Nhiều điểm mới trong Luật Giá (sửa đổi)

GD&TĐ - Chiều 19/6, Quốc hội thông qua Luật Giá (sửa đổi) với 459 đại biểu tán thành (chiếm 92,91%).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

92,92% đại biểu tán thành

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi). Các vị Đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và xác đáng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ tất cả các ý kiến và chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đến nay, cơ bản ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội đều tán thành với phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý; một số ý kiến góp ý thêm nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, trên cơ sở ý kiến các Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách cùng Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ và thể hiện hợp lý các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Sau khi Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi), với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 Chương, 75 Điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; điều khoản thi hành…

Có nhiều điểm mới

Luật Giá (sửa đổi) có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành. Về phạm vi điều chỉnh, luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu về giá, theo đó: Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).

Luật Giá (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không duy trì các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định…

Cùng với đó, đối với công tác thanh tra phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại pháp luật về thanh tra. Công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá phải đảm bảo đảm nguyên tắc: Thực hiện theo kế hoạch, hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm; không trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, thời gian với hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra cùng lĩnh vực đối với một đơn vị; khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; hạn chế cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm tra…

Ngoài ra, Luật Giá (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về Doanh nghiệp thẩm định giá, điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá; chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá; quyền, nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; xác định giá dịch vụ thẩm định giá; phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng thẩm định giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...