Xã vùng biên ở Thanh Hóa tìm lối thoát nghèo cho dân

GD&TĐ - Là vùng biên giới, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên lãnh đạo xã Bát Mọt (Thường Xuân, Thanh Hóa), đã đi tìm lối thoát nghèo cho người dân.

Anh Lương Văn Quynh, bản Cạn, xã Bát Mọt (Thường Xuân, Thanh Hóa) đang chăm sóc ốc nhồi giống ở trong ao của gia đình. (Ảnh: V.Th)
Anh Lương Văn Quynh, bản Cạn, xã Bát Mọt (Thường Xuân, Thanh Hóa) đang chăm sóc ốc nhồi giống ở trong ao của gia đình. (Ảnh: V.Th)

Xã biên giới còn nhiều khó khăn

Bát Mọt là xã vùng biên, cao, xa và khó khăn nhất của huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa). Hiện nay, chính quyền địa phương này đã, đang xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, để tìm lối thoát nghèo cho dân.

Ông Lê Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Bát Mọt thông tin, địa phương này hiện có gần 900 hộ, với hơn 4.000 nhân khẩu. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp và có một số ít làm dịch vụ kinh doanh hàng hóa. Do đó, mức thu nhập bình quân của người dân xã Bát Mọt hiện mới đạt khoảng hơn 30 triệu đồng/người/năm.

Theo thống kê của UBND xã Bát Mọt, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương này đã giảm từ 50,2% năm 2022 xuống còn 38,48% năm 2023 (tức giảm được 448 hộ nghèo); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 32,4% (năm 2022) xuống còn 22,37%, (năm 2023).

Những cơ chế hỗ trợ, các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện ở xã Bát Mọt, như chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội của xã.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thì còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

“Năm 2024 cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế xã hội trọng tâm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đến tìm cơ hội đầu tư, duy trì hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường...”, Chủ tịch Thiện thông tin.

Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm của người dân xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: V.Th)

Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm của người dân xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: V.Th)

Cũng theo ông Thiện, từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng tự nhiên, thì bà con địa phương rất phấn khởi. Chính sách ấy đã thúc đẩy tinh thần tự nguyện của người dân trong công tác giữ gìn an ninh rừng.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng để hưởng lợi từ rừng, nâng cao đời sống, thì chính quyền địa phương cũng đã, đang xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhằm giúp dân thoát nghèo.

Nuôi ốc nhồi, mở hy vọng thoát nghèo

Trong các mô hình phát triển kinh tế ở xã Bát Mọt, phải kể đến mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm, do ông Lê Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã là người khởi xướng và đi tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây là mô hình phát triển kinh tế mới, có hy vọng nhân rộng và sẽ giúp người dân có thu nhập cao.

Theo vị Chủ tịch UBND xã này, để giúp bà con có thể phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, lãnh đạo xã đã hợp tác và ký hợp đồng với một doanh nghiệp ở huyện Quảng Xương về việc bao tiêu sản phẩm (ốc nhồi thương phẩm) cho bà con.

“UBND xã đứng ra ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, sau khi nắm bắt được chủ trương này, rất nhiều người dân đã tham gia lớp tập huấn do UBND xã tổ chức tại Trung tâm học tập cộng đồng. Hiện nay, đã có 23 hộ gia đình ở các thôn, bản tham gia mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm và đang phát triển rất tốt”, ông Thiện cho hay.

Anh Lương Văn Quynh, ở bản Cạn, xã Bát Mọt là người đầu tư kinh phí khá lớn để nuôi ốc nhồi thương phẩm. Anh Quynh cho hay, sau khi được UBND xã thông báo về mô hình phát triển kinh tế này, anh đã tham gia lớp tập huấn và quyết định đầu tư gần 2.000m2 ao để nuôi ốc.

“Chúng tôi được lãnh đạo xã tìm đầu mối mua trứng ốc từ các tỉnh ở miền Nam đưa ra. Giá mỗi kg trứng ốc là 750.000 đồng (chưa tính tiền cước vận chuyển). Khi nhận được trứng ốc về, chúng tôi được Chủ tịch Thiện đến tận nhà hướng dẫn cách ấp trứng ốc như thế nào, rồi cách chăn nuôi ra sao.

Nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế phù hợp, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư 30 kg trứng ốc để nuôi trong diện tích gần 2.000m2 ao của mình. Đến nay, ốc nhồi đã lớn bằng đầu ngón tay. Hy vọng, khi thu hoạch ốc, gia đình tôi sẽ có một khoản tiền lớn để tiếp tục nhân rộng mô hình”, anh Quynh chia sẻ.

