liệu báo cáo của UBND xã Mường Lý, tháng 12/2023, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương này đang ở mức 74,24%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,82%. Đến thời điểm tháng 3 năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống 64,42% hộ nghèo và 7,04% hộ cận nghèo.

“Tỷ lệ hộ nghèo được thể hiện trong báo cáo của xã hồi tháng 12/2023, tức là theo con số rà soát của tháng 10/2022. Bởi lẽ, cứ đến tháng 10 hàng năm, địa phương lại thực hiện rà soát hộ nghèo của năm đó.Vì vậy, báo cáo của xã vào tháng 12/2023, tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức 74,25%, tức là theo số liệu điều tra của năm 2022.

Còn sang tháng 3/2024, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 64,42%, đó là kết quả tra soát của đợt tháng 10/2023”, ông Tùng thông tin và cho biết, như vậy từ năm 2022 đến cuối năm 2023, mà tỷ lệ hộ nghèo của Mường Lý đã giảm được gần 10% , thì đó là điều đáng mừng.

Người dân ở xã Mường Lý được đi tham quan mô hình trồng cây lá giang xuất khẩu ở tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Văn Tùng)

Người dân ở xã Mường Lý được đi tham quan mô hình trồng cây lá giang xuất khẩu ở tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Văn Tùng)

Do tỷ lệ hộ nghèo của xã Mường Lý đang còn nhiều, nên năm ngoái, Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí cho 101 hộ nghèo xây dựng mới, sửa chữa nhà ở theo Thông tư 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Trong đó, có 40 hộ làm nhà mới, với mức kinh phí hỗ trợ là 40 triệu đồng/hộ; 61 hộ sửa chữa nhà ở, với mức 20 triệu đồng/hộ.

Trồng tre bát độ, cây sả và lá giang xuất khẩu

Phải làm sao để người dân ở Mường Lý thoát nghèo nhanh, bền vững? Theo ông Tùng, hiện tại người dân Mường Lý đang rất cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước về vấn đề phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng; gia súc, gia cầm phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây.

Theo Phó Chủ tịch Quách Văn Tùng, nhằm giúp người dân địa phương chuyển đổi cây trồng, chính quyền xã Mường Lý đã, đang vận động bà con đăng ký tham gia mô hình trồng tre Bát độ để lấy măng. Đến thời điểm này, đã có hơn 100 hộ dân ở các bản Nàng 1, Muống 2 và Tài Chánh đăng ký, với diện tích trồng khoảng 80 ha.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động bà con trồng tre Bát độ để lấy măng, vừa qua UBND xã phối hợp với một doanh nghiệp ký hợp đồng trồng cây sả, để chiết xuất tinh dầu. Hiện nay, cán bộ xã, trưởng bản đã, đang tiếp tục vận động bà con đăng ký tham gia mô hình này, vì cây sả khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây.

“Sau khi khảo sát và nghiên cứu địa hình, điều kiện khí hậu, đất đai ở đây, doanh nghiệp đã thống nhất hợp tác với người dân để bà con trồng cây sả. Vì cây sả sống khỏe, hợp với đất pha cát và kỹ thuật chăm bón cũng dễ, chúng lại phát triển rất nhanh. Do đó, doanh nghiệp thống nhất sẽ bao tiêu sản phẩm cho người dân khi thu hoạch cây sả”, ông Tùng chia sẻ.

Bên cạnh các mô hình chuyển đổi cây trồng nêu trên, chính quyền xã Mường Lý đã hợp tác với một doanh nghiệp ở tỉnh Hòa Bình thực hiện mô hình trồng cây lá giang xuất khẩu. Để vận động được người dân tham gia, lãnh đạo xã đã dẫn những người đăng ký mô hình này đi tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm thực tế ở tỉnh Hà Giang.

Người dân Mường Lý được phía doanh nghiệp hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây lá giang. (Ảnh: Văn Tùng)

Người dân Mường Lý được phía doanh nghiệp hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây lá giang. (Ảnh: Văn Tùng)

“Dự kiến, khi áp dụng mô hình trồng cây lá giang xuất khẩu, Mường Lý sẽ phát triển trên diện tích khoảng 200ha. Phía doanh nghiệp cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm bón cho người dân. Khi có sản phẩm thu hoạch đạt yêu cầu, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm ổn định cho bà con. Hy vọng, những dự án, mô hình chuyển đổi cây trồng này, sẽ tăng nguồn thu nhập, giúp địa phương có cơ hội giảm nghèo”, ông Tùng cho hay.

“Với mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng này, lãnh đạo địa phương cũng đang rất kỳ vọng về sự phát triển và thành công của dự án. Khi dự án thành công, sẽ giúp bà con có thu nhập ổn định và là cơ hội để người dân Mường Lý thoát nghèo”, ông Quách Văn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Là một trong những hộ dân tham gia đăng ký mô hình trồng cây lá giang xuất khẩu, ông Lù A Chía, ở bản Suối Ún (Mường Lý) cho biết, sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động trồng cây lá giang xuất khẩu, ông Chía đã đăng ký tham gia chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại tỉnh Hà Giang.

“Sau khi được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế mô hình trồng cây lá giang, tôi đã đăng ký trồng 2ha loại cây này. Vừa rồi, công ty đã cử cán bộ về cấp cấp giống, hướng dẫn cách trồng, kỹ thuật chăm bón cho cây lá giang cho gia đình tôi trồng được 2ha. Rất may, sau khi trồng cây xong, thời tiết có thay đổi, trời đã có mưa, nên cây đã bén rễ”, ông Chía chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý, Quách Văn Tùng, chu kỳ phát triển của cây lá giang từ khi trồng đến lúc thu hoạch lá, là trong khoảng thời gian 1 năm. Nếu chăm sóc tốt, thì mỗi năm loài cây này sẽ cho thu hoạch 4 đợt và đặc biệt, tuổi thọ của nó lên đến 30 năm.

Cũng theo ông Tùng, về phía doanh nghiệp đưa ra dự kiến giá cả khi đến kỳ thu hoạch lá giang là với mức dao động khoảng hơn 10.000 đồng/1kg lá tươi. Có thời điểm, giá cao hơn 20.000 đồng/1kg. Trước mắt, doanh nghiệp cung cấp đủ giống cho các hộ đăng ký để trồng, sau đó họ sẽ đi kiểm tra số cây chết để cấp bù giống cho bà con.

Sau khi UBND xã Mường Lý và doanh nghiệp thống nhất ký hợp đồng để trồng cây lá giang, phía công ty đã cung cấp giống cây cho bà con. Hiện nay, bà con đã trồng được khoảng 70ha cây lá giang.

"Dự kiến, dự án này sẽ thực hiện trên diện tích khoảng 200 ha, nhưng do nguồn giống cây đang khan hiếm, nên trước mắt doanh nghiệp mới cung cấp được ngần ấy cây giống. Do số lượng mỗi ha đất sẽ trồng khoảng 700 bụi cây lá giang, nên số lượng cây giống để phủ đủ diện tích 200 ha, là rất lớn, nên phía doanh nghiệp đang tiếp tục cung ứng cây giống cho bà con", ông Tùng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