Nhiều điểm tích cực ở sách giáo khoa mới

GD&TĐ - Sách giáo khoa (SGK) luôn là đối tượng nghiên cứu quan trọng trong giáo dục học. Thực tiễn giáo dục Việt Nam cũng đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến SGK ở các khía cạnh khác nhau như: SGK là gì? Vai trò, chức năng của SGK? Quan hệ chương trình và SGK? Đối tượng sử dụng SGK? Cách tổ chức biên soạn SGK?... GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề SGK mới.

Nội dung SGK phải thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của CT môn học; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Ảnh: Thế Đại
Nội dung SGK phải thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của CT môn học; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Ảnh: Thế Đại

Nhiều phương án lựa chọn

- Ông có thể cho biết những điểm mới của lần thay SGK này so với những lần trước?

- GS Đinh Quang Báo: Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông (GDPT) quy định một chương trình GDPT quốc gia có nhiều SGK. Đây là điểm mới cơ bản so với những lần thay trước. Điểm mới này có những tác động đến việc tổ chức biên soạn.

Trước hết, thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, khuyến khích các tổ chức, cá nhân soạn SGK trên cơ sở CTGDPT quốc gia đã ban hành.

Do có nhiều sách, bộ sách cho một môn học nên Bộ GD&ĐT quản lý chất lượng SGK thông qua thông tư hướng dẫn quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn SGK để sử dụng trong nhà trường phổ thông.

GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
GS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 

SGK vừa bảo đảm tuân thủ CTGDPT, vừa khuyến khích sự sáng tạo đa dạng của người biên soạn, cho nên lần thay sách này sẽ có nhiều phương án lựa chọn SGK cho GV và HS.

Điểm mới nữa đó là CTGDTP 2018 được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, trong khi CT trước đây chủ yếu thể hiện tiếp cận nội dung. Tiếp cận năng lực đã tác động đến việc biên soạn SGK.

Cụ thể, SGK thực hiện tích hợp nhiều chức năng như: Cụ thể hóa CTGDPT; Cung cấp thông tin để HS gia công trí tuệ giải quyết các vấn đề nhận thức, thực tiễn; qua đó rèn luyện, phát triển các phẩm chất và năng lực chung và đặc thù môn học, đáp ứng yêu cầu cần đạt của CT; Thiết kế các quy trình sư phạm để hướng dẫn GV và HS.

SGK tích hợp các công cụ thông tin và truyền thông để thực hiện các chức năng trên.

Bài học trong SGK phải là đơn vị cấu trúc thiết kế được tiến trình dạy học theo logic rèn luyện và hình thành phẩm chất và năng lực, các hoạt động cơ bản (xác định vấn đề chính cần giải quyết (khởi động)); Tổ chức cho HS tìm hiểu kiến thức mới bằng chuỗi hoạt động giải quyết vấn đề đã nêu: Luyện tập, vận dụng, mở rộng…

Thể hiện đầy đủ nội dung chương trình

- Vậy SGK mới sẽ tuân thủ theo những yêu cầu nào, thưa GS?

- Nói một cách khái quát, nội dung và hình thức SGK phải tuân thủ Hiến pháp năm 2013, pháp luật Việt Nam và phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm. Nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của CT môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Trước hết, nội dung và hình thức SGK tuân thủ các chế định của Luật Giáo dục, Luật Xuất bản, Luật Trẻ em, các chế định khác của pháp luật có liên quan.

Những nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu cần được thể hiện hợp lý.

Nội dung và hình thức SGK không tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; không sai lệch sự thật lịch sử, không phủ nhận thành tựu cách mạng; không xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; không gây hận thù dân tộc, xung đột sắc tộc; không phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Mặt khác, nội dung, hình ảnh liên quan đến các dân tộc, địa phương, vùng miền, nghề nghiệp, giới, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em thể hiện cách nhìn tích cực, khách quan, bình đẳng, tôn trọng về phẩm chất trí tuệ và có tần suất xuất hiện trong SGK phù hợp, tuân thủ pháp luật có liên quan.

