Chuyển giá hết sức tinh vi
Với nền kinh tế mở cửa, cho phép đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với nhiều chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN này thường không cao, khi nhiều công ty đa quốc gia lớn hoạt động tại Việt Nam kê khai lỗ trên báo cáo tài chính, nhưng thực tế hoạt động rất tốt trên thị trường, có nhiều DN vẫn liên tục mở rộng quy mô sản xuất (ví dụ như: Coca Cola, C.P Việt Nam…)
PGS.TS Lê Xuân Trường (Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính) nhận định: Không phải ngẫu nhiên trong giai đoạn 2015 - 2017, có khoảng 50% DN FDI đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều DN kê khai lỗ nhiều năm liền, thế nhưng hầu hết các DN ấy vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất… Thực tế cho thấy, trong rất nhiều trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã xác định giá chuyển giao khác xa giá thị trường.
“Hoạt động chuyển giá đã và đang gây ra những tác động khác nhau cho các công ty đa quốc gia, cho các quốc gia tiếp nhận đầu tư như Việt Nam. Lãnh thổ có mức thuế suất thuế thu nhập DN cao chuyển giá sang một số quốc gia có mức thuế thu nhập DN bằng 0%, hoặc rất thấp, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận của nhà đầu tư do cơ chế, chính sách của nước sở tại chưa đầy đủ, chặt chẽ” - ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước) phân tích.
Còn theo TS Hồ Đức Phớc (Tổng Kiểm toán Nhà nước), mục đích của hoạt động chuyển giá là tối thiểu hóa nghĩa vụ tính nộp thuế trong tập đoàn, DN, nhằm tối đa hóa lợi nhuận dựa vào chính sách ưu đãi, hoặc sự khác biệt về thuế giữa các vùng, miền hay quốc gia. Quá trình hội nhập quốc tế thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia, nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức mới, đặc biệt là công tác chống thất thu ngân sách. Chuyển giá không những là một hình thức thất thu ngân sách lớn, mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác.
Để công bằng hơn cho hoạt động DN
Thực tế cho thấy, hành vi chuyển giá đang tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế và kiểm toán đã đưa ra những giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng chuyển giá tại Việt Nam. Ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước) chỉ ra rằng: “Kết quả xử lý truy thu thuế của các cơ quan thanh tra, kiểm toán chủ yếu dựa vào quá trình làm việc, hiệp thương với các DN có dấu hiệu chuyển giá, mà chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để xử lý hoạt động chuyển giá theo quy định. Vì vậy, để tăng cường công tác kiểm soát chống chuyển giá cần xem xét một số giải pháp mang tính chiến lược”.
Giải pháp Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu ra nhằm chống chuyển giá, bao gồm việc các cơ quan có liên quan, chẳng hạn Tổng cục Thuế, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hoá giữa các công ty độc lập và các công ty liên kết, nhằm tạo cơ sở so sánh giá chuyển giao, từ đó xác định giao dịch chuyển nhượng đó có tuân theo quy tắc thị trường hay không.
Bên cạnh đó, cần áp dụng phương pháp xác định giá thuế thống nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với nguyên tắc “chiều dài cánh tay”, yêu cầu giá áp dụng trong các giao dịch phải được xác định phù hợp với mức giá mà các bên không liên quan áp dụng trên thị trường; hay nguyên tắc thỏa thuận trước giá tính thuế (APA) khi xác định giá trước khi giao dịch giữa các bên liên kết diễn ra và là cam kết của nhà đầu tư nhằm làm cơ sở xác định nghĩa vụ thuế…
“Cũng cần có quy định cụ thể chế tài xử phạt thích đáng nhằm ngăn chặn và có tính răn đe các DN vi phạm các gian lận về chuyển giá. Trong trường hợp có dấu hiệu, cần chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ các hành vi gian lận” - ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.