Ngày 13/5, Chương trình “Chắp cánh ước mơ” với chủ đề “Kỹ năng thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng xã hội” được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) thu hút tất cả học sinh của trường quan tâm, theo dõi.
Chương trình do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp Báo Giáo dục và Thời đại, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức nhằm hỗ trợ học sinh những thông tin, kiến thức nhằm giúp các em có thể chọn ngành, chọn nghề phù hợp với ước mơ và năng lực của bản thân.
Trau dồi kỹ năng sử dụng mạng xã hội
Là một học sinh sử dụng và quản lý việc sử dụng mạng xã hội khá kỹ, Nguyễn Ngọc Long – học sinh lớp 11A1 Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) cho rằng, có một số kênh mạng xã hội hiện nay đem đến những thông tin vô giá trị và độc hại.
Học sinh ở 3 khối lớp của Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) thích thú khi Chương trình "Chắp cánh ước mơ" đến với trường. |
“Em chỉ sử dụng một số kênh mạng xã hội cơ bản, đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm thông tin của bản thân. Những kênh chứa những thông tin độc hại, mang tính trào lưu vô nghĩa, em nhất quyết không sử dụng”, Long chia sẻ.
Theo Long, mặc dù đã chọn những trang thông tin uy tín, chính thống nhưng đôi khi vẫn bắt gặp những thông tin mang tính tiêu cực, độc hại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người đọc được thông tin đó.
“Khi thấy những thông tin vô bổ, độc hại, em sẽ ẩn và hạn chế những bài viết tương tự. Theo em, không ai có thể tự bảo vệ chính mình bằng việc tự đề ra cho mình một quy tắc và rèn luyện kỹ năng sử dụng mạng xã hội một cách tích cực, thông minh; như vậy sẽ hạn chế tối đa những thông tin tiêu cực tiếp cận ta”, Long nói.
Liên quan đến vấn đề này, ThS Tâm lý Võ Minh Thành – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cho rằng, ai cũng có thể sử dụng mạng xã hội nếu đủ điều kiện, tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội đúng cách thì không phải ai cũng biết.
ThS Tâm lý Võ Minh Thành – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trao đổi cùng các em học sinh. |
Tại chương trình, ThS Thành nêu ra một số nguyên tắc cơ bản khi sử dụng mạng xã hội để tránh tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, độc hại cụ thể: Hãy sử dụng nền tảng mạng xã hội để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cảm thông và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
“Nhìn chung, nếu bản thân mỗi chúng ta xây dựng được kỹ năng sử dụng mạng xã hội, có được kiến thức cơ bản để xử lý những tình huống không muốn đến từ mạng xã hội thì mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời giúp chúng ta giao tiếp, trao đổi, học tập, làm việc. Thậm chí, mạng xã hội còn là một kênh quảng cáo, buôn bán và xây dựng thương hiệu cá nhân ổn định và hiệu ứng cao”, ThS Thành cho hay.
Bạo lực không chỉ là tác động vật lý
Cô Nguyễn Thị Huỳnh An – Giảng viên Bộ môn Tâm lý, phụ trách Phòng Tham vấn tâm lý Khoa Khoa học Giáo dục - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, trên thực tế, không chỉ bạo lực thể lý mà bạo lực có thể xuất hiện ở nhiều hình thức khác nhau như: Bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế,… Dù ở bất cứ hình thức nào, bạo lực cũng để lại dấu ấn trong tâm trí và tạo nên những hậu quả nhất định của nó, nhất là ở phía người bị bạo lực.
Nguyễn Ngọc Long (đeo kính) – học sinh lớp 11A1 Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TPHCM) cho rằng, cần chọn lọc khi sử dụng mạng xã hội vì có một số kênh đem đến những thông tin vô giá trị. |
Cụ thể, trong số các sinh viên tìm đến Phòng Tham vấn để nhờ hỗ trợ tâm lý thì có những trường hợp sinh viên gặp khó khăn trong việc tiếp xúc, tương tác cùng các bạn trong lớp; các bạn có xu hướng tự cô lập bản thân. Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng trên là do các bạn đã từng bị bạo lực tâm lý trong môi trường cấp 2, 3.
“Mặc dù thời gian đã qua rất lâu nhưng hệ quả là các bạn đã từng bị bạo lực vẫn cảm thấy bản thân khó hòa nhập với mọi người xung quanh, luôn trong trạng thái phòng vệ và hạn chế giao tiếp”, cô An nói.
Mỗi cá nhân cần tự trang bị kỹ năng thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng xã hội. |
Theo cô An, đôi khi một câu nói vô tình nhận xét về ngoại hình hay khuyết điểm về mặt cơ thể của một ai đó hay những câu nói mang tính bạo lực trong tương quan đều thuộc nhóm bạo lực tâm lý do người nói không nhận thức được.
“Nhận thức rõ về bạo lực tâm lý và các dạng thức của nó sẽ giúp mỗi người chúng ta không vô tình bị trở thành những người gây bạo lực dù trong từ ngữ hay trong những dòng comment trên mạng”, cô An nhấn mạnh.
Khi sử dụng mạng xã hội cần phải tỉnh táo và tránh xa những thông tin lừa đảo, tiêu cực. |
Dịp này, nhằm giúp các em có thêm hành trang, tự tin hơn trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành, chọn nghề, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trao 5 suất học bổng, mỗi suất trị giá 15 triệu đồng cho học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ.
Chương trình “Chắp cánh ước mơ” được thực hiện từ ngày 1/1/2024 đến 15/5/2024. Chuyên gia sẽ đến 40 trường THPT trên địa bàn TPHCM để thực hiện 6 chuyên đề gồm: Nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh; Tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân; Đánh thức giấc mơ của bạn; Ứng xử thông minh với mạng xã hội; Thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng; Kỹ năng thích ứng và học tập hiệu quả ở môi trường đại học.