Lãnh đạo xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đi thăm và hướng dẫn người dân địa phương chăm sóc ốc nhồi thương phẩm. (Ảnh: V.Th)

Lãnh đạo xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đi thăm và hướng dẫn người dân địa phương chăm sóc ốc nhồi thương phẩm. (Ảnh: V.Th)

Cũng theo anh Quynh, nếu mô hình nuôi ốc nhồi thành công, thì mỗi kg trứng ốc, sau khoảng 4 tháng chăm sóc, sẽ cho thu hoạch chừng 150 kg ốc thương phẩm. Trong khi gia đình anh Quynh nuôi 30kg trứng ốc, thì sẽ được khoảng 4,5 tấn ốc thương phẩm.

Theo hợp đồng của UBND xã đứng ra ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá mỗi kg ốc nhồi thương phẩm sẽ dao động từ 60.000 - 80.000 đồng. Như vậy, nếu tính bình quân, giá ốc nhồi thương phẩm là 70.000/kg, thì gia đình ông Quynh sẽ có doanh thu khoảng 300 triệu đồng. Đặc biệt, chi phí đầu tư thức ăn cho ốc nhồi không phải là cao như chăn nuôi cá hay các loại gia súc, gia cầm.

“Nguồn thức ăn cho con ốc là những loại lá cây, bèo cám, quả mướp, quả đu đủ, hoa xuyến chi, lá sắn...Vì vậy, hiện nay, dù ốc đã lớn bằng đầu ngón tay, nhưng lượng thức ăn mỗi ngày cho chúng cũng khá đơn giản. Nếu phải bỏ tiền ra mua các loại lá, củ, quả....thì cũng không phải là quá cao”, ông Quynh thông tin.

Ông Vi Văn Sáng, Trưởng thôn Khẹo (xã Bát Mọt) cũng là người tham gia nuôi ốc nhồi thương phẩm, cho biết, gia đình ông cũng đã cải tạo ao cá để nhập trứng ốc nhồi về nuôi.

“Hôm nhập trứng ốc nhồi về, gia đình tôi được Chủ tịch Lê Văn Thiện đến tận nhà hướng dẫn cho cách ấp trứng như thế nào cho ốc nở đều. Đồng thời, ông Thiện cũng hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc khi trứng ốc nở thành con, thì phải cho chúng ăn những loại thức ăn gì.

Bên cạnh đó, ông Thiện hướng dẫn cho gia đình tôi và các hộ dân nuôi ốc biết cách phòng bệnh cho ốc. Do chưa cải tạo hết diện tích ao nuôi, nên gia đình tôi mới nhập tạm 2kg trứng ốc để nuôi thí điểm. Nếu thành công, tôi sẽ mở rộng diện tích và nhập thêm trứng ốc về để phát triển mô hình”, ông Sáng chia sẻ.

Ông Lê Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Bát Mọt (áo xanh) hướng dẫn người dân cách ấp trứng ốc nhồi. (Ảnh: V.Th)

Ông Lê Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Bát Mọt (áo xanh) hướng dẫn người dân cách ấp trứng ốc nhồi. (Ảnh: V.Th)

Về kỹ thuật chăm sóc ốc nhồi, theo Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thiện, thì cũng khá đơn giản. “Giống ốc nhồi chỉ hay bị nhiễm bệnh sưng vòi. Do đó, chúng tôi hướng dẫn bà con phải chú ý đến môi trường nuôi, đảm bảo độ pH, nhiệt độ không thay đổi đột ngột, oxy hòa tan và độ mặn phù hợp. Đặc biệt, nguồn nước không quá ô nhiễm, không để dư thừa thức ăn làm bẩn ao và làm tích tụ chất hữu cơ dưới nền đáy ao nuôi...”, ông Thiện chia sẻ.

Với mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm mà lãnh đạo xã Bát Mọt đưa về cho người dân áp dụng, đang mở ra hy vọng lối thoát nghèo bền vững cho người dân xã vùng biên này. Bởi lẽ, dù người dân có phát triển mô hình kinh tế gì, thì điều cốt yếu vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Về vấn đề này, chính quyền xã Bát Mọt đã ký hợp đồng với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm khi áp dụng mô hình thành công, thì sẽ có nguồn thu nhập cao, ổn định và khi đó họ sẽ có cơ hội thoát nghèo.

Thông tin từ UBND xã Bát Mọt cho thấy, sau khi lãnh đạo xã tìm được đầu ra cho sản phẩm ốc nhồi thương phẩm, đã có 23 hộ dân tham gia đăng ký nuôi ốc. Hiện tại, mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm ở xã này đã có hơn 1,5ha diện tích mặt nước. Tất cả ở 8 thôn, bản của xã đều có gia đình tham gia mô hình. Hộ nuôi nhiều nhất đã nhập về 30kg trứng ốc, hộ ít nhất là nhập 2kg trứng ốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...