Cụ thể, theo báo cáo này, trong học kỳ II, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản trong Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT; các nhiệm vụ trong Công văn số 4235/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2016-2017.Trong đó lưu ý các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất: Tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường nề nếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả công tác trong các cơ sở giáo dục trung học. Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng của học sinh trung học.
Thứ 2: Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, phù hợp với thực tiễn địa phương, cơ sở giáo dục; đặc biệt chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học phổ thông hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của Bộ và sở giáo dục và đào tạo, phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Nghiêm cấm việc cắt xén chương trình đã quy định.
Thứ 3: Tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhất là đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục trung học theo hướng tăng cường phân cấp, thực hiện quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường, trách nhiệm giải trình của đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ và chức năng giám sát của xã hội, kiểm tra của cấp trên.
Thứ 4: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục và giáo viên thực hiện thường xuyên, hiệu quả các phương pháp, hình thức và kĩ thuật dạy học tích cực; đổi mới nội dung, phương thức đánh giá học sinh nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý. Tiếp tục sử dụng hình thức trực tiếp hoặc thông qua “Trường học kết nối” để tổ chức tập huấn cho các cơ sở giáo dục trung học và giáo viên thực hiện việc ra đề kiểm tra, đánh giá theo quy trình ra đề chuẩn hóa đúng hướng dẫn của Bộ; tổ chức ôn tập thường xuyên trong quá trình dạy học và sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, đảm bảo chuẩn bị cho học sinh lớp 12 có đủ kiến thức và kỹ năng tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Thứ 5: Tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.
Thứ 6: Tăng cường tuyên truyền để cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội có nhận thức đúng về những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; tích cực chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; tổ chức học tập quy chế thi THPT quốc gia cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phổ biến quy chế đến cha mẹ học sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện quy chế.
Thứ 7: Tích cực tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục trung học phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương theo định hướng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Thứ 8: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong trường trung học. Hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.