Nhiệt huyết của thầy giáo trẻ với học trò vùng thuần nông

GD&TĐ - Gần 15 năm công tác tại Trường THPT Nguyễn Đổng Chi, thầy Nguyễn Văn Hòa đã giúp học trò ở vùng thuần nông đạt những thành tích đáng ngưỡng mộ.

Với nhiệt huyết của mình, thầy Hòa đã giúp học trò vùng thuần nông đạt nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ trong học tập. (Ảnh: T.H)
Với nhiệt huyết của mình, thầy Hòa đã giúp học trò vùng thuần nông đạt nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ trong học tập. (Ảnh: T.H)

Vực dậy sức học cho trò vùng thuần nông

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), từ nhỏ cậu học trò Nguyễn Văn Hòa (SN 1986) đã có niềm đam mê với nghiệp cầm phấn.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, anh Hòa được biên chế về giảng dạy môn Sinh học tại Trường THPT Nguyễn Đổng Chi (xã Hậu Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) – ngôi trường vừa chuyển từ hệ bán công sang công lập.

Vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm nhiều lại được phân về giảng dạy tại vùng quê thuần nông, thiếu thốn về cơ sở vật chất khiến thầy giáo trẻ gặp không ít khó khăn trong quá trình công tác.

Tuy nhiên với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đam mê nghề nghiệp cùng tình thương học trò, thầy Hòa đã cùng với đội ngũ giáo viên trong trường từng bước khắc phục khó khăn để truyền đạt kiến thức, mang lại hiệu quả dạy học tốt nhất.

Thầy Hòa luôn tìm tòi các phương pháp để truyền đạt kiến thức tốt nhất cho học trò. (Ảnh: T.H)

Thầy Hòa luôn tìm tòi các phương pháp để truyền đạt kiến thức tốt nhất cho học trò. (Ảnh: T.H)

“Khi được phân về công tác tại đây, tôi không bất ngờ vì lực học của các em chưa được tốt lắm. Bởi ở đây là vùng quê khó khăn, sau mùa màng bố mẹ các em đều đổ đi tứ xứ để làm thuê. Việc chăm lo học hành cho các con rất hạn chế.

Do đó, tôi đã có nhiều phương pháp để động viên học trò, chia sẻ với khó khăn của các em. Bên cạnh đó, thường xuyên liên hệ, kết nối với phụ huynh nhằm phối hợp tạo điều kiện để học sinh học tập tốt hơn”, thầy Hòa chia sẻ.

Với nỗ lực của cá nhân và tập thể, gần 15 năm công tác tại Trường THPT Nguyễn Đổng Chi, thầy và trò ở đây đã đạt nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ trong công tác dạy và học.

Từ chỗ một ngôi trường thuộc vùng trũng kiến thức đến nay đã vươn lên một trong những ngôi trường thuộc tốp đầu về kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Với chuyên môn của mình, kết quả ôn thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học những năm gần đây của thầy Hòa luôn đạt kết quả cao. Như năm học 2020-2021, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học của Trường THPT Nguyễn Đổng Chi xếp thứ nhất, năm học 2022-2023 xếp thứ 3 toàn tỉnh.

Gắn bài học với thực tiễn

Chia sẻ về kinh nghiệm truyền đạt kiến thức cho học trò, thầy Hòa bộc bạch: “Bản thân là giáo viên tôi luôn lấy tự trọng làm gốc, yêu lấy bản thân mình mà cố gắng, tự tạo động lực cho bản thân để làm thật tốt trách nhiệm của mình.

Bên cạnh đó, tôi luôn suy nghĩ phải làm sao nâng mình lên hơn sách giáo khoa (SGK), không nói lại những gì giống đúc trong SGK, tuyệt đối không biến mình trở thành “nô lệ” của SGK. Để SGK thực hiện đúng chức phận của nó đó là phương tiện trong dạy và học”.

Theo thầy Hòa, để nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết cần phải “giải phóng” người dạy, “giải phóng” người học, phát huy được khả năng sáng tạo, tư duy độc lập tích cực của người dạy và người học.

“Phương châm của tôi là đưa cuộc sống vào bài học – Đưa bài học vào cuộc sống. Giáo dục tích cực - Thương nhau dựa trên điểm mạnh”, thầy Hòa nói.

Với nỗ lực cống hiến của mình, thầy Hòa luôn được các cấp ngành ghi nhận.

Với nỗ lực cống hiến của mình, thầy Hòa luôn được các cấp ngành ghi nhận.

Với những nỗ lực cống hiến của mình, quá trình công tác nhiều năm liền từ 2013-2023 (trừ năm học 2017-2018) thầy Hòa đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm học 2021-2022 đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; năm học 2019 – 2020 được công nhận giáo viên giỏi tỉnh; các năm 2017, 2018, và 2020 năm hướng dẫn học sinh thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đạt giải.

Ngoài ra, về nghiên cứu khoa học – viết sáng kiến kinh nghiệm, thầy giáo Nguyễn Văn Hòa đã có 1 SKKN cấp tỉnh; năm 2021 và 2023 được hội đồng đánh giá ngành gửi cấp tỉnh; có 5 SKKN cấp ngành đạt bậc 3, bậc 4 vào các năm 2014, 2019, 2020, 2021, 2022.

Thầy Nguyễn Văn Quyến – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đổng Chi cho biết, thầy Hòa luôn tự giác nghiên cứu tài liệu, sách báo để nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Luôn nhận thức đúng đắn và cố gắng học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Thầy có lối sống lành mạnh, hòa đồng với mọi người. Có tinh thần trách nhiệm cao, biết phối hợp và giúp đỡ đồng nghiệp trong chuyên môn và đời sống. Đối với phụ huynh và học sinh luôn thân thiện và mẫu mực. Được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu.

“Về chuyên môn nghiệp vụ thầy Hòa luôn chủ động cùng với các thành viên tổ xây dựng và thực hiện tốt các kế hoạch nhà trường, xung phong trong các nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Luôn phối hợp tốt và giúp đỡ đồng nghiệp, tạo sự đoàn kết trong tập thể. Luôn được chuyên môn đánh giá cao, học sinh và phụ huynh ghi nhận và tin tưởng.

Thầy Hòa rất am hiểu và vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, tạo được hứng thú cho học sinh trong khám phá, phát triển năng lực và phẩm chất, đã có nhiều sáng kiến về đổi mới dạy học được ngành và tỉnh công nhận”, thầy Quyến nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.