Nhiều hình thức phong phú GD về chủ quyền biển đảo

Nhiều hình thức phong phú GD về chủ quyền biển đảo

(GD&TĐ)-Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chủ quyền của đất nước, chủ quyền biển, hải đảo của Việt Nam cũng như vấn đề giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 373/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam”.

Chương trình “Triển lãm và tìm hiểu về biển đảo Việt Nam
Chương trình “Triển lãm và tìm hiểu về biển đảo Việt Nam" tại Trường ĐH Luật Hà Nội

Thực hiện Quyết định số 373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1461/QĐ-BGDĐT về việc giao nhiệm vụ “Xây dựng và thực hiện đề án tăng cường công tác giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo vào chương trình giáo dục các cấp học và các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2010 - 2015”.

Góp phần thực hiện nhiệm vụ trên, từ năm 2010 đến nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Vụ bậc học, Trường Đại học và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu biên soạn tài liệu về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo cho giáo viên và học sinh. Đồng thời triển khai tập huấn cho giáo viên về tài liệu này để giảng dạy trong nhà trường phổ thông ngay từ cấp tiểu học.

Nội dung tài liệu tập trung vào những vấn đề: Khái quát về vùng biển, hải đảo nước ta; Tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; Chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam; Vai trò của biển, hải đảo đối với an ninh quốc phòng, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân; Tình hình khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, các biện pháp khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên môi trường biển, hải đảo; Giáo dục ý thức về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo của Tổ quốc; ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo.

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nội dung kiến thức về biển đảo đã đề cập kĩ hơn, sâu hơn, đa dạng và toàn diện hơn so với trước đây. Nội dung kiến thức liên quan đến giáo dục biển đảo trong trường phổ thông được cập nhật theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển kí kết năm 1982, có hiệu lực vào năm 1984; Hiệp định về phân định vịnh Bắc Bộ được Việt Nam và Trung Quốc kí ngày 25/12/2000 tại Bắc Kinh. Những nội dung giáo dục về biển đảo đã được Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đọc và cho ý kiến góp ý.

Ở cấp Tiểu học, nội dung này được thực hiện thông qua việc tích hợp vào nội dung một số môn học như: Đạo đức, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí (phần Địa lí);

Ở cấp trung học, trong chương trình môn Địa lí, phần Địa lí Việt Nam được dạy cho các lớp 8, 9, 12 đã đề cập đến vấn đề biển đảo khá toàn diện cả về chủ quyền và phát triển kinh tế biển, đảo; Giáo dục ý thức về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo của Tổ quốc.

Có thể đưa ra ví dụ, Bài 57, Địa lý lớp 12 có đoạn viết "...Các đảo và quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo và thềm lục địa. Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo có ý nghĩa là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo". "Biển Đông là biển chung giữa Việt Nam và nhiều nước láng giềng. Vì vậy, việc tăng cường đối thoại, hợp tác giữa Việt Nam và các nước có liên quan sẽ là nhân tố tạo ra sự phát triển ổn định trong khu vực, bảo vệ được lợi ích chính đáng của Nhà nước và nhân dân ta, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Việt Nam là nước Đông Nam Á lục địa có nhiều lợi ích ở Biển Đông. Vì vậy, mỗi công dân Việt Nam đều có bổn phận bảo vệ vùng biển và hải đảo của đất nước, cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau". 

Nội dung về chủ quyền biển đảo cũng được giáo dục cho học sinh thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Theo đó, các cơ sở giáo dục đã lồng ghép các nội dung giáo dục chủ quyền biển đảo vào nội dung sinh hoạt. Một số tỉnh ven biển còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo quê hương, điển hình như thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng,... Bên cạnh đó, hàng năm, Bộ GD&ĐT đều có công văn hướng dẫn các sở GD&ĐT tổ chức các hoạt động hưởng ứng tuần lễ "Biển và Hải đảo Việt Nam".

Năm học 2011-2012, Bộ đã tổ chức tập huấn cho  hơn 400 giáo viên cốt cán về các nội dung: Biển Đông và vùng biển nước ta; Tài nguyên thiên nhiên biển, đảo đa dạng, phong phú; Bảo vệ môi trường biển, đảo.

Nội dung giáo dục về biển đảo còn được thực hiện thông qua hình thức tổ chức ngoại khóa đa dạng như: Tổ chức hội thi tìm hiểu về biển đảo và chủ quyền biển đảo nước ta; Tổ chức buổi nói chuyện về biển đảo; Tổ chức triển lãm, trưng bày học liệu, tư liệu học sinh tìm kiếm được về biển đảo nước ta, sự đa dạng về tài nguyên và môi trường biển đảo; Tổ chức buổi văn nghệ hát về biển đảo quê hương; Tổ chức tham quan cắm trại, dạy học tại thực địa về nội dung biển đảo; Tổ chức cho học sinh làm các chuyên đề về biển đảo.

Thời gian tổ chức các hoạt động ngoại khóa về Giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, đảo cấp trung học cơ sở có thể được thực hiện vào các dịp có những ngày lễ, ngày kỉ niệm như Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới từ ngày 1 đến ngày 8/6 hằng năm; Ngày phát động thi tìm hiểu “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”; Ngày hội “Tuổi trẻ vì biển đảo thân yêu”; Phong trào “Góp đá xây dựng Trường Sa”; Ngày thành lập Đoàn TNCSHCM; Ngày Thanh niên Việt Nam ...

Năm học 2012-2013, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục về nội dung bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; giáo dục về tài nguyên và môi trường biển đảo theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổ chức, triển khai xây dựng Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”. Các kết quả nghiên cứu về biên giới, hải đảo và bảo vệ môi trường biển, hải đảo sẽ được xem xét và vận dụng để biên soạn chương trình và sách giáo khoa cho các cấp học trong thời gian tới, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước nói chung, chủ quyền biển đảo Việt Nam nói riêng.

NN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.