(GD&TĐ) - Năm học 2010- 2011, giáo dục trung học đánh dấu những nỗ lực và chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Điều đó được thể hiện cụ thể trên kết quả của những nhiệm vụ năm học đã triển khai như: Thực hiện các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành; Củng cố và phát triển hệ thống trường học; Thực hiện kế hoạch giáo dục; Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trung học; Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; Thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Tăng cường công tác quản lý...
Củng cố phát triển hệ thống trường trung học
Năm học 2010- 2011, ngành giáo dục đã tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp để phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu học tập của học sinh; Các trường THPT chuyên được chú trọng củng cố và phát triển. Cùng đó xây dựng các trường, trường liên xã, điểm trường và trường phổ thông dân tộc nội trú, trường bán trú, đặc biệt chú trọng các địa phương vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện thuận lợi cho con em được đi học.
Quy mô giáo dục trung học cũng từng bước ổn định và đáp ứng được nhu cầu học tập. Số trường THCS trên toàn quốc có 10.7444 trường trong đó có 10718 trường công lập (tăng 64 trường so với năm trước); 26 trường ngoài công lập. Số trường THPT toàn quốc cũng tăng hơn 92 trường so với năm trước với tổng số 2.607 trường trong đó có trường công lập là 2162 trường; trường ngoài công lập 445 trường.
Quy mô học sinh THCS và THPT tương đối ổn định, tăng không nhiều và tăng giảm tùy theo khu vực và cấp học (Cấp THCS với tổng số học sinh là 5.552.354 em, tăng 467.895 em so với năm học trước; Cấp THPT có tổng số 2.763.003 học sinh giảm 16.590 em so với năm trước). Các Sở giáo dục đã chỉ đạo giảm sĩ số học sinh/lớp để việc tổ chức dạy học, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá ngày càng hiệu quả hơn.Tuy nhiên, đối với các trường ở khu vực trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và thành phố, thị xã thuộc tỉnh khác sĩ số học sinh/lớp vẫn cao hơn quy định, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục.
Cô và trò Trường THCS Hồng Dương với giờ học có sự hỗ trợ của CNTT. Ảnh: Thiên Thanh |
Nâng cao chất lượng GD trung học
Để nâng cao chất lượng giáo dục TH, năm học qua một loạt các giải pháp đã ngành giáo dục triển khai đồng bộ như: Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; Đổi mới kiểm tra đánh giá và tăng cường quản lý đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.
Cụ thể, các Sở giáo dục đã rà soát, kiểm tra và phân loại học sinh đầu năm học, qua đó chỉ đạo bồi dưỡng phù đạo học sinh yếu kém ngoài giờ lên lớp. Xác định các nguyên nhân học sinh bỏ học và áp dụng các biện pháp vận động tạo điều kiện về hỗ trợ kinh tế để giảm tỉ lệ học sinh bỏ học.
Tổ chức chỉ đạo bồi dưỡng giáo viên các môn học thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình GDPT. Chỉ đạo dạy học hiệu quả, đổi mới phương pháp dạy học: Chỉ đạo các Sở GDĐT tổ chức các hội thảo về đổi mới PPDH, KTĐG ở từng địa phương, cơ sở giáo dục. Chỉ đạo dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông. Chỉ đạo vận dụng các PPDH phát huy tính tích cực, sáng tạo khuyến khích khả năng tự học của học sinh. Tăng cường ứng dụng CNTT hợp lý; tổ chức dạy học sát đối tượng; sử dụng hợp lý SGK khắc phục dạy học theo lối đọc- chép. Qua tổ chức thực hiện kết quả đã có những chuyển biến tích cực, nhiều tỉnh đã chủ động quán triệt, bồi dưỡng cho GV dưới nhiều hình thức. Nhìn chung chủ trương này đã từng bước làm thay đổi cách dạy của GV tạo ra không khí phấn khởi trong các nhà trường...
Trong kiểm tra đánh giá cũng thực hiện đổi mới. Căn cứ vào yêu cầu của Bộ về đổi mới KTĐG, các Sở GDĐT đã kịp thời tổ chức hướng dẫn các trường quy trình ra đề kiểm tra đánh giá các môn học đảm bảo tỉ lệ: Nhận biết 50% thông hiểu và vận dụng 50%. Chỉ đạo việc đảm bảo đánh giá sát đúng trình độ học sinh với thái độ khách quan, công minh và hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá năng lực của mình; thực hiện đúng quy định của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh.
