Nhiều hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn kiểm tra

Nhiều hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn kiểm tra

(GD&TD)-Đó là một trong những thực tế mà Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề do Đoàn giám sát của Quốc hội đề cập được Ủy ban Thường vụ cho ý kiến trong buổi làm việc sáng nay (29/9).

Một đoạn mương dẫn vào làng nghềTriều Khúc (Hà Nội)
Một đoạn mương dẫn vào làng nghề Triều Khúc (Hà Nội)

Đây là chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2011 theo Nghị quyết số 54/2010/QH 12. Báo cáo được hoàn thành sau khi Đoàn giám sát đã làm việc với lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan; làm việc với 19 tỉnh, thành phố; khảo sát 15 khu kinh tế ven biển và 54 làng nghề trong thời gian qua.

Theo tổng hợp của đoàn giám sát, cả nước có 3.597 làng nghề, trong đó có 1.316 làng nghề được công nhận và 2.281 làng có nghề, tạo việc cho hơn 11 triệu lao động, thu hút 30% lực lượng lao động nông thôn. Tuy nhiên, một thách thức lớn đang đặt ra đối với các làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường. Do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen khu sinh hoạt nên khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết có hiệu quả.

Báo cáo khẳng định: Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sinh sống tại các làng nghề. Và một thực trạng dễ nhận thấy nhất rất ít khu kinh tế, làng nghề có khu xử lý nước thải tập trung hoặc có nhưng hoạt động kém hiệu quả. Nhiều nơi hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra. Môi trường đất, môi trường không khí bị ô nhiễm cục bộ ở các mức độ khác nhau  do các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, san lấp mặt bằng. Đặc biệt là các khu kinh tế có các nhà máy xi măng, hóa chất, điện, chế biến thực phẩm…

Bên cạnh đó, chất thải nguy hại thuộc các ngành nghề giày da, ắc quy, chế biến gỗ, thuốc bảo về thực vật, hóa chất… hầu hết đều vẫn tập kết tại cơ sở sản xuất chờ xử lý.

Với tốc độ phát triển của các khu kinh tế trong tương lai thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là tất yếu, đến lúc đó việc xử lý môi trường là tốn kém và khó khăn.

Để điều chỉnh các hoạt động vi phạm môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, đến nay, Chính phủ và các cơ quan Chính phủ đã ban hành 57 văn bản liên quan đến khu kinh tế và bảo vệ môi trường. UBND các tỉnh ven biển cũng đã ban hành 41 văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, nhiều văn bản chính sách pháp luật còn hạn chế chưa sát tình hình thực tế, nhiều văn bản pháp luật có nội dung chồng chéo, thiếu tính thống nhất, đồng bộ…Qua giám sát thấy rằng, các chính sách liên quan đến đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường áp dụng cho các làng nghề trên thực tế ít được triển khai. Công tác thanh tra kiểm tra thực hiện chưa thường xuyên, triệt để.

Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rằng, cần quy hoạch rà soát sắp xếp lại làng nghề; tốc độ ô nhiễm ở các KKT, làng nghề là rất nghiêm trọng. Báo cáo giám sát chưa đánh giá sâu sắc để có giải pháp đúng đắn; chưa làm rõ vai trò trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong bảo vệ môi trường; chưa chỉ ra sự chồng chéo trong quản lý Nhà nước, chưa cụ thể hóa các giải pháp thực hiện để làm rõ vấn đề.

Các đại biểu cũng đề nghị báo cáo cần phân tích sâu thêm về công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường bởi đầu tư công nghệ xử lý môi trường là tốn kém nếu chỉ trông vào ngân sách bảo vệ môi trường không thôi là khó có thể làm tốt việc bảo vệ môi trường.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