Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn):
Nghị quyết 88 cửa Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK với mục tiêu đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện và chất lượng, hiệu quả giáo dục phổ thông.
Theo Nghị quyết 88, từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới.
Tuy nhiên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng: theo báo cáo của Chính phủ, những nội dung quan trọng, những điều kiện cần thiết, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình GDPT mới chưa đảm bảo.
Về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, CBQL; điều chỉnh, sắp xếp, tăng cường cơ sở vật chất trường phổ thông đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới chưa có kế hoạch cụ thể; kiên cố hóa trường lớp học mầm non và tiểu học tại các xã đặc biệt khó khăn, mua sắm bổ sung đáp ứng nhu cầu thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chưa đáp ứng được yêu cầu, hoặc chưa cân đối được.
Nhiều quy định là cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết chưa được ban hành, như tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên, CBQL; quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm...
Khi các nội dung, những điều kiện quan trọng, cần thiết như dẫn ở trên chưa được chuẩn bị kỹ thì việc lùi thời gian triển khai theo Nghị quyết 88 là cần thiết.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị, để có đầy đủ cơ sở để Quốc hội quyết định thời gian triển khai chậm 1 năm ở tiểu học, 2 năm THCS, 3 năm THPT so với lộ trình NQ 88, đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT có báo cáo kết quả làm rõ một số vấn đề liên quan đến chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc, phương án khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở từng môn học, cấp học, địa phương…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên):
Đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Phúc nhất trí với đề xuất lùi thời hạn thực hiện chương trình, SGK mới; cũng như triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022.
Lý giải việc này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc cho biết: Mặc dù các địa phương và cơ sở giáo dục cũng đã có những động thái tích cực trong việc tập huấn giáo viên đổi mới dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới, nhưng việc thực hiện Nghị quyết 88 cần thời gian để hoàn thiện khối lượng công việc khổng lồ, rất lớn, như:
Lựa chọn, biên soạn, thẩm định SGK; xây dựng, thẩm định nội dung giáo dục địa phương; chuẩn bị cơ sở vật chất cho giảng dạy thực nghiệm và áp dụng các phương pháp dạy học tích cực; tập huấn đào tạo đội ngũ giáo viên; điều chỉnh những bất cập của nội dung chương trình; chuẩn bị nguồn kinh phí, đặc biệt là kinh phí từ địa phương để cho chương trình này…
Do vậy cần nghiên cứu điều chỉnh thời điểm áp dụng chương trình, SGK mới mới có thể đủ thời gian cần thiết chuẩn bị, phải có lộ trình từng bước để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của chương trình.
Cũng trong phát biểu chiều 2/11, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đánh giá: Giáo dục đã đạt được một số thành quả đáng ghi nhận, các kỳ thi Olympic quốc tế, Việt Nam luôn đạt giải cao. Năm học 2016 - 2017, các đoàn học sinh của Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế Toán học, Hóa học, Sinh học và Tin học đạt kết quả cao nhất từ trước đến này.
Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học đạt kết quả cao, xếp thứ 3, chỉ sau Hoa kỳ và Ấn độ. Kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH, CĐ, kỳ thi vào 10 đã giảm áp lực, giảm tốn kém cho người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và tăng cường phân luồng sau trung học.
“Những kết quả nổi bật như trên thể hiện tâm sức, sự cố gắng, tâm huyết của toàn thể giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành Giáo dục. Đó là những thành quả không thể phủ nhận khi ngành Giáo dục đang trên con đường đổi mới” – đại biểu Nguyễn Thị Phúc nhấn mạnh.
Cho rằng, ngành Giáo dục đang tiến hành đổi mới thì những bất cập, tồn tại, sự hoài nghi nảy sinh là điều không thể tránh khỏi, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đứng trước thế giới phẳng, sự thay đổi chóng mặt của thời đại, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu. Vì vậy, giáo dục Việt Nam không tiến hành đổi mới chắc chắn sẽ rơi vào lỗi thời, lạc hậu, không bắt kịp với thế giới.
Đề cập như vậy để khẳng định đổi mới là cần thiết, nhất định phải tiến hành đổi mới. Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, định hướng nghề nghiệp, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực, hài hòa trí thể mỹ và phát huy tốt tiềm năng của mỗi học sinh. Đây là điều hết sức cần thiết.