Bộ GDĐT tổ chức xây dựng nguồn học liệu mở với các dữ liệu bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của CTGDPT. Trong thời gian tới sẽ ban hành đưa trên Website của Bộ để phục vụ dạy học, kiểm tra đánh giá. Các Sở GDĐT đã chủ động triển khai chủ trương này.
Xây dựng kế hoạch và triển khai chuẩn bị đánh giá định kỳ kết quả học tập của học sinh nhằm góp phần điều chỉnh việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tạo cơ sở thực tiễn cho việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông tiếp theo.
Các Sở trong diện có trường tham gia thí điểm chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông đã thực hiện đúng yêu cầu của Bộ GDĐT.
Phối hợp với các Dự án mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên: Bồi dưỡng giảng dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; bồi dưỡng hướng dẫn ra đề kiểm tra đánh giá cho 63 tỉnh, thành phố, đôn đốc chỉ đạo việc bồi dưỡng cho giáo viên ở địa phương. Tuy nhiên, còn một số Sở còn chậm trễ trong việc triển khai ở địa phương...
Thực hành thí nghiệm môn Hóa học. Ảnh: Cao Từ |
Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học
Trong năm học 2010- 2011, các Sở GDĐT đã tích cực thực hiện tăng cường cơ sở vật chất thiết bị trường học cho các trường THCS, THPT. Cụ thể: Về thiết bị dạy học được tăng cường bổ sung hàng năm đáp ứng yêu cầu giảng dạy; các phòng học được củng cố đầu tư sửa chữa đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh; phòng bộ môn đáp ứng được yêu cầu phục vụ khai thác, sử dụng của giáo viên. Sách giáo khoa THCS,THPT được phát hành đầy đủ, kịp thời đến địa phương trong dịp hè 2010 để chuẩn bị năm học mới. Tỷ lệ trường phổ thông có thư viện và tủ sách giáo khoa dùng chung trên địa bàn cả nước là 89,9% trường (trong đó có 49,3% thư viện đạt tiêu chuẩn). Ngoài thiết bị dạy học tối thiểu, nhiều địa phương đã bố trí kinh phí mua sắm các thiết bị dạy học ngoài danh mục tối thiểu phục vụ cho công tác dạy và học ở các cơ sở giáo dục. Hầu hết các trường THCS, THPT trong cả nước đã có máy tính, máy chiếu để phục vụ công tác quản lý và giảng dạy; các trường THPT đã duy trì nối mạng internet để giáo viên khai thác tư liệu phục vụ cho dạy – học.
Cũng trong năm học 2010- 2011, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 06/2010/TT- BGDĐT ngày 26/2/2010 Ban hành Quy chế công nhận trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện. Các Sở đã tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo địa phương, huy động các nguồn lực tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia kết hợp với xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Vì vậy, kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có chuyển biến rõ rệt, số lượng tăng nhanh hơn năm trước (Số trường THCS đạt chuẩn quốc gia: 2.341 trường, tỉ lệ 21,79% so với năm học trước tăng 383 trường, tỉ lệ tăng: 3,69%; Số trường THPT đạt chuẩn quốc gia: 292 trường, tỉ lệ: 11,20% tăng 36 trường so với năm trước, tỉ lệ tăng: 1,42%)...
2011- 2012 và nhiệm vụ trọng tâm
Sang năm học mới, giáo dục TH sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” cùng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Phát huy kết quả 5 năm thực hiện cuộc vận động “Hai không”, đưa hoạt động này trở thành hoạt động thường xuyên trong các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục trung học.
Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục.
Bồi dưỡng giáo viên nâng cao năng lực nghề nghiệp theo chương trình bồi dưỡng hè, bồi dưỡng thường xuyên; tăng cường NCKH sư phạm ứng dụng; quan tâm xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học ở trường TH; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
Tăng cường xây dựng CSVC trường học, tạo chuyển biến rõ rệt của các trường TH trong việc xây dựng, cải tạo canh quan nhà trường; tăng cường xây dựng CSVC nhà trường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa, đẩy nhanh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia phấn đấu năm 2011 có 30% số trường THCS và 20% số trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh việc triển khai Đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010- 2015.
Thực hiện phổ cập giáo dục: Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục THCS; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tỉ lệ đạt chuẩn PCGDTHCS, thực hiện phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện) giai đoạn 2011- 2020; chỉ đạo các địa phương phấn đấu 100% số xã trên phạm vi toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS vào năm 2012...
Sông La