(GD&TĐ) - Điều kiện thành lập doanh nghiệp (DN) quá dễ dàng; nhiều bất cập trong quản lý xuất, nhập khẩu hàng hoá; hiện tượng bao che, bảo kê cho buôn lậu, gian lận thương mại vẫn tồn tại nhiều nơi và ở nhiều bộ phận… Đó chỉ là ba trong số rất nhiều kẽ hở về chính sách, pháp luật và trong quá trình thực thi quản lý thị trường, dẫn đến tình trạng gian lận thương mại trở thành vấn đề nhức nhối của nền kinh tế.
Dễ như đăng ký thành lập DN
Thành lập DN là việc tạo ra một chủ thể pháp luật có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh, đại diện cho các cá nhân, hoặc pháp nhân để tham gia vào các hoạt động kinh tế.
Căn cứ theo những quy định tại Luật Doanh nghiệp hiện hành, có thể thấy các thủ tục để thành lập DN tư nhân hay Công ty TNHH, với mặt hàng kinh doanh bình thường (tức là không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện) là hết sức dễ dàng.
Cụ thể, một (hay một số) cá nhân có nhu cầu thành lập DN, chỉ cần có hộ khẩu thường trú của cá nhân hay các thành viên góp vốn; CMTND chưa quá 5 năm; hợp đồng thuê trụ sở (nếu mặt bằng kinh doanh không phải là sở hữu của một trong các thành viên góp vốn); sổ điều lệ hoạt động (có rất nhiều trên mạng); đơn xin đăng ký kinh doanh theo mẫu.
Những hồ sơ này được nộp lên Sở KH&ĐT tỉnh hay thành phố định kinh doanh; thậm chí ở một số địa phương còn cho phép đăng ký qua mạng. Sau khi thủ tục đăng ký kinh doanh hoàn tất, người đăng ký chỉ cần đóng lệ phí (khoảng) 200.000đ, lấy giấy phép mang đến cơ quan Công an tỉnh/thành phố nơi dự tính kinh doanh để làm con dấu (chi phí khoảng 500.000đ).
Ngoài ra, còn phải làm hai bản công chứng giấy phép kinh doanh nộp cho Cục thuế tỉnh/thành phố nơi định kinh doanh, sẽ được giới thiệu đến chi cục thuế quận hoặc huyện để làm thủ tục thuế.
Tổng cộng, theo thời giá hiện nay, chi phí cho việc đăng ký thành lập DN chỉ hết khoảng 1.500.000 đồng.
Có lẽ, khi người dân mua một chiếc xe máy, đi làm thủ tục nộp thuế trước bạ và đăng ký biển số còn phức tạp hơn (về thời gian cũng như số kinh phí phải bỏ ra) so với đi đăng ký thành lập DN. Trong cuộc họp mới đây của Ban Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Trung ương (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 127 T.Ư) bàn về tình hình công tác 9 tháng đầu năm 2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng phải thốt lên: “Không có nước nào thủ tục thành lập DN quá dễ dàng như ở Việt Nam”.
Dẫn chứng sống động được vị đại diện Bộ Tài chính đưa ra là trên thực tế đã ghi nhận hiện tượng một người lái xe ôm mà đứng tên thành lập đến… 40 DN (!). Đã cấp phép dễ thì cũng khó đòi hỏi có sự quản lý chặt chẽ về sau. Quả là những câu chuyện thật mà như đùa, dẫn đến những hệ luỵ khôn lường đối với nền kinh tế.
Tràn lan các vụ gian lận thương mại do lỗ hổng quản lý. Ảnh: K.S |
Nguồn cơn tạo điều kiện cho gian lận thương mại
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 127 T.Ư, chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2013, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 168.706 vụ vi phạm liên quan đến gian lận thương mại (xuất khống hàng hoá để hoàn thuế VAT, buôn lậu, trốn thuế), với tổng thu về 6.359 tỷ đồng (giảm 46.832 vụ so với cùng kỳ năm 2012, nhưng số tiền thu về lại tăng tới 610 tỷ đồng. Đồng thời, các lực lượng đã phát hiện, xử lý 6.873 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ, trị giá 20,3 tỷ đồng, tăng 537 vụ so với cùng kỳ.
Chính việc dễ dãi trong thủ tục cấp phép thành lập DN, sau đó là sự buông lỏng trong quản lý hoạt động DN, cùng hàng loạt kẽ hở khác (kể cả “kẽ hở” mang tính chủ động của một số cá nhân có trách nhiệm) đã tạo điều kiện cho tình trạng gian lận thương mại nở rộ thời gian qua, làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Không nêu số liệu cụ thể, nhưng Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các DN “ma” hoặc DN xuất khẩu khống hàng hoá đang gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách Nhà nước; chưa kể tình trạng buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng…
Chỉ tính riêng DN “ma” và DN xuất khẩu khống để hoàn thuế VAT, trong 9 tháng đầu năm, ngành Thuế đã phát hiện, kiến nghị khởi tố 23 vụ (trong năm 2012 đã thu hồi 360 tỷ tiền hoàn thuế VAT). Chưa kể nhiều kẽ hở khác trong quy định của pháp luật về chống gian lận thương mại.
Chẳng hạn theo quy định hiện hành, khi hàng hoá nghi ngờ nguồn gốc và bị bắt giữ, DN vi phạm phải chứng minh nguồn gốc cho cơ quan chức năng trong vòng 72 giờ. Khoảng thời gian quá đủ để đối tượng vi phạm “xoay” được giấy tờ chứng minh hàng lậu thành hàng có nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá hợp pháp.
Bất cập này, theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), chỉ là phần nhỏ trong rất nhiều bất cập về quản lý thị trường theo luật định ở nước ta. Ngay cả việc rất nhiều vụ được cơ quan chức năng phát hiện và đề nghị truy tố, trong quá trình xử lý cũng còn rất chậm trễ, chưa thực sự có tính răng đe các đối tượng khác.
Những lỗ hổng đó, đang chờ đợi các cấp có thẩm quyền tìm cách giải quyết, ít nhất để lấy lại niềm tin của người dân về một nền kinh tế lành mạnh, không bị thao túng và lợi dụng bởi khá nhiều đối tượng xấu như thời gian qua.
Phạm Thị Hương