Hút sinh viên bằng chính sách hỗ trợ: Giữ chữ tín

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2021, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã “tung” những chính sách về học bổng và các chế độ ưu đãi khác để chiêu sinh.

Nhiều trường cuốn hút thí sinh bằng các hình thức hỗ trợ trong quá trình học. Ảnh minh họa
Nhiều trường cuốn hút thí sinh bằng các hình thức hỗ trợ trong quá trình học. Ảnh minh họa

Vấn đề đặt ra là, các trường cần thực hiện đúng cam kết, không nên “quảng bá” quá đà, dẫn đến “nói một đằng, làm một nẻo”.

Điểm cộng khi lựa chọn

PGS.TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Sinh viên học tập tại Học viện nhận được nhiều chính sách ưu đãi như: 100% sinh viên trúng tuyển theo phương án xét tuyển thẳng và sinh viên trúng tuyển, xác nhận nhập học có kết quả tổng điểm 3 môn thi THPT năm 2021 đạt từ 22,5 điểm trở lên sẽ được nhận học bổng.

Cụ thể: Sinh viên được hưởng mức học phí thuộc mức thấp nhất theo quy định dành cho các trường đại học công lập. Sinh viên đạt kết quả học tập loại giỏi trở lên được giới thiệu đi du học theo các chương trình học bổng du học của Nhà nước và Học viện Phụ nữ Việt Nam có hợp tác với các nước trên thế giới; 100% sinh viên được giới thiệu đi thực tập, thực hành nghề nghiệp và có cơ hội làm việc tại Nga, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc… theo chương trình liên kết đào tạo.

“Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi/xuất sắc được ưu tiên giữ lại làm việc tại Học viện. Trong quá trình học tập, sinh viên được đào tạo toàn diện về kỹ năng mềm, được khuyến khích khởi nghiệp ngay trong thời gian học tập, có cơ hội thực tập công việc tại Học viện và trải nghiệm nhiều hoạt động ngoại khóa đặc sắc” - PGS.TS Trần Quang Tiến trao đổi.

Thí sinh đến tìm hiểu về tuyển sinh của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: Website của trường
Thí sinh đến tìm hiểu về tuyển sinh của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: Website của trường

Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông báo có nhiều học bổng du học, học tập, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp ở trong nước và nước ngoài với tổng giá trị hơn 30 tỷ đồng. Cụ thể: 4 suất học bổng du học toàn phần đi đào tạo tại các nước: Nhật Bản, Trung Quốc dành cho thủ khoa và á khoa. Bên cạnh đó, Học viện còn có chính sách học bổng trong nước như: Học bổng khuyến khích học tập, học bổng toàn phần, Khởi nghiệp, Chào đón tân sinh viên K66, Nghiên cứu khoa học và học bổng tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Ngoài ra, Học viện còn có học bổng quốc tế khuyến khích học tập và nghiên cứu, du học ngắn hạn tại các trường quốc tế. Đối với sinh viên có học lực đạt loại khá 2 năm học được ưu tiên xét tuyển vào các chương trình liên kết đào tạo đồng cấp bằng 2+2 hoặc 3+1 tại trường đại học nước ngoài. 

Để tiếp sức cho sinh viên trong mùa tựu trường, năm học 2021 - 2022, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dành nhiều suất học bổng có giá trị tặng cho sinh viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… thông qua học bổng Tài năng, vượt khó. Ngoài ra, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng còn dành 500 suất học bổng nhập học sớm là các khóa học thương hiệu cá nhân: Stylist, MC, giải phóng hình thể, golf và gym cho thí sinh trúng tuyển vào 1 trong 68 ngành học đào tạo chính quy bậc ĐH của trường. 

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Website của trường
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Website của trường

Nói đi đôi với làm

Cho rằng, vào mùa tuyển sinh hàng năm, các cơ sở giáo dục đại học đều “bung lụa” các chính sách ưu đãi, chế độ học bổng nhằm thu hút thí sinh, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Không thể phủ nhận những chính sách này đã phát huy hiệu quả trong thực tế và được người học đón nhận tích cực. Với nhiều sinh viên, nhờ có những chính sách ưu đãi, học bổng đã thực hiện được ước mơ học đại học.

Hoan nghênh những chính sách của các cơ sở giáo dục đại học, TS Lê Viết Khuyến lưu ý: Vấn đề đặt ra, các trường cần giữ lời hứa và thực hiện đúng những gì cam kết. Không nên lạm dụng việc “tung” chính sách ưu đãi, hay học bổng như một “chiêu trò” để thu hút thí sinh vào học. Bởi điều đó, chỉ có tính chất “ăn xổi”, không bảo đảm tính bền vững, thậm chí có thể dẫn đến những “lùm xùm” do khiếu kiện. 

“Với thí sinh, nên coi chính sách ưu đãi, học bổng là một trong những tiêu chí để lựa chọn đăng ký xét tuyển vào trường. Lựa chọn ngành học là việc làm quan trọng, liên quan đến nghề nghiệp tương lai. Vì thế, ngoài các yếu tố như: Sở thích, năng lực, các em cần nghiên cứu về nhu cầu việc làm sau khi ra trường để có lựa chọn hợp lý” - TS Lê Viết Khuyến khuyến cáo.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Thực hiện quyền tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến tuyển sinh; trong đó có chính sách ưu đãi để thu hút thí sinh. Đây là việc đáng hoan nghênh, tạo cơ hội học tập cho sinh viên, nhất là với các em có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên giỏi và tài năng... “Tuy nhiên, điều tôi mong muốn là, các trường cần thực hiện đúng cam kết của mình và “nói đi đôi với làm”. Không nên “tung” ra chính sách ưu đãi để thu hút thí sinh nhưng thực chất là nói một đằng, làm một nẻo; ảnh hưởng không tốt đến thí sinh và uy tín của nhà trường” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khuyến cáo: Thí sinh cần nghiên cứu kỹ các chế độ, chính sách ưu đãi và điều kiện đi kèm của trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển, tránh những vướng mắc sau này, dẫn đến khiếu nại không đáng có. Nên coi những chính sách ưu đãi của nhà trường là “điểm +” cho sự lựa chọn của mình. Các em nên chọn ngành học, trường học theo sở thích, đam mê, phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.