Nhân sự kiện mở xưởng “Chuyện lạ từ căn phòng tạm” diễn ra từ 10/1 đến 9/2 tại không gian Nhiếp ảnh Matca (Ba Đình, Hà Nội), Báo GD&TĐ có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Hà Đào về việc thực hành nhiếp ảnh tại Việt Nam, đặc biệt trong cộng đồng nhiếp ảnh trẻ.
Việt Nam không thiếu nơi đào tạo nhiếp ảnh
- Bắt đầu từ năm 2016, đến nay Matca đã hoạt động hơn 9 năm, chị có thống kê nào về sự tương tác của cộng đồng nghệ thuật Việt?
Nhiếp ảnh gia Hà Đào: 9 năm nghe có vẻ dài, quả thật chúng tôi đã mất kha khá thời gian để tìm được mô hình vận hành phù hợp với bối cảnh Hà Nội và cũng để tự mình nhặt ghép từng mảnh trong quá khứ cũng như hiện tại của nhiếp ảnh Việt Nam.
Là một đội ngũ nhỏ gồm những nhiếp ảnh gia với nguồn tài lực - nhân lực có hạn, bên cạnh thực hành cá nhân, chúng tôi cũng có nhu cầu mở rộng đối thoại xoay quanh loại hình này tới cộng đồng.
Những triển lãm, trò chuyện chuyên đề, giới thiệu sách ảnh… tại không gian Matca đều mở cửa tự do. Dẫu tần suất không thường xuyên và ít khi quảng bá, các sự kiện vẫn kín người tham gia, chủ yếu là từ các bạn trẻ dưới 30 tuổi.
Ở môi trường thiếu vắng hỗ trợ, sự ủng hộ của khán giả và đồng nghiệp có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần, và là động lực để chúng tôi tiếp tục làm những công việc mang tính chia sẻ, hoàn toàn phi lợi nhuận.
Tuy nhu cầu hưởng thụ và tham gia vào đời sống nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng ngày càng lớn, những hỗ trợ dành cho nhiếp ảnh gia và những không gian chuyên biệt vẫn còn rất mỏng, phần lớn đến từ các tổ chức văn hóa châu Âu có liên đới tới Việt Nam. Đây có vẻ là hoàn cảnh chung của nhiều loại hình chứ không chỉ riêng nhiếp ảnh.
- Theo chị, nhiếp ảnh Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên bản đồ thế giới?
Nhiếp ảnh với tôi chẳng phải là một cuộc đua để dốc sức trèo lên những đỉnh cao. Đến từ một quốc gia đang phát triển với thu nhập trung bình thấp, khi tiếp xúc với môi trường quốc tế, tôi cũng không mang trong mình tâm lý phải cúi rạp trước các cường quốc, dẫu thực tế là cơ sở hạ tầng cho nhiếp ảnh và nghệ thuật nội địa còn nhiều lỗ hổng.
Mọi phép so sánh sự phát triển của một ngành nghề đều phải cân nhắc những yếu tố đặc thù. Vậy nên thay vì ngưỡng vọng những tượng đài Tây phương hay khao khát một vài tài năng đoạt giải thưởng danh giá để định vị Việt Nam trên bản đồ, có chăng ta nên nhìn lại xem, liệu tồn tại những cơ hội thiết thực nào để học tập, trao đổi, xây dựng và phát triển sự nghiệp ở bối cảnh nhiếp ảnh trong nước?
- Nhiều người hay than phiền, Việt Nam có nhiều khoảng trống trong việc giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật?
Tôi không theo học nhiếp ảnh chính quy dù từng thi đỗ Khoa Nhiếp ảnh nghệ thuật thuộc Đại học Sân khấu Điện ảnh. Đã may mắn có cơ hội trau dồi ở một số khóa học và chương trình hỗ trợ sáng tác trong và ngoài nước, việc không có một tấm bằng không phải là rào cản quá lớn trong công việc của cá nhân tôi.
Gần đây, tôi được biết hợp phần nhiếp ảnh cũng đã được giới thiệu ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật tại Hà Nội, Đại học Fulbright và RMIT tại TPHCM. Như vậy không thiếu địa chỉ đào tạo nhiếp ảnh ở bậc đại học, chưa kể đến các mô hình khóa học ngắn tập trung vào kỹ thuật và thực hành do nhiếp ảnh gia trực tiếp đứng lớp.
