Nhiều chính sách hỗ trợ cất đỡ gánh lo cho sinh viên

GD&TĐ - Ngay sau khi Chính phủ có yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024 nhiều trường đại học đã quyết định không tăng.

Quỹ học bổng Dương Quang Trung của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: ĐHYK Phạm Ngọc Thạch
Quỹ học bổng Dương Quang Trung của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: ĐHYK Phạm Ngọc Thạch

Bên cạnh đó, ngoài chính sách học bổng, các trường đại học còn phối hợp với tổ chức, quỹ tín dụng giúp sinh viên vay vốn học tập với lãi suất ưu đãi.

Sớm điều chỉnh học phí

Ngày 2/8, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM quyết định không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Theo đó, mức học phí cụ thể chương trình đào tạo chuẩn là 354.000 đồng/tín chỉ (tương đương 10,6 triệu đồng/năm học) và chương trình chất lượng cao 770.000 đồng/tín chỉ (khoảng 23 triệu đồng/năm). Đây là năm thứ 4 trường giữ nguyên mức phí này.

Động thái trên được Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đưa ra chỉ sau một ngày Chính phủ có yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Đồng thời, nhà trường căn cứ vào bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội còn khó khăn sau đại dịch, tính đến phương án hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn.

Tương tự, nhận thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học 2023 - 2024, một số trường đại học cho biết sẽ họp bàn, điều chỉnh học phí khi có văn bản chính thức từ Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Theo đại diện một trường đại học công lập đã thực hiện tự chủ tại TPHCM, mức học phí trong đề án tuyển sinh năm 2023 chỉ là dự kiến, trên cơ sở áp dụng Nghị định 81/2021. Đây cũng là thông tin quan trọng để thí sinh, phụ huynh tham khảo, quyết định chọn trường.

TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TPHCM, cho hay, năm nay trường chưa công bố học phí. Mức học phí hiện hành khoảng 26 triệu đồng/năm với sinh viên hệ chính quy đại trà. “Phải xem hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý ra sao, khoản nào được tăng theo lộ trình, khoản nào không, các mức trần ra sao, chúng tôi mới công bố học phí năm học mới”, ông Thanh cho biết.

Trước đó, trong đề án tuyển sinh năm học 2023, nhiều trường đại học dự kiến mức học phí năm học 2023 - 2024 tăng mạnh trên cơ sở áp dụng Nghị định 81. Theo đó, áp dụng Nghị định này, mức trần học phí với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 1,41 - 2,76 triệu đồng một tháng, gấp 2 lần mức học phí cũ. Những trường tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu tối đa gấp 2 - 2,5 lần mức trên (tương đương khoảng 2,8 - 6,9 triệu đồng/tháng).

Với chương trình đào tạo đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, các trường đại học được tự xác định học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

Chẳng hạn, Trường ĐH Luật TPHCM, học phí năm 2023 - 2024 dự kiến ở các ngành Luật, Luật Thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh chương trình đào tạo chính quy là 31,25 triệu đồng; những năm học sau đó tăng khoảng 4 triệu đồng/năm. Riêng ngành Quản trị - Luật, học phí năm học tới là 37 triệu đồng/năm và cũng tăng dần 3 - 6 triệu đồng/năm những năm tiếp theo.

Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM, học phí được tính theo tín chỉ tùy theo số môn học đăng ký. Học phí trung bình mỗi tháng học của chương trình tiêu chuẩn được thực hiện theo quy định về học phí của Chính phủ tại Nghị định 81/2021. Theo đó, học phí chương trình này ở các ngành khoảng 30 triệu đồng/năm…

Theo các trường đại học, việc không tăng học phí năm học 2023 - 2024 cũng khiến các trường gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thu nhập cho cán bộ, giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập, nâng cao chất lượng đào tạo. “Giá cả thị trường trong 2 - 3 năm nay đều tăng 20% rồi mà học phí không tăng thì rất khó cho các trường tự chủ hoàn toàn”, đại diện một trường đại học ở TPHCM cho biết.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Nỗ lực hỗ trợ người học

Học bổng khuyến khích học tập từ nguồn thu học phí hoặc vận động sự đóng góp của các tổ chức xã hội là giải pháp quan trọng để các trường đại học hỗ trợ sinh viên có khó khăn. TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, mỗi năm quỹ học bổng của trường khoảng 36 tỉ đồng. Tất cả sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thi đỗ vào trường đều có cơ hội được nhận học bổng, miễn giảm học phí.

Trường ĐH Công Thương TPHCM cũng công bố sẽ chi hơn 40 tỉ đồng tặng học bổng và hỗ trợ sinh viên khó khăn trong năm học tới. Trong đó, nhà trường sẽ dành một khoản lớn trao học bổng sinh viên vượt khó và hỗ trợ sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cam kết dành 8% nguồn thu học phí để thực hiện công tác cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên. Trường còn duy trì quỹ học bổng khuyến học mang tên Giáo sư, bác sĩ Dương Quang Trung, hỗ trợ cho các sinh viên hoàn cảnh khó khăn. Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng có chính sách học bổng dành cho sinh viên trúng tuyển năm học 2023 - 2024 theo 4 mức: 25%, 50%, 75% và 100% học phí, tùy theo hoàn cảnh của người học.

Một số trường khác có quỹ học bổng dồi dào, lên đến hàng chục tỉ đồng như Trường Đại học Văn Lang 20 tỉ đồng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng 30 tỉ đồng…

Bên cạnh chính sách học bổng, các trường đại học và các tổ chức còn phối hợp, cho ra đời nhiều chính sách tín dụng cho sinh viên với lãi suất ưu đãi. Với sinh viên các trường thành viên ĐHQG TPHCM, Quỹ phát triển Đại học Quốc gia sẽ hỗ trợ sinh viên hoàn cảnh khó khăn vay ưu đãi với lãi suất 0% để học tập. Sinh viên chỉ trả nợ gốc khi có việc làm, thu nhập, thời gian được vay có thể lên đến 8 năm.

Trong năm học tới, sinh viên ở TPHCM có thể được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi. Chính sách này đang được UBND TPHCM xây dựng với đề án phát triển ngân hàng thương mại cho vay học sinh, sinh viên để các em đảm bảo học tập.

Đề án nhằm hỗ trợ tài chính cho người học không thuộc đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời hạn, mức cho vay, lãi suất đang được nghiên cứu, xây dựng với tiêu chí đáp ứng nhu cầu trang trải học phí, sinh hoạt phí, lãi suất ưu đãi và thời gian cho vay phù hợp cho người học.

Vấn đề hỗ trợ cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách được nhiều đại biểu nhắc đến tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2023 - 2024 do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức. Theo đó, các đại biểu đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên bởi vật giá ngày càng leo thang, trong khi số tiền trợ cấp rất thấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