Mặc dù các cơ sở đào tạo giáo viên trong hệ thống dưới quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT; tuy nhiên, không ít các cơ sở đào tạo giáo viên chịu sự quản lý của các địa phương, do các địa phương cấp kinh phí hoạt động.
Các trường Sư phạm phân bổ quá dàn trải về địa lý
Đại diện nhóm nghiên cứu, GS.TS Phạm Hồng Quang (Giám đốc ĐH Thái Nguyên) cho rằng, có sự phân tán trong quản lý Nhà nước đối với các trường SP. Cụ thể: Các trường ĐH SP trực thuộc Bộ GD&ĐT hoặc ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng); Trường ĐH Giáo dục trực thuộc ĐHQG Hà Nội, chịu sự quản lý trực tiếp của Chính phủ; các trường ĐH SP đặc thù (như Trường ĐH SP Thể dục thể thao, Trường ĐH SP Kỹ thuật, Trường ĐH SP Nghệ thuật…) lại trực thuộc các bộ, ngành khác. Các trường CĐSP trực thuộc Bộ GD&ĐT; trường CĐ và trung cấp khác có đào tạo giáo viên trực thuộc Bộ LĐ,TB&XH hoặc trực thuộc UBND các tỉnh...
Như vậy, sự phân bổ các trường SP quá dàn trải về địa lý. Việc thành lập mới các trường ĐH (mà tiền thân là các trường CĐSP) vẫn theo nhu cầu của phát triển của từng ngành, địa phương, chưa quan tâm đến tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống. Trong bối cảnh cạnh tranh và xu hướng tự chủ của các trường ĐH nói chung có thể tác động tới các trường SP theo hướng tự do hơn, càng dẫn tới biên độ dao động quá rộng trong quy mô và chất lượng đào tạo SP.
Nhận định của nhóm nghiên cứu: Hiện nay, do chưa hình thành được cơ chế phân loại các trường SP nên chưa có căn cứ để ưu tiên đầu tư trọng điểm đối với các trường SP hoạt động hiệu quả, có tiềm năng phát triển ngang tầm các trường SP trong khu vực và trên thế giới. Công tác quản lý quy hoạch còn yếu, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch trong đào tạo giáo viên để có những điều chỉnh kịp thời. Chưa có quy chuẩn về đảm bảo chất lượng là công cụ điều chỉnh mạng lưới, dẫn đến tình trạng mở mới các ngành đào tạo giáo viên mà không được giám sát về các điều kiện đảm bảo chất lượng và nhu cầu thực tiễn.
Sinh viên sư phạm mầm non. Ảnh minh hoạ/Internet |
Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần sớm ban hành Nghị định quy định tự chủ đại học nhằm tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường SP, giúp cho các cơ sở đào tạo phát huy được sự năng động, sáng tạo, đổi mới của mình và tự chủ tiến hành sắp xếp, rà soát lại cơ cấu tổ chức, tiến hành sáp nhập giải thể theo nhu cầu của thị trường cũng như năng lực của cơ sở đào tạo và tập trung ở những khu vực có điều kiện KT-XH cao để đẩy mạnh đầu tư trọng điểm, tạo ra sự lan tỏa về mô hình phát triển và có khả năng cạnh tranh quốc tế.
3/4 chỉ tiêu SP đào tạo tại các địa phương
Con số được nhóm nghiên cứu cung cấp: Từ năm 2013 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Các trường SP lớn được Bộ GD&ĐT giao trực tiếp chỉ tiêu tuyển sinh, con số mỗi năm chỉ khoảng 10.000. Còn lại, trên dưới 40.000 chỉ tiêu, Bộ GD&ĐT giao về địa phương, từ đó địa phương giao cho các trường ĐH có khoa SP hoặc Trường CĐSP trên địa bàn mình quản lý. Từ năm 2013 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Bộ GD&ĐT đã liên tục cắt giảm chi tiêu tuyển sinh ngành SP từ 10 - 20% trong mấy năm vừa qua nhưng chưa thể cho ngừng tuyển mới vì liên quan đến sự sống còn của các trường SP.
Đến nay, toàn quốc có 14 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo chuyên về SP và 61 cơ sở giáo dục ĐH đa ngành có đào tạo SP. Ngoài ra, còn có 33 trường CĐSP ở các địa phương, 33 khoa SP trong các trường ĐH đa ngành khác; 24 trường CĐ và 38 trường trung cấp có chương trình đào tạo giáo viên. Như vậy, tổng số có hơn 100 trường ĐH, CĐ có chương trình đào tạo giáo viên.