Câu hỏi đặt ra là liệu chương trình giảng dạy có tiệm cận với nhu cầu của sinh viên lẫn bối cảnh xã hội hiện thời và sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có lựa chọn nghề nghiệp nào nếu họ muốn theo con đường sáng tác cá nhân thay vì thực hành thương mại.
Một bức ảnh có giá bao nhiêu?
- Buổi mở xưởng “Chuyện lạ từ căn phòng tạm”, chị muốn kể câu chuyện gì với cộng đồng nghệ thuật Việt?
Tuy không có yêu cầu “báo cáo” với đơn vị tài trợ, tôi vẫn mong muốn giới thiệu những bức ảnh và câu chuyện sau quá trình lưu trú tại Thụy Sĩ vào cuối năm 2024 với khán giả Hà Nội. Theo chương trình của Hội đồng Nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia, tôi đã có cơ hội sinh sống tại một thành phố nhỏ ở ngoại ô Zurich và tùy ý sáng tác trong vòng ba tháng.
Tiêu đề sự kiện mở xưởng lần này mượn từ cuốn “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh. Giống như nhà văn chu du thiên hạ để thu thập chuyện ma quỷ trong dân gian, tôi cũng đi trải nghiệm và ghi lại những phép phù thủy, thực hành tâm linh, bói toán, chữa lành… tại nhiều khu vực ở nước bạn, rồi lại quay về căn phòng riêng để suy tư. Tình cờ thay, người ta đồn rằng có ma ở trong ngôi biệt thự trăm tuổi nơi tôi ở trọ.
Một mặt, tôi đặt câu hỏi về nguyên do tại sao các thực hành tâm linh nằm ngoài tôn giáo chính thống đang thịnh hành trở lại. Phong trào này có thể chịu tác động từ thực trạng bấp bênh của thế giới (hậu) hiện đại, nhưng đồng thời phản ánh lịch sử săn lùng phù thủy, cũng như những thử nghiệm kết hợp khoa học với huyền học để mở rộng hiểu biết về cõi nhân sinh của các nhà tư tưởng Thụy Sĩ.
Mặt khác, tôi muốn đưa ra phản đề về điều kiện sáng tác lý tưởng khi được đài thọ toàn bộ chi phí sinh hoạt tại một quốc gia gần như đắt đỏ nhất thế giới. “Căn phòng” mà tôi nhắc đến còn hàm ý nhận định mà cây viết Virginia Woolf từng đưa ra: “Phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng riêng”. Một không gian yên tĩnh và tự do, dù thực hữu hay chỉ trong tâm tưởng, hẳn vẫn là nền tảng cốt yếu nuôi dưỡng sáng tạo ở bất cứ thời kỳ nào.
- Nhiều người trẻ do dự khi bước vào con đường nhiếp ảnh, rằng - một bức ảnh có giá bao nhiêu? Nhà nhiếp ảnh sẽ sống như thế nào?
Đây là câu hỏi thiết thực, không nên né tránh mà cần được bàn luận công khai ở một diễn đàn riêng. Những giám tuyển và chủ phòng tranh dày dạn kinh nghiệm sẽ có câu trả lời xác đáng hơn một nghệ sĩ chưa được mấy nhà sưu tập để mắt như tôi.
Quyết định giá thành của tác phẩm nhiếp ảnh không hề cảm tính mà sẽ được tính toán dựa trên nhiều yếu tố như tên tuổi của tác giả, chất lượng nghệ thuật, tính độc đáo, độ cầu kỳ của tác phẩm. Cũng như dịch vụ chụp hình có khung định giá tiêu chuẩn, tác phẩm nếu đã để mua bán thì dẫu ở hình thức nào cũng sẽ tuân theo quy luật thị trường.
- Trân trọng cảm ơn chị!
Thực hành nhiếp ảnh của Hà Đào pha trộn giữa tài liệu và hư cấu, thường lấy cảm hứng từ tính kịch trong đời sống thường nhật, lồng ghép góc nhìn về giới và tính dục. Những sáng tác mới của Hà Đào kết hợp hình ảnh động và sắp đặt. Cô đã giới thiệu tác phẩm của mình tại một số ấn phẩm và không gian tại Việt Nam, Trung Quốc, Singapore. Hà Đào từng nhận giải Seed Award từ Prince Claus Fund và giải Higashikawa Award lần thứ 38.