Ngôn ngữ trong SGK là tiếng Việt; không sử dụng tiếng Việt cổ, ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ thông tục, tiếng nước ngoài chưa được Việt hóa; trường hợp cần sử dụng phải có chú thích. Trong SGK phải tuân thủ các quy định về chính tả, ngữ pháp, chữ viết tắt, ký hiệu, phiên âm theo Quyết định 1989/QĐ-BGDĐT ngày 25/5/2018 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về chính tả trong CT, SGK GDPT.

Nội dung và hình thức SGK phải tuân thủ các quy định về đơn vị đo theo Nghị định số 134/2007/NĐ-CP ngày 15/8/2007 và Nghị định số 86/2012 của Chính phủ Quy định về đơn vị đo lường chính thức theo Luật Đo lường Việt Nam. Đối với đơn vị đo mà HS được học lần đầu cần ghi đủ tên phiên âm cùng ký hiệu.

Nội dung trong SGK, bao gồm cả tranh, ảnh bảng biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ phải chính xác, cập nhật, hấp dẫn, không gây phản cảm, phải ghi rõ tên tác giả hoặc nguồn trích dẫn. Phần giải thích thuật ngữ, từ ngữ có ghi số trang xuất hiện của từng thuật ngữ, từ ngữ và được đặt ở cuối sách.

Khổ sách, định lượng giấy in ruột sách, độ trắng, độ đục của giấy in SGK, kỹ thuật gia công sách, khuôn khổ bát chữ, cỡ chữ, kiểu chữ, lề trắng phía trên, phía dưới, bên phải của trang sách tuân thủ quy định tại mục 4.1, 4.2, 4.3 và 4.5 Tiêu chuẩn quốc gia về sách TCVN 8694-2011.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Giáo viên phải nắm vững chương trình môn học

- Thay SGK cũng đặt ra những yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên giảng dạy, thưa GS?

- Khi giảng dạy SGK mới đòi hỏi GV phải nghiên cứu, phân tích để nắm vững CTGDPT tổng thể và CT môn học; mối quan hệ giữa CTGDPT tổng thể với CT môn học; giữa CT các môn học với nhau.

Cùng đó, GV phải phân tích được yêu cầu cần đạt từng chủ đề nội dung dạy học, tức là “giải mã” các hoạt động từ hành động để xác định được mức độ nhận thức, thiết kế chuỗi các hoạt động học tập để tổ chức học sinh tìm hiểu nội dung, qua đó rèn luyện phẩm chất, năng lực cụ thể. Chuỗi các hoạt động học tập có thể được tổ chức cho HS thực hiện theo logic khám phá, giải quyết vấn đề, theo mô hình trải nghiệm, mô hình 5E, theo hướng dẫn cấu trúc bài học tại Thông tư 5555/BGDĐT-TrH.

GV cũng cần có kĩ năng thiết kế các hoạt động học tập thường được biểu đạt bằng các câu hỏi, bài tập, bài toán, dự án, đề tài khoa học. Các hoạt động học tập đó được thiết kế sao cho khi HS thực hiện đáp ứng được yêu cầu cần đạt của từng chủ đề nội dung quy định trong CT môn học, hoạt động giáo dục qua đó rèn luyện được phẩm chất, năng lực. Tổ chức bài học bằng các hoạt động đó chính là quá trình hình thành năng lực được thực hiện theo công thức: Năng lực = Mục tiêu x Tình huống.

GV cần phân tích SGK để có thể điều chỉnh, bổ sung khi chuyển đổi kịch bản SGK thành giáo án/kế hoạch bài học cho phù hợp với điều kiện môi trường giáo dục, dạy học và đặc điểm HS. Điều chỉnh, bổ sung SGK chủ yếu là các hoạt động học tập vì các hoạt động học tập vừa được định hướng bởi yêu cầu cần đạt của CT, vừa là công cụ để dạy học phân hóa đối tượng HS, để phù hợp với môi trường, hoàn cảnh nhà trường và địa phương.

Việc hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất là kết quả của một quá trình tác động liên tục, thường xuyên. Mỗi bài học, tiết học, mỗi hoạt động học tập là mắt xích nhỏ tương ứng một “hạt cườm” trong “dây cườm”...

- Xin cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.