Năm 2017 - 2018, mặc dù Bộ GD&ĐT đã chủ động giảm chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng tổng số chỉ tiêu được phê duyệt vẫn là 54.000. Trong khi đó, kết quả phân tích thực trạng giáo viên hiện nay, xu hướng tăng dân số và số lượng HS ở các độ tuổi khác nhau cho thấy trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần bổ sung khoảng 275.000 giáo viên các cấp từ mầm non tới THPT.
Việc mở rộng quy mô đào tạo SP dẫn đến sự chênh lệch giữa cung và cầu khiến tình trạng sinh viên tốt nghiệp SP không tìm được việc làm tăng lên, dẫn đến chưa thu hút được nhiều thí sinh giỏi đăng ký xét tuyển vào các ngành/trường SP như mong đợi. Việc thiếu kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh SP dựa trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng giáo viên và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại một số trường SP đã dẫn đến sự lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước cấp bù học phí, trong khi các trung tâm đào tạo SP lớn như Trường ĐHSP Hà Nội, Trường ĐHSP TPHCM chỉ được đầu tư rất hạn chế. Do đó cần có nghiên cứu dự báo nhu cầu của các địa phương để phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm phù hợp.
Sự mở rộng quy mô đào tạo, thiếu kiểm soát các yếu tố đảm bảo chất lượng, thiếu dự báo về cung và cầu đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, nghĩa là không đảm bảo được mối quan hệ giữa cung và cầu về nhân lực trong lĩnh vực giáo dục. Điều này cũng dẫn đến hệ quả là một số trường cao đẳng đề nghị tự đóng cửa (Trường CĐSP Cà Mau); một số khác phải sát nhập hoặc chuyển đổi hình thức đào tạo sang đa ngành (gần 30 trường); một số trường khác chuyển sang thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên… Sự bất cập trên đã và đang xảy ra trên toàn bộ hệ thống đào tạo SP của Việt Nam.
Số lượng đào tạo SP nhiều, trong khi trình độ đào tạo và chất lượng đào tạo không đồng đều ở các cơ sở đào tạo. Hệ thống quản lý đào tạo SP đã chuyển từ hình thức quản lý tập trung, giao chỉ tiêu tuyển sinh, phân công công việc cho sinh viên tốt nghiệp sang hình thức giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo, sinh viên tốt nghiệp các ngành SP tự tìm kiếm việc làm.
Quá trình chuyển đổi này có những điểm tích cực đó là tạo điều kiện cho các trường SP tự chủ hơn; nhiều cơ sở đào tạo tham gia vào việc đào tạo giáo viên hơn. Tuy nhiên, sự chuyển giao này dẫn tới việc các cơ sở đào tạo SP được thành lập không dựa trên quy hoạch tổng thể; số lượng sinh viên tốt nghiệp khó kiểm soát và mất cân đối. Chỉ tiêu đào tạo SP không được quản lý thống nhất, dẫn tới dư thừa giáo viên, không đủ về cơ cấu và chênh lệch giữa các vùng miền.
Đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng còn nhiều trở ngại
Từ kết quả nghiên cứu, GS Phạm Hồng Quang cho biết: Các ngành đào tạo giáo viên phát triển mất cân đối, thừa giáo viên ở một số môn học. Thực trạng khó kiểm soát trong quy mô đào tạo, không tương xứng giữa cung và cầu về nhân lực trong lĩnh vực đào tạo giáo viên ở các địa phương. Hơn nữa, các cơ sở đào tạo SP chưa thực sự tạo thành hệ thống, chưa có tính liên thông, hỗ trợ, thống nhất, và chưa có sự phân cấp. Về cơ bản, các trường hoạt động độc lập, mỗi trường vẫn chỉ là những thành phần được sắp xếp cạnh nhau trong hoạt động đào tạo giáo viên.
Việc tuyển dụng giáo viên hiện nay ở các địa phương do sở hoặc phòng Nội vụ đảm nhiệm theo các quy định hiện hành về phân cấp; trong khi Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục lại là các đơn vị quản lý, sử dụng giáo viên. Nhắc đến thực trạng này, theo GS Phạm Hồng Quang, lựa chọn cách thức đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng cần xem xét điều chỉnh các chính sách ở tầm vĩ mô.
Đặc biệt, chất lượng đào tạo giáo viên chưa đáp ứng chuẩn đầu ra, thiếu cơ chế sát hạch nghề nghiệp giáo sinh SP trước khi ra trường; đặc biệt là các cơ sở đào tạo giáo viên tại địa phương đào tạo theo chỉ tiêu tuyển sinh không có kiểm soát tuyển sinh nên chất lượng thấp, đội ngũ giảng viên thiếu chất lượng; nhiệm vụ bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông mới...
- ______________________
- Bài 2: Đề xuất quản lý Nhà nước tập trung với chỉ tiêu đào tạo giáo viên