Đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu để có quy định riêng về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào các trường ĐHSP và y, dược nhằm chọn được người thực sự vừa có đức vừa có tài, tận tâm vì sự nghiệp. Đối với đầu ra cần ưu tiên chế độ ưu đãi về lương bổng, phụ cấp và bố trí việc làm phù hợp để thu hút HS, SV giỏi tham gia thi tuyển.
Bộ GD&ĐT trả lời:
1. Về quy định riêng về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào các trường ĐHSP và y, dược:
a) Đối với ngành SP: Các ngành đào tạo SP có sự khác biệt với đa số các ngành khác. Vì vậy, năm 2018, Bộ GD&ĐT vẫn quyết định chỉ tiêu đào tạo và quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho các ngành đào tạo SP. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để việc tuyển chọn đầu vào của các trường đào tạo SP được thực hiện chặt chẽ và có cơ chế chính sách thu hút những HS có học lực giỏi, khá vào học các trường SP để không dẫn tới sự lệch pha giữa đào tạo và sử dụng (cung nhiều hơn cầu).
Đối với một số ngành SP đòi hỏi các phẩm chất đặc thù về tâm lý và thể hình… các trường SP tổ chức sơ tuyển thi năng khiếu nhằm lựa chọn đúng thí sinh đáp ứng đầy đủ yêu cầu của ngành đào tạo bên cạnh việc đảm bảo năng lực về kết quả học tập.
b) Đối với ngành y, dược: Điểm trúng tuyển đầu vào các ngành y, dược luôn có vị trí cao nhất so với các ngành khác (điểm vào ngành y khoa, dược và răng hàm mặt trong 10 năm gần đây luôn trên 24 điểm đối với các trường đào tạo đã có truyền thống và trên 20 điểm với một số trường mới đào tạo). Cũng như ngành SP, ngành y dược cũng đòi hỏi người học phải có đức tính kiên trì, nhẫn nại, khả năng chia sẻ… Những đức tính này đòi hỏi cần phải có thời gian thực hành, thực tập liên tục tại các bệnh viện, cơ sở thực hành.
Trong quá trình đào tạo, để đảm bảo hoàn thiện được chương trình đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe, SV trường phải tự trải qua chương trình học với các kỳ thi sát hạch rất sát sao để bảo đảm đạt chất lượng đầu ra theo quy định của trường.
2. Về chế độ ưu đãi về lương bổng, phụ cấp và bố trí việc làm phù hợp để thu hút HS, SV giỏi tham gia thi tuyển vào ngành sư phạm và y, dược:
Bố trí việc làm cho SV tốt nghiệp ngành SP và y, dược không hoàn toàn là trách nhiệm của ngành GD mà còn phụ thuộc vào các địa phương,Bộ, ngành. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước về GD-ĐT Bộ GD&ĐT đã triển khai một số giải pháp về bố trí việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp như: (i) Phối hợp với các địa phương để khảo sát nhu cầu sử dụng tuyển dụng giáo viên các cấp học, trên cơ sở đó Bộ GD&ĐT phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP cho các trường để tránh tình trạng đào tạo dư thừa; (ii) phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, phát hiện bất hợp lý trong chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp để đề xuất chế độ tiền lương mới sau theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.