Trận đấu với đội tuyển Syria để giành một vé vào tứ kết Asiad thực sự là một bài kiểm tra về thể lực với các học trò của huấn luyện viên Park Hang-seo. Để chuẩn bị cho Asiad, thầy trò huấn luyện viên Park đã rèn thể lực khá kỹ càng, song với 120 phút thi đấu đầy vất vả trước Syria, hầu hết cầu thủ đều kiệt sức. Trong đó, nhiều cầu thủ bị căng cơ, chuột rút.
Ông Lê Huy Khoa, phiên dịch của huấn luyện viên Park chia sẻ trên trang cá nhân sau khi kết thúc trận: "Về trận đấu, có thể nói chưa bao giờ mà đội lại kiệt sức như hôm nay. Trung vệ cỡ như Duy Mạnh mà chuột rút toàn thân, người cứng đơ như cục gạch, nhìn mà cứ xót. Hậu thì nói cậu không bật nhảy được nữa, hãy đưa Xuân Mạnh vào đá giữa nhé. Còn Hải thì tét máu đầu, Thanh thì đổ gục trên sân ngay sau trận đấu...".
Trên thực tế, chuột rút là tình trạng sức khỏe dễ xảy ra đối với vận động viên và người chơi thể thao nghiệp dư. Do đó người tập thể thao phải hiểu về nguyên nhân dẫn đến chuột rút và cách phòng tránh, xử trí khi gặp tình huống này.
Duy Mạnh nằm bất động trên sândo chuột rút trong trận cầu gặp Syria tối 27/8 và ra dấu xin thay người. |
Theo Health, chuột rút là tình trạng co rút cơ đột ngột gây đau khi đang vận động kéo dài từ vài giây đến 15 phút. Hiện tượng này có thể xuất hiện 6 giờ sau khi tập thể thao xong. Chuột rút thường xảy ra ở bắp chân, cánh tay, cơ bụng và lưng. Nó cũng có thể xảy ra với bất cứ nhóm cơ nào. Bình thường, chuột rút chỉ gây đau đớn ở một bộ phận cơ, đôi khi dẫn đến đột quỵ đối với những người bệnh tim.
Dưới đây là những nguyên nhân khiến các vận động viên dễ bị chuột rút.
Mất nước
Theo Todd J. Sontag, bác sĩ trực thuộc Hiệp hội sức khỏe Orlando, các vận động viên và những người tập thể dục thường xuyên phải đối mặt với chứng chuột rút, đặc biệt trong những ngày hè nóng bức do mất nước. Một khi cơ thể thiếu nước, dây thần kinh sẽ trở nên nhạy cảm hơn trước những tác động vật lý. Tình trạng này gây ra các cơn co thắt, tạo áp lực lớn lên hệ thần kinh và kết quả là những cơn chuột rút khó chịu.
Hoạt động trong thời gian dài
Hoạt động liên tục trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chuột rút. Tiến sĩ Mark D. Peterson, nhà nghiên cứu khoa Y học thể chất và Phục hồi chức năng tại Trường Đại học Y Michigan (Mỹ) cho biết, bạn có thể bị chuột rút khi tập luyện với cường độ cao trong thời gian quá lâu.
Khi các dây thần kinh từ vỏ não bị tổn thương, các cơ sẽ cứng lại gây nên hiện tượng này. Vì thế, nghỉ ngơi thường xuyên là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe và hạn chế những chấn thương vật lý.
Tập luyện quá sức
Tập luyện với cường độ cao, quá sức cũng gây nên những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tiến sĩ Gerardo Miranda-Comas, bác sĩ kiêm trợ giảng y khoa trực thuộc Đại học Y Icahn ở Mount Sinai (Mỹ) cho biết, khi các cơ không thích ứng kịp với cường độ tập luyện, bạn sẽ dễ dàng gặp phải những chấn thương vật lý, trong đó có chuột rút.
Mệt mỏi
Mệt mỏi cũng là một trong những nguyên nhân gây chuột rút. Tiến sĩ Gerardo cho biết, về mặt sinh lý, khi cơ thể mệt mỏi, quá trình tuần hoàn sẽ rối loạn ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các cơ bắp. Hiện tượng này cũng liên quan tới tình trạng rối loạn chức năng thần kinh và khi kéo dài tác động xấu tới sức khỏe.
Làm gì khi bị chuột rút
Mỗi vị trí cơ thể bị chuột rút có cách xử lý khác nhau. Nếu bị ở bắp chân, bạn cần kéo chân ra đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân trên một mặt phẳng cứng. Nếu chuột rút ở đùi, bạn cần nhờ người khác dùng một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của mình căng thẳng, còn một tay ấn đầu gối xuống dưới. Sau đó xoa bóp vùng bị chuột rút.
Nếu chuột rút cơ xương sườn, bạn hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Chuột rút ở bàn chân thì cầm đầu bàn chân kéo nhẹ rồi đứng dậy và đứng thẳng người một lúc nhưng không cho gót chạm đất. Khi hết chuột rút, phải tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng vùng chấn thương.
Ngoài ra, để tránh chuột rút khi tập luyện hay thi đấu thể thao, bạn lưu ý uống đủ nước, bổ sung điện giải cùng các vitamin và khởi động kỹ càng.